Khi trái bóng được đưa vào lưới, tôi không vội ăn mừng mà hồi hộp chờ đợi xem tình huống vừa rồi có hợp lệ hay không? Mặt khác, khi đội bóng mà tôi yêu thích bị thủng lưới, tôi căng thẳng theo dõi xem trọng tài có can thiệp và "cứu" bàn thua vừa rồi hay không? Thói quen xem bóng đá của tôi đã thay đổi như vậy kể từ khi VAR xuất hiện và được sử dụng như phần của môn thể thao "vua" trong những năm gần đây.
Bóng đá đã trở nên phổ biến và chuyên nghiệp trong hơn 100 năm, trải qua rất nhiều thay đổi từ luật lệ, thể thức đến chiến thuật chơi bóng. Theo tôi, sự xuất hiện của VAR (Video Assistant Referee) chính là sự thay đổi lớn nhất từ trước đến nay. Thứ mà kể từ khi ra đời và dần được hoàn thiện qua các năm, luôn có tranh cãi giữa các chuyên gia. Kèm với đó là cách hoạt động đã chen ngang cảm xúc của người hâm mộ quá nhiều.
Tôi không thể tìm được môn thể thao nào khác mà khi vận động viên ăn mừng cũng chưa chắc bàn thắng được công nhận. Không thấy môn thi đấu nào mà cầu thủ ăn mừng trước rồi xem xét tính hợp lệ sau. Và khi VAR công nhận bàn thắng thì cầu thủ và cổ động viên lại ăn mừng lần thứ hai một cách gọn lẹ. Thành ra việc ăn mừng không còn thực sự vỡ òa như trước nữa.
Việc VAR chen ngang cảm xúc trong bóng đá chắc ai theo dõi bóng đá thường xuyên cũng đã nghe nhiều, tranh cãi nhiều. Thế nhưng, có thực sự cần loại bỏ công nghệ để cứu lại cảm xúc trong bóng đá hay không?
Đầu tiên, hãy xem VAR đã đóng vai trò can thiệp vào trận đấu như thế nào kể từ khi ra đời. Những thứ mà VAR can thiệp nhiều nhất, theo thứ tự là: lỗi việt vị liên quan đến bàn thắng được ghi, phạm lỗi trong vòng cấm địa dẫn tới quả phạt đền, và hành vi phi thể thao xứng đáng nhận thẻ đỏ. Ở Ngoại hạng Anh, VAR được sử dụng từ mùa giải 2019-2020. Theo một thống kê của ESPN từ đó đến mùa giải 2023-2024 vừa qua, VAR đóng góp như sau:
Trung bình mỗi mùa có 33 bàn thắng bị hủy do lỗi việt vị và 9,4 bàn thắng bị trọng tài biên căng cờ báo việt vị sai nhưng được công nhận sau đó. Hay nói cách khác, trung bình mỗi vòng đấu (gồm 10 trận) có khoảng 1,1 bàn thắng được điều chỉnh do báo việt vị sai.
Còn về penalty, trung bình mỗi vòng đấu có 1,08 quả phạt đền được trao hoặc hủy bởi VAR. Trong số đó, chỉ có 0,85 quả phạt đền trở thành bàn thắng. Như vậy, việc mỗi vòng đấu chỉ có khoảng 1,95 bàn thắng được can thiệp rất đáng để xem xét lại sự cần thiết của VAR, dẫu biết một số bàn thắng rất quan trọng để đem lại điểm số cũng như cục diện trận đấu. Nhưng về tính đường dài của giải đấu dài hơi thì sự tác động chưa đem lại đủ lớn để can thiệp sâu vào mỗi trận đấu như vậy; về mặt thời gian, chi phí, cũng như là cảm xúc trong bóng đá mà ta đang nói đến. Sự đánh đổi để đạt được tính chính xác cao là quá lớn.
>> Thua vì VAR
Ngoài ra, có một thông số rất quan trọng kể từ khi VAR triển khai năm 2019: số lần việt vị kể từ sau năm 2019 ít hơn hẳn so với các năm trước đó. Mặt khác, lối chơi của bóng đá hiện đại ngày càng nhanh hơn, lẽ ra cầu thủ phải dễ bị mắc việt vị hơn. Cho nên, nếu không có công nghệ, tôi nghĩ rằng trọng tài sẽ làm việc tập trung hơn, và con số 1,95 bàn thắng bị can thiệp ở mỗi vòng đấu có thể sẽ giảm xuống đáng kể.
Về việc xem lại các hành vi phi thể thao cần được xem xét lại, tôi rất ủng hộ áp dụng công nghệ. Trung bình mỗi mùa giải có 13,4 lần can thiệp về quyết định thẻ đỏ - một con số tương đối nhỏ để cân nhắc dừng trận đấu. Đồng thời việc này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến những tranh cãi sau trận đấu cũng như cảm xúc của người hâm mộ. Quan trọng hơn hết là hành vi xấu cần được loại bỏ. Việc cầu thủ cảm thấy luôn có camera theo dõi nhất cử nhất động cũng giúp họ suy nghĩ lại trước khi có hành động mất bình tĩnh.
Công nghệ không xấu, nó giúp cho mọi thứ công bằng hơn. Một số môn thể thao khác đòi hỏi sự chính xác cực cao như bơi lội, điền kinh... được tính từng centimet, từng phần nhỏ của giây, đó là thứ định đoạt cả cuộc chơi. Nhưng bóng đá thì khác, một pha việt vị hay một quả phạt đền chỉ là một phần ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Nếu muốn công bằng từng li từng tí, tại sao không yêu cầu thời gian bóng lăn phải đúng 90 phút, bù giờ chính xác từng giây? Bởi vì trận đấu được tác động bởi nhiều thứ, mọi thứ chỉ cần tương đối.
Những chia sẻ trên không có nghĩa là tôi ủng hộ loại bỏ VAR ra khỏi bóng đá, thứ người hâm mộ cần là sự điều chỉnh cho phù hợp, ít ảnh hưởng nhất đến trận đấu. Đa phần tổ VAR xem lại việt vị là phần tốn nhiều thời gian nhất. Việc loại bỏ xem lại tình huống việt vị sẽ hạn chế lại việc đảo ngược kết quả bản thắng, cũng như giữ lại được cảm xúc của cổ động viên. Hoặc có thể áp dụng quyền khiếu nại (challenge) giống trong môn quần vợt, ban huấn luyện có thể yêu cầu trọng tài bàn xem lại VAR nếu cần, với số lần giới hạn trong một trận đấu.
Tóm lại, công nghệ vẫn cần được áp dụng để duy trì tính công bằng, nhưng cảm xúc của người hâm mộ là quan trọng nhất. Không chỉ riêng bóng đá, mà ở bất kỳ môn thể thao nào.
- Cầu thủ Việt cãi trọng tài
- Đổ lỗi trọng tài để che giấu yếu kém V-League
- 'Cải tổ trọng tài trước khi tính chuyện đá tiếp V-League'
- 'Trọng tài biên Việt Nam chỉ để cho có'
- Trọng tài Việt 'không tiêu cực thì yếu chuyên môn'
- 'Trọng tài phá nát bóng đá Việt'