Trả lời:
Người cao tuổi, có bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính... nguy cơ cao mắc nhiều biến chứng khi nhiễm cúm. Các biến chứng thường gặp gồm viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, ít gặp hơn gồm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim dẫn đến đột quỵ tim.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus cúm gắn vào niêm mạc của đường hô hấp, thoát ra khỏi tế bào cũ để tấn công sang các tế bào lành. Từ đó, virus xâm nhiễm các tế bào niêm mạc đường hô hấp trên, máu, phổi và các cơ quan khác.
Số lượng virus tấn công sẽ kích hoạt phản ứng mạnh mẽ từ hệ thống miễn dịch, dẫn đến cơ thể phải tạo ra phản ứng viêm để bảo vệ bản thân. Phản ứng viêm gây ra cục máu đông, gây tăng huyết áp, làm tim bị tổn thương.
Ở người bệnh tim, virus sẽ khiến mảng xơ vữa bị vỡ, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não gấp 3-10 lần, biến chứng nhồi máu cơ tim gấp 6-17 lần trong vòng một tuần khi mắc cúm và tử vong tăng gấp 8 lần so với người khác. Với những người từng có tiền sử đột quỵ, cúm có thể làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe khác.
Bên cạnh đó, virus cúm có thể tấn công thẳng vào cơ tim, gây viêm, chết tế bào trong vài giờ. Tim không thể tuần hoàn cung cấp máu cho các bộ phận của cơ thể như não, gan, thận... từ đó gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không chữa trị kịp thời.

Người già, có bệnh nền dễ gặp biến chứng khi mắc cúm. Ảnh: Vecteezy
Người cao tuổi, có bệnh lý nền, các biến chứng liên quan đến cúm sẽ nặng hơn. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân 62 tuổi có tiền sử COPD mắc cúm. Hiện bệnh nhân đặt ống nội khí quản do suy hô hấp nặng, phải ăn qua sonde dạ dày.
Vaccine cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nghiêm trọng. Vaccine có hiệu quả cao phòng các biến chứng về suy tim, nhồi máu cơ tim và phòng tử vong đến 70% cho người mắc tim mạch.
Hiện Việt Nam có bốn loại vaccine cúm của Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc và Việt Nam, giúp phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Người từ 9 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi. Vaccine cần nhắc lại hàng năm. Vaccine có thể tiêm trong thai kỳ, tốt nhất từ 3 tháng giữa trở đi.
Để tăng hiệu quả phòng cúm, gia đình bạn nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tiếp xúc gần với người mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Nếu mắc bệnh, mọi người cần thăm khám kịp thời, không tự ý sử dụng thuốc, kháng sinh.
Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn
Quản lý Y khoa Vùng 1 - Hồ Chí Minh, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.