Ngày 24/7, sà lan đang được neo đậu trên sông Cần Thơ, phía phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, chuẩn bị vận hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho biết, dự án có vốn đầu tư hơn 19,8 tỷ đồng. Trong đó, Tổ chức Làm sạch biển (TOC) của Hà Lan tài trợ 14,6 tỷ, vốn đối ứng của Cần Thơ hơn 5,2 tỷ (ngân sách 3,2 tỷ, số còn lại vận động xã hội hóa).
Đây là hệ thống thu gom tự động rác nổi, chủ yếu là nhờ sức đẩy của dòng chảy, đưa rác men theo lưới chắn rác dài 100 m đến miệng thu gom. Tại đây, rác được đưa lên hệ thống băng chuyền tải đến 6 thùng chứa trên sà lan (mỗi thùng 8,3 m3). Khi các thùng đầy, sà lan sẽ được tàu kéo vào vị trí tập kết, chuyển rác lên bờ.
Hệ thống thu gom được cố định bằng các neo và không lắp động cơ di chuyển; vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời; có lắp đặt camera kết nối Internet với đơn vị chủ quản.
Công trình do Tổ chức Làm sạch biển của Hà Lan nghiên cứu và sáng chế. Tại Việt Nam, TP Cần Thơ là địa phương được chọn trài trợ thực hiện thí điểm với mục tiêu ngăn chặn và thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên sông Cần Thơ, bảo vệ an toàn nguồn nước mặt và tạo mỹ quan đô thị.
Sông Cần Thơ dài khoảng 16 km, rộng 280-350 m, đi qua các quận, huyện Ô Môn, Phong Điền, Cái Răng, Ninh Kiều, đổ ra sông Hậu.
Hiện mỗi ngày, TP Cần Thơ có khoảng 650 tấn rác thải được thu gom xử lý, đạt tỷ lệ 85-90% lượng rác thải ra. Trên các kênh rạch có rất nhiều chai nhựa, túi nylon...
Cửu Long