ESG (Environmental, Social, and Governance) là một khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp.
ESG - viết tắt của Environmental, Social, and Governance (Môi trường, Xã hội và Quản trị), đo lường tính bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp dựa trên ba trụ cột chính.
Bối cảnh ra đời
Khái niệm về ESG ra đời vào đầu những năm 2000, gắn liền với sự phát triển của các phong trào đầu tư có trách nhiệm và quan tâm đến bền vững. Năm 2004, Liên Hợp Quốc thông qua báo cáo "Who Cares Wins" do sáng kiến của Kofi Annan, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, kêu gọi sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị vào hoạt động đầu tư. Báo cáo này đã đặt nền móng cho ESG trở thành tiêu chuẩn đánh giá quan trọng.
Sau đó, năm 2006, Liên Hợp Quốc ra mắt nguyên tắc PRI (Principles for Responsible Investment), thúc đẩy ESG thành tiêu chuẩn quốc tế cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự bền vững và trách nhiệm xã hội trong hoạt động kinh doanh.
Các cấu phần của ESG
Environmental (Môi trường): đánh giá cách doanh nghiệp quản lý các tác động đến môi trường. Tiêu chí xét đến các yếu tố như khí thải nhà kính, quản lý tài nguyên thiên nhiên (nước, đất, khoáng sản), tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải (tái chế, xử lý chất thải), bảo tồn đa dạng sinh học, và khả năng ứng phó với các rủi ro khí hậu (biến đổi khí hậu, thiên tai).
Social (Xã hội): xem xét mối quan hệ của doanh nghiệp với các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, cộng đồng và nhà cung cấp. Các yếu tố trong lĩnh vực này bao gồm điều kiện lao động (tiền lương, phúc lợi, sự an toàn tại nơi làm việc), quản lý vốn con người (đào tạo, phát triển nhân viên), tác động đối với cộng đồng (các chương trình trách nhiệm xã hội), sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ (như giáo dục và y tế).
Governance (Quản trị): đánh giá cách doanh nghiệp quản lý và điều hành. Tiêu chí này xét theo các yếu tố như cấu trúc lãnh đạo (cơ cấu hội đồng quản trị, vai trò của cổ đông), quy trình ra quyết định (tính minh bạch, trách nhiệm giải trình), các chính sách về quản lý rủi ro, và tuân thủ quy định (pháp luật và các quy chuẩn ngành).
Vì sao ESG quan trọng với doanh nghiệp?
ESG được xem như yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Chứng nhận này quan trọng với doanh nghiệp vì nó giúp:
Thu hút vốn và đầu tư: Các doanh nghiệp có chiến lược ESG rõ ràng thường thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn, vì các nhà đầu tư ngày càng ưu tiên cho các dự án có thể giảm thiểu rủi ro dài hạn về biến đổi khí hậu, trách nhiệm xã hội, và quản lý minh bạch.
Theo báo cáo của PwC, tài sản quản lý (AuM) liên quan đến ESG trên toàn cầu sẽ tăng từ 18.400 tỷ USD vào năm 2021 lên đến 33.900 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 12,9%. Dự kiến, vào năm 2026, các tài sản này chiếm khoảng 21,5% tổng tài sản quản lý toàn cầu. McKinsey cũng nhấn mạnh rằng các quỹ đầu tư ESG thường có hiệu suất cao hơn so với các quỹ truyền thống.
Đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu và quy định pháp lý: Việc không tuân thủ các quy định ESG có thể dẫn đến việc doanh nghiệp mất đi cơ hội hợp tác quốc tế. Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã thực hiện các quy định ESG như một tiêu chuẩn bắt buộc cho hoạt động kinh doanh.
Điển hình là Liên minh châu Âu (EU), nơi đã áp dụng Quy định về Báo cáo Doanh nghiệp về Bền vững (CSRD) yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải báo cáo về các tác động môi trường, xã hội và quản trị. Tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đang trong quá trình triển khai các yêu cầu báo cáo khí hậu bắt buộc thay vì tự nguyện như trước đây.
Cải thiện hiệu quả hoạt động và giảm chi phí: ESG giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về môi trường, chẳng hạn như xử lý chất thải và giảm khí thải carbon, từ đó giúp tiết kiệm chi phí dài hạn. Theo một báo cáo từ Harvard Business Review, các doanh nghiệp chú trọng vào ESG không chỉ nâng cao lợi nhuận mà còn ít bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường. Các công ty có điểm số ESG cao đã thể hiện sự ổn định hơn, với mức giảm giá cổ phiếu thấp hơn 30% so với các công ty không chú trọng vào ESG.
Tăng uy tín và sự ủng hộ từ khách hàng: Doanh nghiệp có chiến lược ESG rõ ràng dễ tạo niềm tin từ phía khách hàng. Theo một báo cáo của Nielsen, hơn 80% người tiêu dùng cho biết họ muốn mua sản phẩm từ những công ty có cam kết về bảo vệ môi trường và xã hội. Do đó, thiếu cam kết ESG có thể khiến doanh nghiệp mất đi sự ủng hộ từ phía khách hàng và gặp khó khăn trong việc giữ vững thị phần.
Bảo vệ môi trường: Áp dụng các chính sách môi trường giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và cải thiện khả năng tuân thủ quy định pháp luật.
Tăng cường trách nhiệm xã hội: Thực hiện các chính sách xã hội giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ tích cực với cộng đồng, đảm bảo điều kiện làm việc công bằng, an toàn và thu hút nhân tài. Điều này giúp nâng cao tinh thần làm việc và lòng trung thành của nhân viên.