Hai đoạn dài 6 km đều ở TP Thủ Đức, nằm trong 14 km còn lại để khép kín tuyến Vành đai 2, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm nay, tổng vốn dự tính 17.000 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là một trong dự án giao thông chi phí đầu tư đắt nhất nước khi trung bình một km cần hơn 2.800 tỷ đồng để hoàn thành.
Đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại vị trí nút giao Bình Thái; đoạn 2 dài 2,8 km, từ nút giao nêu trên đến đường Phạm Văn Đồng ở ngã ba Linh Đông. Hai đoạn lần lượt được nghiên cứu có tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng và hơn 8.400 tỷ. Giai đoạn đầu, cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ theo quy hoạch, rộng 67 m và làm trước đường song hành hai bên với tổng 6 làn xe. Phần đất trống ở giữa chưa triển khai tại thời gian đầu mà dự trữ để sau này xây dựng, khi nhu cầu đi lại tăng lên.
Lý giải mức kinh phí đầu tư cao như trên, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết cả hai đoạn đều được tính toán khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, chiếm phần lớn tổng nguồn vốn. Trong đó, đoạn 1 kinh phí đền bù ước tính hơn 6.400 tỷ đồng (chiếm 74%), trong khi chi phí xây dựng chiếm gần 20%, với hơn 1.600 tỷ; còn lại quản lý dự án, dự phòng... Tương tự, kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn 2 cũng cần hơn 5.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 65% nguồn vốn); phần xây lắp gần 2.300 tỷ (chiếm 27%); còn lại dùng cho tư vấn, dự phòng...
Mặt khác, giai đoạn đầu cả hai dự án được xây dựng hoàn chỉnh các nút giao. Trong đó, ngã tư Bình Thái thuộc đoạn 1 sẽ làm nút giao theo dạng hoa thị, với cầu vượt băng ngang xa lộ Hà Nội rồi chui dưới gầm tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Cầu vượt này được thiết kế hai chiều, mỗi chiều 5 làn xe cùng các nhánh rẽ. Đường song hành xa lộ Hà Nội đoạn qua nút giao cũng thiết kế đi dưới bằng hầm chui...
Ngã ba Phạm Văn Đồng - Linh Đông thuộc đoạn 2, cũng xây nút giao hoàn chỉnh, quy mô ba tầng. Trong đó, một cầu vượt với hai nhánh đi thẳng trên Vành đai 2, băng qua các tuyến Linh Đông, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, rạch Ngang. Cầu vượt thứ hai thiết kết nhánh rẽ từ Vành đai 2 (hướng sân bay Tân Sơn Nhất đi quốc lộ 1) cho hai làn xe. Cầu thứ ba theo đường Phạm Văn Đồng qua nút giao rồi chia thành hai nhánh nối vào các đường xung quanh.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho hay tổng mức đầu tư như trên mới là nghiên cứu làm cơ sở đề xuất chủ trương đầu tư. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng cũng được địa phương tạm tính dựa trên phạm vi, diện tích đất trong ranh dự án. Sau khi chủ trương được phê duyệt, các bên tiếp tục đo đếm, thống kê chi tiết hơn. "Chi phí xây dựng đã có khung tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành, nhưng giải phóng mặt bằng tùy thuộc tuyến đi qua khu vực nào", ông nói.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM, đánh giá nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng để khép kín Vành đai 2 - trục giao thông đặc biệt quan trọng phát triển kinh tế, xã hội ở thành phố, thì "đắt mấy cũng phải làm". Bởi tuyến đường đã quy hoạch cách đây nhiều năm, song chưa khép kín ảnh hưởng khả năng kết nối các trục đường chính, cảng biển, cao tốc... Toàn tuyến khi được hoàn thành sẽ mở ra lợi thế kết nối TP HCM với các địa phương.
Chuyên gia cũng cho rằng kinh phí xây đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, số làn xe, cầu cạn, nút giao... Tuy nhiên, điều chắc chắn đường ở đô thị sẽ tốn kém hơn nhiều so với khu vực nông thôn, đất nông nghiệp. Khác Vành đai 3 hoặc các tuyến cao tốc, Vành đai 2 nằm trọn trong địa phận TP HCM, đi qua nhiều khu dân cư ở đô thị, nên chi phí đền bù lớn. "Do vậy, việc giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu rất cần thiết, bởi nếu chỉ làm từng phần sau này sẽ phải bỏ nguồn vốn lớn hơn, đời sống người dân cũng bị xáo trộn", ông nói.
Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, dài hơn 64 km, đến nay đã xong khoảng 50 km. Đây được xem là tuyến quan trọng giúp phân luồng, giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc... Ngoài hai đoạn dự kiến được đề xuất đầu tư, tuyến còn hai đoạn khác dài hơn 8 km chưa hoàn thành. Trước đây TP HCM tính triển khai xây 4 đoạn này theo phương thức đối tác công - tư (PPP), song không khả thi nên chuyển qua đầu tư công.
Ngoài Vành đai 2, tuyến Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dự kiến khởi công giữa năm sau, hoàn thành sau ba năm. Bên ngoài Vành đai 3 là tuyến Vành đai 4, dài gần 200 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, đang được lập kế hoạch đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2028.
Gia Minh