Quyết tâm khởi động lại và khép kín Vành đai 2 từ năm nay được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề cập hôm 11/2. Mong muốn hoàn thành tuyến đường huyết mạch này được thành phố đề ra nhiều năm trước song nhiều lý do chưa thể triển khai. Việc khởi động nhiều dự án giao thông trong năm nay, gồm có Vành đai 2, là cơ sở để các công trình sớm về đích.
Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, tổng chiều dài hơn 64 km, đến nay còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Trong đó, chỉ đoạn 3 dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) triển khai từ năm 2017, nhưng đang dang dở. Công trình đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến dự án dừng từ tháng 3/2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng.
Tháng 2 năm nay, TP Thủ Đức đã hoàn tất bồi thường, giao mặt bằng 334 trong tổng 468 hộ, với diện tích hơn 15,6 ha đất cho dự án. Địa phương đang phối hợp các sở ngành liên quan tập trung giải quyết nốt các trường hợp còn lại. Trong khi với việc thanh toán quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND thành phố bổ sung 6 khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Chính quyền TP HCM đang chỉ đạo sở ngành liên quan rà soát, tham mưu, hoàn tất thủ tục trình Thủ tướng xem xét nhằm sớm khởi động lại dự án.
Theo nhà đầu tư, dự án dừng thi công khiến thời gian hoàn thành kéo dài, phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện. Cuối năm ngoái, công trình đã phát sinh hơn 230 tỷ đồng lãi vay sau gần hai năm ngưng trệ, trung bình mỗi tháng khoảng 10 tỷ đồng. Trước đó, đơn vị này đã ứng gần 1.400 tỷ đồng chi trả giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.
Ngoài dự án trên, trong ba đoạn còn lại thuộc Vành đai 2 chưa đầu tư, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết hai đoạn đi qua TP Thủ Đức sẽ tập trung triển khai trước. Đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dự kiến vốn đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Giai đoạn đầu, dự án giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh, ước tính hơn 6.400 tỷ đồng. Công trình làm trước đường song hành hai bên, mỗi bên 3 làn xe. Tại ngã tư Bình Thái, dự án xây nút giao hoàn chỉnh, với cầu vượt hai chiều băng ngang xa lộ Hà Nội, mỗi chiều 5 làn đường và nhánh rẽ kết nối đồng bộ với các tuyến đường xung quanh.
Đoạn 2 dài 2,8 km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng. Ước tính vốn đầu tư giai đoạn đầu làm công trình này hơn 8.400 tỷ đồng. Đoạn này cũng chia làm hai giai đoạn triển khai, trong đó việc giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu, kinh phí hơn 5.500 tỷ. Sau đó, dự án làm đường song hành hai bên và xây dựng hoàn chỉnh nút giao ba tầng tại ngã ba Phạm Văn Đồng - Linh Đông.
"Hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công và thủ tục thẩm định hai dự án đang được các đơn vị tập trung thực hiện để trình thành phố thông qua chủ trương đầu tư", Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Phan Công Bằng nói và cho biết với đoạn 4 của Vành đai 2, dài 5,3 km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh cũng dự tính đầu tư công. Dự án có tổng đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, đang được thành phố cân đối trong kế hoạch trung hạn 4 năm tới.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết việc khép kín Vành đai 2 nhiều năm qua được chính quyền TP HCM rất quan tâm, song khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Đoạn 1 và 2 của dự án trước đây tính thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT. Tuy nhiên, loại hợp đồng này hiện loại khỏi luật PPP nên hai dự án chuyển qua đầu tư công.
Hiện, việc đầu tư khép kín Vành đai 2, theo Sở Giao thông Vận tải là "thực sự cấp bách", tạo đồng thuận để triển khai thu phí hạ tầng cảng biển ở thành phố sắp tới. Các dự án nếu tiếp tục chậm triển khai cũng sẽ tăng vốn đầu tư do giải phóng mặt bằng.
Trước đó, theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, trong hơn 142.000 tỷ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ở thành phố, lĩnh vực giao thông được phân bổ khoảng 33.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 23%. Mức trên đã được thành phố ưu tiên, nhưng chỉ cơ bản đáp ứng các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước. UBND TP HCM vừa qua kiến nghị Trung ương bổ sung khoảng 119.000 tỷ đồng để có thêm có nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm, trong đó Vành đai 2 sẽ được ưu tiên.
Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP HCM.
Đây là trục huyết mạch giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Khi được khép kín, Vành đai 2 còn giúp kết nối cảng biển và các tuyến giao thông quan trọng khác như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, 13...
Gia Minh