Kinh phí đầu tư tuyến đường trọng điểm này được nêu trong buổi làm việc cách đây hơn một tuần giữa Phó thủ tướng Lê Văn Thành với bộ ngành, địa phương liên quan. Dự toán ở giai đoạn một, tuyến dài khoảng 80 km tổng chi phí hơn 83.000 tỷ đồng, tức bình quân mỗi km khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo Phó thủ tướng, mức này là quá cao, đắt hơn nhiều dự án cao tốc trong nước nên yêu cầu các bên liên quan rà soát, gồm kinh phí xây dựng, giải phóng mặt bằng...
Vành đai 3 dài hơn 90 km, chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó phần qua TP HCM dài gần 48 km, chiếm hơn 50%. Toàn tuyến chia làm 4 đoạn lớn, gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến vành đai được nghiên cứu khi hoàn thiện có 8 làn cao tốc cùng đường song hành hai bên, mỗi bên rộng gần 16 m tính cả lòng đường và vỉa hè.
Giai đoạn một, Vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư dài gần 80 km, do tạm thời không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Việc giải phóng mặt bằng ở giai đoạn này được tính toán triển khai theo quy mô hoàn chỉnh, đồng thời làm trước 4 làn cao tốc và đường song hành hai bên, mỗi bên ít nhất 2 làn xe.
Kinh phí tuyến đường này lớn bởi theo báo cáo tiền khả thi của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (trước đó được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư, hiện chuyển cho TP HCM) rơi vào phần giải phóng mặt bằng. Trong tổng mức đầu tư giai đoạn một, chi phí giải phóng mặt bằng gần 47.000 tỷ đồng (chiếm 56%), hơn 36.000 tỷ đồng còn lại dành cho chi phí xây dựng, đường song hành hai bên...
Đơn cử đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức, dài 29 km qua TP HCM, Long An tổng vốn hơn 22.400 tỷ đồng, song phần mặt bằng chiếm hơn nửa, khoảng 12.000 tỷ đồng. Tương tự, đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22, dài 19 km, qua Bình Dương, TP HCM đầu tư hơn 17.500 tỷ đồng, gồm 9.700 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và 5.700 tỷ đồng xây dựng, còn lại là tư vấn... Trên hai đoạn này có khoảng 20 cầu vượt, hầm chui băng qua các nút giao được nghiên cứu đầu tư.
Riêng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, kinh phí đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Đoạn này được nghiên cứu làm tuyến Vành đai 3 dài gần 29 km cùng hơn 8 km đường nối vào nút giao ở TP Thủ Đức và Khu công nghiệp Ông Kèo (Đồng Nai). Trên tuyến dự tính làm nhiều nút giao, cầu vượt... như Tân Vạn, đoạn kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành, cảng ICD Long Bình...
TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường của Đại học Bách Khoa TP HCM, nhìn nhận việc xây đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, địa hình, số làn xe... Nhưng điều chắc chắn là chi phí làm đường ở đô thị luôn tốn kém hơn khu vực nông thôn, bởi giá đền bù, giải phóng mặt bằng cao và thường chiếm khoảng 50% vốn đầu tư công trình.
Vành đai 3 giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh với 8 làn cao tốc cùng đường song hành. Ông Minh đánh giá nhiều đoạn đi qua đất xen cài giữa các khu dân cư khiến mức đền bù phải cao hơn một số khu vực khác. Đơn cử, dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dài 8,75 km, trong đó phần đi qua TP HCM chỉ hơn 2 km nhưng kinh phí đền bù lên tới 1.600 tỷ đồng.
Một cán bộ từng tham gia nghiên cứu nhiều dự án làm đường ở khu vực phía Nam cho biết kinh phí xây dựng tuyến đường tính cả phần dự phòng, tư vấn... nên phần xây lắp thực tế thấp hơn, ước tính gần 300 tỷ đồng mỗi km. So với một số cao tốc triển khai trong nước, suất đầu tư bình quân một km khoảng 150-200 tỷ đồng thì Vành đai 3 cao hơn.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết trước đây, Vành đai 3 do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, cùng với tư vấn lập dự án nghiên cứu tiền khả thi và mới bàn giao lại TP HCM. Thành phố hiện chờ Trung ương chính thức giao chủ trì chuẩn bị dự án để làm việc với các tỉnh, lựa chọn tư vấn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi thực hiện các đầu việc tiếp theo.
Liên quan việc triển khai thủ tục, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết đã tham mưu UBND thành phố đề nghị các tỉnh liên quan rà soát lại quy mô đầu tư, bao gồm khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án. Phía TP HCM cũng đề nghị các tỉnh nêu khả năng bố trí ngân sách tham gia đầu tư dự án, đồng thời đề xuất cơ chế, phương án thực hiện... Riêng TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp các quận huyện rà soát lại cụ thể chi phí giải phóng mặt bằng.
Trước đó, các địa phương sau khi làm việc liên quan công tác chuẩn bị đầu tư Vành đai 3 đánh giá tuyến đường triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) không khả thi. Trong bối cảnh cả 4 tỉnh thành chịu thiệt hại nặng nề nhất ở đợt Covid-19 thứ tư nên thống nhất kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án.
Tuy nhiên, hiện phương án này khó thực hiện, bởi dự án đưa vào chương trình trên phải cấp bách, triển khai hoàn thành trong thời gian ngắn. Hiện, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bên liên quan có thể nghiên cứu từng đoạn triển khai theo hình thức PPP, hoặc 100% sử dụng ngân sách để khả thi trong việc triển khai.
Chạy xuyên qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, Vành đai 3 khi hoàn thành, khép kín được xem tuyến huyết mạch giúp phát triển kinh tế, xã hội TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi ví von việc xây dựng tuyến đường này như "chăm sóc cho gà đẻ trứng vàng, bởi sẽ mang lại những hiệu quả rất lớn".
Gia Minh