Thành phố cảng Odessa ở miền nam là một phần trong huyết mạch thương mại quan trọng nhất của Ukraine. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi 24/2, Odessa được xem là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Moskva.
Odessa được thành lập năm 1794, theo sắc lệnh của Catherine Đại đế. Thành phố cảng nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại lớn và được coi là "hòn ngọc Biển Đen" đầy tự hào của đế chế Nga.
Tầm quan trọng lịch sử của Odessa có thể là yếu tố giúp thành phố tránh được các đợt tấn công tồi tệ nhất từ Nga, khác với Mariupol, cảng biển lớn nhất ở Biển Azov, cách Odessa 500 km về phía đông, theo Economist.
Tuy nhiên, Odessa chưa thoát hoàn toàn khỏi nguy cơ bị tấn công, bởi thành phố có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế và quân sự với cả Nga lẫn Ukraine, theo giới quan sát.
Vị trí chiến lược
Odessa nằm án ngữ bờ Biển Đen, nằm rất gần các đô thị mà lực lượng Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine. Thành phố chỉ cách Kherson, mục tiêu mà lực lượng Nga chiếm được từ những ngày đầu chiến sự, khoảng 145 km.
Từ giai đoạn đầu chiến dịch, lực lượng Nga từ Kherson đã tìm cách tiến về hướng tây để kiểm soát Odessa. Hạm đội Biển Đen của Nga cũng tập trung nhiều tàu đổ bộ, sẵn sàng triển khai lực lượng lên bờ biển Odessa.
Tuy nhiên, các mũi tấn công của Nga đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine ở ngoại ô Kherson và thị trấn Mykolaiv, cách Odessa khoảng 97 km. Thị trưởng Mykolaiv Oleksandr Senkevych cho hay thị trấn của ông và khu vực xung quanh là "bức tường thành trọng yếu" ngăn Odessa và miền nam Ukraine thất thủ.
Ukraine cũng rải nhiều thủy lôi và mìn dọc khu vực ven biển Odessa, khiến tàu chiến Nga không thể tiếp cận thành phố cảng.
Khi Nga bắt đầu giai đoạn hai chiến dịch quân sự, tập trung tấn công vào vùng Donbass ở miền đông Ukraine, họ vẫn chưa từ bỏ mục tiêu ở Odessa. Thành phố vẫn hứng chịu các đợt tấn công nhỏ lẻ, trong khi tàu chiến Nga vẫn tìm cách xuyên thủng hệ thống bố phòng của thành phố, theo chính quyền quân sự Odessa.
"Người Nga muốn biến Odessa thành thủ phủ của các lãnh thổ họ kiểm soát ở miền nam Ukraine", Oleg Byndak, phó thị trưởng thành phố, cho biết. "Họ đến nay đã thất bại trong mục tiêu này, nên chỉ có thể tăng cường tập kích tên lửa vào các mục tiêu trong thành phố".
Số phận của Odessa thậm chí có tác động lan tỏa vượt khỏi biên giới Ukraine, liên quan đến quốc gia láng giềng là Moldova. Nhiều người lo ngại rằng Odessa có thể trở thành "cầu nối" giữa các lực lượng Nga kiểm soát khu vực đông nam Ukraine với phe ly khai thân Moskva ở vùng Transnistria thuộc Moldova.
Căng thẳng đang gia tăng ở Transnistria, dải đất hẹp dài khoảng 400 km giữa bờ đông sông Dniester ở Moldova và biên giới Ukraine, với khoảng 470.000 người sinh sống, trong đó phần lớn nói tiếng Nga.
Nếu lực lượng Nga có thể xuyên thủng phòng tuyến ở Mykolaiv, sau đó tiến vào Odessa, liên kết với khu vực ly khai Transnistria, họ sẽ phong tỏa hoàn toàn miền nam Ukraine, đồng thời tạo bàn đạp chiến lược để tấn công miền bắc và miền tây của đất nước.
Giới chức Kiev đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về nguy cơ lực lượng Nga và phe ly khai Transnistria có thể phát động mũi tiến quân mới nhằm vào các tỉnh phía tây Ukraine, trong đó có thành phố Odessa.
Chính quyền ly khai ở Tiraspol, thủ phủ vùng Transnistria, bác bỏ cáo buộc, nhấn mạnh hơn 20.000 người tị nạn từ Ukraine được họ tiếp nhận là "bằng chứng" cho thấy Transnistria không có ý định tham chiến.
Michael Kofman, chuyên gia về Nga tại CNA, trung tâm nghiên cứu và phân tích ở Mỹ, nhận định kiểm soát toàn bộ hành lang phía nam Ukraine nối với Transnistria từng là mục tiêu quân sự hàng đầu của Nga trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên, những vấp váp về hậu cần và tổ chức trong giai đoạn này khiến lực lượng Nga hứng chịu nhiều tổn thất ở hướng tây nam. Kofman cho rằng nếu muốn tiếp tục thực hiện tham vọng kiểm soát miền nam Ukraine để thông đường đến Transnistria, Nga sẽ phải huy động thêm nhiều lực lượng.
"Thực tế chiến trường cho thấy chiến sự vẫn tập trung chủ yếu ở Donbass. Nga rõ ràng không đủ năng lực để cùng lúc giải quyết mặt trận này và phía nam Ukraine, trừ phi họ quyết định ra lệnh tổng động viên", Anton Barbashin, nhà phân tích chính trị Nga trên trang Riddle, nhận định.
'Yết hầu' lương thực thế giới
Để mất Odessa không chỉ là thảm họa về mặt quân sự với Ukraine, mà còn là đòn giáng nặng nề về kinh tế với nước này, theo Bel Trew, bình luận viên kỳ cựu về an ninh, quốc phòng của Independent.
Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới, từ lâu được coi là "vựa lúa mì toàn cầu" với đất đai màu mỡ và những vùng đất nông nghiệp rộng lớn. Họ chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì và 60% lượng xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới.
Odessa có vai trò chiến lược về mặt kinh tế với Ukraine, bởi các cảng ở đây cùng hệ thống cảng dọc Biển Đen là cửa ngõ quan trọng để xuất khẩu 70% nông sản Ukraine trước chiến sự. Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) ở Washington, cho biết ít nhất 3/4 số nông sản này đi qua Odessa.
Chiến dịch quân sự của Nga và hoạt động phong tỏa Biển Đen đang khiến phần lớn hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine bị đình trệ, cũng như gây ra ảnh hưởng dây chuyền lan khắp thế giới. Bất kỳ con tàu chở ngũ cốc nào ra khơi đều có nguy cơ chìm vì thủy lôi.
Khi các cảng bị phong tỏa, Ukraine chỉ có thể xuất khẩu tối đa hai triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Với công suất đó, Ukraine có thể mất hơn một năm mới giải phóng hết khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc tồn đọng, chưa kể 30 triệu tấn lương thực sắp thu hoạch trong vụ mùa tới.
Hệ thống đường sắt không thể đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển ngũ cốc quá lớn từ Ukraine. Tính đến giữa tháng 5, chỉ có khoảng 240.000 tấn ngũ cốc, chiếm 1% lượng lương thực mắc kẹt ở Ukraine, được vận chuyển qua ngả này.
Trước tình hình đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo tác động đối với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu có thể "gây ra làn sóng đói kém chưa từng có", đẩy 49 triệu người lâm vào cảnh thiếu hụt lương thực. Các quan chức Liên Hợp Quốc đang nỗ lực thúc đẩy Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cùng phối hợp để dỡ phong tỏa Biển Đen, giúp các chuyến tàu chở ngũ cốc có thể rời cảng Odessa, nhưng tới nay chưa đạt được thỏa thuận cụ thể.
Tại Odessa, người dân thành phố biết rằng mối đe dọa vẫn còn hiện hữu. Họ tích cực tham gia các khóa huấn luyện quân sự, chế tạo bom xăng, làm bao cát để củng cố hệ thống phòng ngự ven biển.
"Tôi muốn nhắc lại lời của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng Odessa đang ở trên tuyến đầu của một cuộc chiến lớn, có thể ảnh hưởng đến nhiều nước châu Âu cũng như an ninh lương thực của cả thế giới", phó thị trưởng Byndak tuyên bố, trước khi hòa vào dòng người đang thao diễn quân sự trên bờ biển Odessa.
Đức Trung (Theo Independent, Economist)