TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn Chính phủ đề cập đến thực trạng trên trong buổi tọa đàm bàn về thúc đẩy vùng kinh tế TP HCM - Đồng Nai - Bà Rịa -Vũng Tàu" ngày 22/12.
Vành đai 3 TP HCM dài hơn 90 km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km đã đầu tư hoàn thành.
Dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, tổng vốn 5.300 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý 1/2022. Theo nghiên cứu, khi hoàn thiện tuyến đường sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/h và đường song hành hai bên.
Ngoài dự án 1A đầu tư bằng vốn ODA, những phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 đã được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo chủ trương, hình thức đầu tư bằng phương thức đối tác công tư (PPP) đang được khuyến khích. Tuy nhiên, luật quy định Nhà nước chỉ góp không quá một nửa vốn vào mỗi dự án. Phần còn lại sẽ do nhà đầu tư tư nhân. Đây trở thành điểm khó cho đường Vành đai 3.
"Thời gian thu hồi vốn lên đến 30 năm thì không một nhà đầu tư hay ngân hàng nào tài trợ cả", ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Cũng với vướng mắc tương tự, chuyên gia Trần Du Lịch điểm danh tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo ông, sân bay Long Thành nếu xây dựng đúng tiến độ sẽ không thể kết nối được với TP HCM bằng tuyến cao tốc 4 làn xe hiện nay.
Thực tế, tính kết nối giữa hai đầu mối giao thông này vốn khó đảm bảo suốt nhiều năm qua. Đoạn đường từ Quốc lộ 51 (Đồng Nai) về đến nút giao An Phú (TP HCM) nhiều lúc giống như "một bãi đậu xe". Mặc dù đã có quy hoạch phát triển giao thông liên vùng nhưng các dự án như Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... vẫn nằm im trên giấy cả chục năm qua.
Theo quy hoạch, đến năm 2025 phía Nam sẽ hoàn thành hơn 500 km đường cao tốc, nhưng đến nay mới được hơn 90 km. Trong khi Hà Nội đã tiến tới đường Vành đai 5, TP HCM lại Vành đai 2 mãi chưa khép kín. Đường Vành đai 3 và 4 càng dang dở.
"Một đô thị như TP HCM mà không có đường vành đai nào kết nối hoàn chỉnh, chỉ toàn đường vành khuyên là chuyện không thể chấp nhận được", chuyên gia này lưu ý.
![Kẹt xe trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua TP Thủ Đức, tháng 12/2020. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/12/22/QUYN3846-8247-1640189898.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cpGwrpkKJUYx498NTaJBzQ)
Kẹt xe trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua TP Thủ Đức, tháng 12/2020. Ảnh: Quỳnh Trần
TS Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề mấu chốt của mọi điểm nghẽn kể trên vẫn nằm ở nguồn vốn. Sắp tới, Quốc hội sẽ họp phiên đặc biệt, trong đó chú trọng giải quyết tắc nghẽn đầu tư công.
Ông Lịch cho rằng, cần phải điều chỉnh lại luật cho phù hợp. Cụ thể, việc Nhà nước góp vốn vào dự án bao nhiêu tiền phải tùy theo tính chất quan trọng và thời gian thu hồi vốn của từng dự án. Theo ông, nếu một dự án PPP có thời gian thu hồi vốn trên 20 năm là không hợp lý vì con số trên vượt quá một vòng đời tài chính. Các bên nên lấy mốc này để tính toán độ khả thi trong kêu gọi góp vốn đầu tư.
"Nếu gỡ được nút thắt trên, chúng ta sẽ thúc đẩy được đầu tư công ở trên nhiều dự án tuyến đường quan trọng", ông Lịch khẳng định.
Ngoài ra, chuyên gia gợi ý cần phải lập một định chế để có quỹ đầu tư phát triển hạ tầng vùng. Đây sẽ là một "định chế tài chính thật sự" có hội đồng quản trị đứng ra huy động nhiều nguồn lực Nhà nước, tư nhân. Tổ chức này nối kết đầu tư cho toàn khu vực.
Bên cạnh đó, lo lắng của TS Trần Du Lịch còn là thực trạng các địa phương chỉ có quy hoạch tỉnh mà chưa có quy hoạch vùng. Vì thế, Chính phú có thể chỉ đạo về việc cần thống nhất về kết nối và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.
"Sau đại dịch, vấn đề bất cập về giao thông hiện rõ. Nếu không đẩy nhanh tiến độ, vùng đất trù phú này sẽ không còn tiềm năng trong tương lai. Đó là thứ chúng ta đã thấy rõ", ông Lịch kết luận.
Bàn riêng về các dự án kết nối giao thông liên vùng của TP HCM, ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay thành phố chưa khép kín được đường Vành đai 2 và 3. Việc xin cơ chế đặc thù cho một vài dự án riêng lẻ rất khó. Vì thế, TP HCM không dám đặt vấn đề với các Bộ, ngành và Chính phủ.
Ông Bằng cũng cho biết, theo quy hoạch đường Vành đai 2 đã khép kín cách đây 10 năm trước. Tuy nhiên đến nay, tuyến đường này có 3 đoạn ứng với 4 dự án chưa hoàn chỉnh. Trong đó, đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng vẫn chưa thể thông qua chủ trương đầu tư vì chưa xác định được nguồn vốn.
"Nguyên nhân chính khiến các dự án chậm trễ đều do chưa tìm được nguồn vốn, chưa biết lấy tiền đâu để làm. Nếu không có sự đồng lòng, nhanh chóng cùng tháo gỡ của các Bộ, ngành, Chính phủ, TP HCM sẽ rất khó khép kín hệ thống đường Vành đai và phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông", ông Phan Công Bằng chia sẻ.
Tất Đạt