Thông tin được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Trần Quang Lâm nêu tại hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng Vành đai 3 và công tác chuẩn bị dự án Vành đai 4, ngày 2/7. Hiện, dự án Vành đai 3 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, TP HCM được giao làm cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện.
Ông Lâm cho biết ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua, thành phố cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An - nơi tuyến Vành đai 3 đi qua tổ chức nhiều cuộc làm việc để sớm thực hiện dự án. Tháng 7 này, Chính phủ ra nghị quyết triển khai dự án, tháng 8 bắt đầu làm các thủ tục phê duyệt, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng. Từ tháng 10 năm nay đến cuối năm sau, các địa phương đặt mục tiêu bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng cho dự án, trước khi hoàn thành toàn bộ vào tháng 3/2024.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết mới đây Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương nỗ lực đẩy nhanh thực hiện dự án. Vì vậy theo kế hoạch mới, tuyến sẽ được khởi công giữa năm 2023, sớm hơn 6 tháng so với dự tính trước đây. Với kế hoạch này, các tỉnh thành đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản tuyến đường vào tháng 10/2025, xong toàn bộ và khai thác một năm sau đó.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, các địa phương đề xuất áp dụng chỉ định thầu rút gọn với hai gói thầu tư vấn và di dời hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên theo bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ định thầu thường thực hiện với các gói thầu đơn giản, giá trị nhỏ, còn tuyến Vành đai 3 quy mô lớn nên các địa phương cân nhắc bởi có thể gặp rủi ro.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nói giải phóng mặt bằng là phần việc khó khăn nhất ở dự án nên 4 tỉnh thành phải tập trung phối hợp triển khai. Điều này để đảm bảo dự án khi khởi công phải có ít nhất 70% diện tích được bàn giao.
Theo ông Thọ, kế hoạch hoàn thành cơ bản Vành đai 3 chỉ ba năm, trong khi khối lượng công việc nhiều nên các đầu việc cần triển khai song song, phân chia trách nhiệm cụ thể. Tuyến được chia 8 dự án thành phần, độc lập, nên vai trò cơ quan đầu mối TP HCM rất quan trọng, nhằm đồng bộ khi thực hiện toàn tuyến đường.
Vành đai 3 TP HCM là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất miền nam từ trước đến nay. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Gia Minh