Chia sẻ trong một phỏng vấn với kênh truyền hình Nine Network ngày 19/2, Bộ trưởng Tài chính Australia, Josh Frydenberg, cho biết ông sẽ nói chuyện riêng với Mark Zuckerberg vào cuối ngày, sau khi liên hệ với ông chủ Facebook để phản ứng việc chặn hiển thị các trang tin của Australia.
Frydenberg khẳng định chính phủ Australia vẫn tiếp tục thực hiện đạo luật gây tranh cãi, trong đó buộc các công ty như Facebook và Google phải trả tiền cho việc hiển thị nội dung tin tức trên nền tảng của mình. Dự luật dự kiến được quốc hội Australia thông qua tuần tới.
Cũng trong ngày 19/2, Thủ tướng Australia, Scott Morrison, tuyên bố kiên quyết triển khai dự luật buộc Facebook phải trả tiền cho nội dung của các hãng tin tức. Theo ông, động thái của Australia nhận được sự ủng hộ lớn từ các nhà lãnh đạo thế giới.
Facebook hiện đã chặn nguồn cấp tin tức của gần 1/5 người dân Australia, trong đó có hàng loạt kênh thông tin của chính phủ cảnh báo về virus corona, thời tiết, thông tin về bệnh viện cho trẻ em.
Google cũng phản đối dự luật. Tuy nhiên, công ty thuộc Alphabet có động thái mềm mỏng hơn khi thực hiện một loạt thỏa thuận với các công ty truyền thông trong tuần qua nhằm tránh quy trình phân xử theo luật định.
"Thị trường quảng cáo trực tuyến trực tuyến trị giá 7 tỷ USD hoàn toàn do Google và Facebook chi phối. Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một sân chơi bình đẳng", Frydenberg nói. "Phần còn lại của thế giới đang theo dõi rất chặt chẽ hành động của chúng tôi".
Một số quốc gia bắt đầu lên tiếng về động thái của Facebook. Tại Anh, nghị sĩ nghị sĩ Julian Knight đánh giá Facebook đang cư xử như một kẻ "chuyên đi bắt nạt" và đang thực hiện "kiểu văn hóa doanh nghiệp tồi tệ nhất", theo BBC. Trùm truyền thông Rupert Murdoch mô tả đó là "hành động chiến tranh", còn giới công nghệ cho rằng Mark Zuckerberg đang "chơi quá tay" và hành động "phô diễn sức mạnh" của mạng xã hội này có thể khiến nhiều quốc gia khác theo chân Australia.
Như Phúc (theo Bloomberg)