Hà Anh (23 tuổi, TP HCM), cho biết thường xuyên tái phát viêm xoang trong một năm. Mỗi lần chuyển mùa, cô sẽ bị ho, nghẹt mũi từ nửa tháng đến một tháng rồi hết, lặp lại vào năm sau. Mỗi mùa hè, cô sẽ bị rối loạn tiền đình khi đi nắng với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, chuyển sang nghẹt mũi khi sắp mưa.
"Bởi vậy, tôi rất mong trời mưa hoặc không nắng để đỡ tiền đình, bị nghẹt mũi vẫn dễ chịu hơn. Tôi đã khám nhiều nơi nhưng không khỏi nên phải tập sống chung với bệnh", Hà Anh nói.
Còn chị Thu Hoài (29 tuổi, Hà Nội) mắc viêm xoang cấp sau khi bị cúm một tháng trước. Tình trạng ngạt mũi, nhức đầu, đau hai hốc mắt, giảm khứu giác... xuất hiện và kéo dài không dứt. Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc uống kết hợp xịt mũi để chữa trị.
Bệnh viêm xoang khiến chị Hoài rất khó chịu, thường xuyên mệt mỏi, không thể tập trung làm việc. Chị luôn khó thở, nghẹt mũi nên khó ngủ, không muốn ăn do không cảm nhận được hương vị.
"Sáng nào tôi đi làm mặt mũi cũng bơ phờ nên bị trêu mắc bệnh công chức lười", chị Hoài nói.
Cũng mắc bệnh viêm xoang, chị Ngọc Hà (27 tuổi, Huế) không thể tập trung hoàn thành công việc kịp thời hạn. Cứ vài chục phút, chị bị ho, chảy nước mũi, đứt đoạn mạch làm việc. Những ngày mưa phùn, trời ẩm, triệu chứng bệnh nặng hơn như đau tức đầu, chóng mặt, ngứa họng, giọng nói khàn đặc khó trao đổi với đối tác. Bác sĩ kê đơn sử dụng kháng sinh để giúp chị Hà kiểm soát bệnh.
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn Trung tâm Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các bệnh nhân nói trên có thể gặp tình trạng viêm xoang do virus và vi khuẩn gây nên. Mầm bệnh gây tổn thương niêm mạc, suy giảm chức năng của tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang khiến chất nhầy bị ứ đọng, cản trở không khí lưu thông, dẫn đến viêm nhiễm.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang như nhiễm virus (cúm, sởi, adenovirus, rhinovirus, Covid-19), vi khuẩn (phế cầu, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis), nấm, dị ứng thời tiết, ô nhiễm không khí, hút thuốc lá, cấu trúc bất thường ở xương mũi, polyp mũi...
Bệnh thường gia tăng vào mùa đông và xuân do thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp khiến người bệnh gặp tình trạng dị ứng, kích thích vùng mũi xoang. Từ đó, các tác nhân như virus, vi khuẩn tấn công dễ dàng hơn gây viêm xoang cấp tính hoặc tăng nặng bệnh viêm xoang mạn tính.
Thời gian qua, miền Bắc có những đợt rét lạnh và nồm ẩm. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ghi nhận lượng bệnh nhân đến khám viêm xoang gia tăng. Bệnh chủ yếu ở người lớn, đặc biệt nhiều người đến khám do bệnh tái phát. Trước đó, hệ thống bệnh viện tiếp nhận bé trai 3 tuổi bị viêm mủ xoang mũi, có khối mủ lớn trong hốc mắt, nguy cơ mù lòa, chẩn đoán viêm xoang cấp do phế cầu, biến chứng áp xe hốc mắt, phải phẫu thuật.
Theo PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, viêm xoang là bệnh thường gặp, khoảng 25-30% bệnh nhân khám tai mũi họng được chẩn đoán mắc viêm xoang. Theo các nghiên cứu, gần 90% ca bệnh người lớn và 50-70% trẻ em mắc bệnh ở thể cấp tính do virus, vi khuẩn. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp nghiêm trọng và mạn tính. Mặt khác, virus và vi khuẩn có mối liên hệ với nhau và có thể đồng nhiễm gây ra viêm xoang.
Viêm xoang có thể trở nặng khi không được điều trị kịp thời, ví dụ biến chứng ở đa cơ quan như: hô hấp (viêm họng, viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mạn tính...); mắt (viêm ổ mắt, áp xe mi mắt, viêm túi lệ, mất thị lực...); não (nhiễm trùng não, viêm màng não, áp xe não...).
Để phòng bệnh viêm xoang, người dân cần nâng cao thể trạng, tăng tập thể dục và lưu ý dinh dưỡng hợp lý. Khi có các đợt viêm xoang cấp hoặc làm việc trong môi trường có nhiều bụi bẩn, mọi người nên tăng vệ sinh, rửa mũi, tránh các thói quen không tốt như thuốc lá, rượu bia.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết một số tác nhân gây viêm xoang phổ biến đã có vaccine phòng ngừa, ví dụ phế cầu, Hib, các mũi tiêm ngừa bệnh hô hấp khác.
Trong đó, vaccine phế cầu còn giúp ngăn các bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Prevenar 13 (Bỉ) giúp giảm 66% nguy cơ nhập viện do viêm xoang, tạo miễn dịch chủ động, tránh đồng nhiễm nhiều bệnh, giảm trở nặng và tử vong.
Mũi tiêm ngừa vi khuẩn Hib có trong các loại vaccine 6 trong 1, 5 trong 1, Quimi-Hib, giúp giảm tình trạng viêm mũi xoang cấp tính. Mũi ngừa cúm hiệu quả 70-90% và giúp ngăn biến chứng viêm xoang do cúm.
Theo bác sĩ Chính, các bệnh hô hấp biến chứng viêm xoang thường có diễn biến khó lường, nên mọi người cần có sự phòng ngừa như: giữ ấm; giữ vệ sinh mũi và họng, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường; vệ sinh họng, miệng hàng ngày...
Mộc Thảo
20h ngày 1/3, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với báo VnExpress thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến "Cập nhật diễn biến cúm và các bệnh hô hấp" với sự tham gia của ThS. Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Mã Thanh Phong, quyền Trưởng đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Chương trình phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress và các kênh truyền thông của VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp