Kiến nghị này được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP HCM sau khi cùng doanh nghiệp thử nghiệm hệ thống máy vớt rác. Việc vớt rác sẽ tiến hành trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương (đoạn từ sông Sài Gòn đến Khu công nghiệp Tân Bình) thuộc quận Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp và 12. Thời gian thuê trong tháng 11 và 12, mỗi tháng vớt 15 lần.
Hệ thống vớt rác gồm: tàu thu rác tự động, máy vớt có gàu xúc, sà lan, cẩu, tàu kéo. Rác sau khi vớt được tập kết ở 3 địa điểm thuộc quận Gò Vấp (hẻm 221 đường Phan Huy Ích, khu vực cầu An Lộc và chợ Cầu) sau đó chuyển đến khu xử lý tập trung của thành phố.
Sở Giao thông Vận tính toán tổng chi phí thuê máy vớt rác trong hai tháng hơn 2,5 tỷ đồng, lấy từ vốn duy tu giao thông năm 2020. Mức thuê này được tính theo đơn giá 123 đồng mỗi m2 đang áp dụng vớt rác, cỏ, lục bình trên kênh Đôi - Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé.
Theo Sở Giao thông Vận tải, tuyến kênh Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương hiện có lượng lục bình, rác thải rất lớn. Nhiều đoạn rác thải ùn ứ khiến môi trường ô nhiễm, tàu thuyền đi lại khó khăn. Do đó việc vớt rác thải là "cần thiết", góp phần làm sạch kênh.
Hôm 9/10, mô hình thu gom rác nói trên được thử nghiệm trên kênh Vàm Thuật - Bến Cát (quận Gò Vấp). Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết một ca làm việc 7 giờ, máy thu khoảng 30 tấn, cao hơn 10 tấn so với vớt rác ở các tuyến kênh khác cùng thời gian. Hệ thống có mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
TP HCM hiện tổ chức công nhân đi thuyền, dùng vợt để vớt rác trên các kênh, rạch như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh Đôi - kênh Tẻ, Tàu Hủ - Lò Gốm... Phương pháp này bị cho hạn chế về lượng rác thu gom cũng như tốn nhiều thời gian, sức người.
Gia Minh