Mới đây, Morgan Stanley tuyên bố rút khỏi Liên minh ngân hàng Net Zero (NZBA), chỉ vài tuần trước khi chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức tiếp quản. Đây là ngân hàng Mỹ thứ năm rời liên minh này trong vài tuần gần đây, sau Goldman Sachs, Wells Fargo, Bank of America và Citigroup.
Liên minh ngân hàng Net Zero (NZBA) được thành lập vào năm 2021 do Liên Hợp Quốc tập hợp, là một nhóm các ngân hàng hàng đầu toàn cầu, cam kết điều chỉnh các hoạt động cho vay, đầu tư và thị trường vốn theo mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Làn sóng rút khỏi liên minh này bắt đầu chỉ một tháng sau khi ông Trump thắng cử. Khi Goldman Sachs - ngân hàng đầu tiên rời đi, tổng tài sản của liên minh này là 73.000 tỷ USD. Sau sự ra đi liên tiếp của các ngân hàng lớn, tổng tài sản của các thành viên trong liên minh còn 64.000 tỷ USD.
Đến nay, liên minh này còn 142 ngân hàng, với bốn ngân hàng từ Mỹ gồm Amalgamated, Areti, Climate First và JPMorgan Chase. Trong đó, Wall Street cho rằng ngân hàng lớn cuối cùng của Mỹ trong NZBA là JPMorgan Chase có thể sớm rút lui. Thực tế, ngân hàng này đã rời một liên minh khí hậu khác là Climate Action 100+ hồi đầu năm ngoái.
Làn sóng rút lui của các ngân hàng dấy lên quan ngại về các cam kết khí hậu dưới áp lực chính trị, đặc biệt tại Mỹ, trước thách thức pháp lý từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa. Ủy ban Tư pháp Hạ viện mà dẫn đầu là chính trị viên Jim Jordan gọi các liên minh nói trên là "băng đảng khí hậu" (Climate cartel), nơi các nhóm môi trường và tài chính thông đồng nhằm thúc đẩy quá trình phi carbon hóa.
Theo nhà phân tích chính sách cấp cao Bonner Russell Cohen, sức mạnh tài chính của NZBA với cam kết chỉ đầu tư vào các dự án phù hợp với chương trình nghị sự về phát thải ròng bằng 0 đã khiến nhiều ngành sợ bị đưa vào danh sách đen của các ngân hàng lớn, trong đó có ngành nông nghiệp của Mỹ.
"Để đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 trong nông nghiệp, phải cải tổ toàn diện cơ sở hạ tầng trang trại - một trong những mục tiêu của NZBA", các quan chức nông nghiệp từ 12 tiểu bang gửi thư tới các thành viên Mỹ trong liên minh NZBA đầu năm 2024 và gọi đây là "tác động thảm khốc".
Họ cho rằng lộ trình net zero thiếu thực tế và tốn kém với hoạt động trồng trọt và chăn nuôi của Mỹ, ví dụ chuyển sang sử dụng máy móc và thiết bị điện, lắp đặt pin mặt trời và tua-bin gió tại chỗ, chuyển sang phân hữu cơ, thay đổi hệ thống tưới tiêu trên đồng ruộng, giảm phân nửa lượng tiêu thụ thịt, có thể ảnh hưởng tới hàng triệu việc làm trong ngành chăn nuôi.
Một trụ cột khác bị cáo buộc trong "băng đảng khí hậu" là đầu tư ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang bị chính những nhà đầu tư quay lưng. Các quỹ ESG đã chứng kiến người Mỹ rút tiền trong 8 quý liên tiếp. Vào quý III/2024, nhà đầu tư đã rút ròng 2,3 tỷ USD trong khi các quỹ khác của thị trường vẫn tăng trưởng, ông Bonner viết trên chuyên trang năng lượng và chính sách Real Clear Energy.
Bên cạnh đó, các tiểu bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo cáo buộc các tổ chức tài chính ưu tiên mục tiêu về khí hậu hơn là lợi ích kinh tế. Vào tháng 11 năm ngoái, Texas và 10 tiểu bang khác đã kiện các công ty quản lý tài sản lớn như BlackRock, Vanguard và State Street, do vi phạm luật chống độc quyền. Họ cáo buộc các hành động khí hậu đã hạn chế tín dụng rót vào mảng nhiên liệu hóa thạch, gây giảm sản lượng than và tăng giá năng lượng.
Các ngân hàng rời liên minh khí hậu duy trì cam kết phát triển bền vững. Morgan Stanley và Citigroup hướng mục tiêu tài chính Net Zero trước 2050. Bank of America đã đạt trung hòa carbon trong vận hành vào 2019, lên chiến lược huy động 1.000 tỷ USD vào 2030 nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, ít carbon.
Giới phân tích cho rằng việc các ngân hàng lớn liên tục rời NZBA báo hiệu những bất ổn lớn hơn trong phát triển tài chính bền vững khi họ phải đối mặt với mâu thuẫn từ các bên liên quan. Nhà đầu tư thì yêu cầu trách nhiệm giải trình về các mục tiêu khí hậu. Nhà lập pháp lại cho rằng các hoạt động hướng tới mục tiêu này gây bất lợi cho các ngành công nghiệp truyền thống bao gồm nhiên liệu hóa thạch.
Việc thu hẹp quy mô các sáng kiến tập thể như NZBA có thể làm chậm tiến độ huy động hàng nghìn tỷ USD vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Thiếu một khuôn khổ thống nhất, các ngân hàng có thể theo đuổi các cách tiếp cận rời rạc, giảm hiệu quả tổng thể của các hành động vì khí hậu toàn cầu.
Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris vào năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump và tái gia nhập hiệp định này vào năm 2021 dưới thời Tổng thống Biden. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, người phát ngôn cho biết rằng ông Trump có kế hoạch rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris một lần nữa sau khi nhậm chức.
"Cần sự tương tác tinh tế giữa tham vọng khí hậu và thực tế chính trị", Carbon Credits bình luận. Bằng cách chủ động giải quyết thách thức, lĩnh vực tài chính sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng tới tương lai bền vững.
Bảo Bảo (theo Yahoo!Finance, Carbon Credits, Real Clear Energy)