Động thái giới hạn tin tức ở Australia của Facebook là một chiến lược rủi ro và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 17 năm của mạng xã hội này. Nó cũng đi ngược lại với sứ mệnh mà nhà sáng lập Mark Zuckerberg từng tuyên bố: "Kết nối thế giới", tăng cường tự do ngôn luận. Ngoài ra, việc chặn nguồn tin cũng trái ngược với mô hình tối đa hóa nội dung trên nền tảng mà Facebook theo đuổi hơn một thập kỷ qua.
Facebook dường như đang hy vong có thể dựa vào sự phẫn nộ của công chúng và khả năng tài chính hạn hẹp của các cơ quan báo chí để buộc chính phủ Australia nhượng bộ. Quyết định chặn tin tức ở Australia cũng ngầm gửi thông điệp đến các quốc gia khác, đặc biệt là EU.
Dự luật của Australia nếu thành công sẽ có chức năng chính là trợ cấp cho ngành công nghiệp báo chí nước này. Nó đặc biệt đem lại lợi ích cho News Corp, công ty kiểm soát tới 52% thị trường báo chí Australia.
Đại diện của Facebook nhấn mạnh, dự luật của Australia đang "hiểu sai một cách căn bản" về mạng xã hội, những nền tảng hiện giúp các hãng tin tức tiếp cận được hàng triệu độc giả miễn phí. Facebook đồng thời khẳng định, những lợi ích mà công ty thu được từ việc các cơ quan báo chí chia sẻ tin tức là rất ít, với số tin tức chỉ chiếm khoảng 4% so với những gì người dùng nhìn thấy trên bảng tin. Facebook cho rằng mạng xã hội này không có nghĩa vụ phải trả tiền cho các nội dung nó "không lấy hoặc yêu cầu".
Nhìn từ một phương diện, lý lẽ của Facebook khá chính xác: các nhà xuất bản phụ thuộc vào mạng xã hội này để tiếp cận độc giả, và Facebook có thể hoàn toàn ổn nếu không có các hãng tin của Australia. Tuy nhiên ở đây, bản thân Facebook dường như cố tính hiểu sai vai trò của mình trong bối cảnh truyền thông.
Hầu hết các nhà xuất bản không phụ thuộc vào Facebook quá nhiều. Các thuật toán lựa chọn bài đăng của mạng xã hội này cũng thay đổi liên tục và thường bị nghi ngờ là thiên vị chính trị. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, báo chí truyền thống dường như không còn sự lựa chọn nào khác. Facebook đã quá thành công trong việc thu hút sự chú ý của người dùng và từ đó trở thành nền tảng quảng cáo hàng đầu của các doanh nghiệp.
Hiện nay, trong số 19 triệu người trên 14 tuổi của Australia, có hơn 17 triệu người đang sử dụng Facebook. Truyền thông mạng xã hội là nguồn cung cấp tin tức lớn thứ ba của đất nước này sau TV và đài radio. Nhìn vào các tiêu chí mà Facebook sử dụng để định nghĩa thế nào là "tin tức", người dùng có thể nhận ra những lỗ hổng khiến tin giả dễ dàng lan truyền. Hệ thống máy học của Facebook được đào tạo để tìm kiếm các đặc trưng mà các trang tin tức giả mạo thường thiếu, chẳng hạn trích dẫn rõ ràng hay tính minh bạch trong biên tập.
Tuy nhiên, phần lớn tin tức được chia sẻ trên Facebook hiện nay là ở dạng hình ảnh, trong đó danh tính của tác giả gốc thường bị che khiến việc kiểm tra độ xác thực càng khó hơn. Các phong trào theo chủ nghĩa âm mưu như phản đối vaccine thường sử dụng điều này như một chiến thuật để trốn tránh sự kiểm duyệt. Liệu robot chống tin giả của Facebook có nắm bắt được điều đó không?
Ngược lại, Facebook sẽ không gặp khó khăn gì trong việc nhận ra các hãng truyền thông lâu đời và đáng tin cậy. Những nguồn thông tin chính thống này bị cấm sẽ tạo ra nguy cơ toàn bộ mạng lưới tin tức sẽ bị lệch về phía thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự sống và cái chết trong bối cảnh sự thật rõ ràng về Covid và vaccine cần được người dân hiểu rõ như hiện nay.
Nếu không bên nào nhượng bộ, đây sẽ là một bài kiểm tra về sức mạnh thực sự của Facebook, cũng như liệu các hãng tin tức có thể thành công với mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, cái giá mà các bên phải trả sẽ rất đắt.
Đăng Thiên (theo The Telegraph)