Ngày 8/4, sà lan có tên Interceptor 003 được Tổ chức Làm sạch biển của Hà Lan (The Ocean Cleanup) sáng chế, bàn giao cho TP Cần Thơ sau bốn tháng vận hành thử nghiệm. Trong 19,8 tỷ đồng vốn đầu tư, tổ chức Hà Lan tài trợ 14,6 tỷ, vốn đối ứng địa phương hơn 5,2 tỷ (ngân sách 3,2 tỷ, số còn lại vận động xã hội hóa).
Đây là hệ thống thu gom rác chủ yếu nhờ sức đẩy của dòng chảy, đưa rác men theo lưới chắn 10-160 m (chiều dài có thể điều chỉnh) đến miệng thu gom. Rác được đưa lên hệ thống băng chuyền tải đến 6 thùng chứa trên tàu (mỗi thùng hơn 8 m3). Khi các thùng đầy, sà lan sẽ được kéo vào vị trí tập kết, chuyển rác lên bờ.
Hệ thống thu gom được lắp camera, Internet để kết nối đơn vị chủ quản. Trước đó, từ tháng 12/2021, sà lan được chạy thử, thu gom hơn 43 tấn rác nổi gồm các loại rác thải nhựa, cây cỏ, lục bình...
Tại lễ bàn giao, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết hệ thống gom rác tự động sẽ góp phần cải thiện môi trường, mỹ quan sông Cần Thơ, quảng bá du lịch sông nước của địa phương.
Sông Cần Thơ dài 16 km, rộng 280-350 m, đi qua các quận, huyện Ô Môn, Phong Điền, Cái Răng, Ninh Kiều, đổ ra sông Hậu. Đây là một trong 15 sông trên thế giới được chọn thực hiện dự án với mục tiêu ngăn rác thải nhựa đổ ra biển.
Hiện, mỗi ngày TP Cần Thơ có khoảng 650 tấn rác thải được thu gom xử lý, đạt tỷ lệ 85-90% lượng rác thải ra. Các kênh rạch trên địa bàn có rất nhiều chai nhựa, túi nylon...
TP HCM cũng có máy vớt rác trên sông, có thể gom 30 tấn trong 7 giờ, tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng, được đề xuất thu gom rác trên sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương thuộc quận Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp và 12.
Cửu Long