Vùng ly khai Transnistria là vùng đất trải dài khoảng 400 km giữa bờ đông sông Dniester ở Moldova và biên giới Ukraine, với khoảng 470.000 người sinh sống, trong đó phần lớn nói tiếng Nga.
Phong trào ly khai ở Transnistria nhen nhóm từ năm 1989, khi Moldova còn là nước cộng hòa thuộc Liên Xô và quyết định chọn tiếng Moldova là ngôn ngữ chính. Khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1990, phong trào ly khai leo thang thành xung đột vũ trang từ tháng 3/1992, khiến hơn 700 người thiệt mạng trước khi hiệp định ngừng bắn được ký vào tháng 7 cùng năm.
Giới lãnh đạo ly khai ở Tiraspol tuyên bố độc lập vào năm 1993 và cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình gồm khoảng 1.500 lính Nga đến đồn trú tại Transnistria, chủ yếu bảo vệ các kho đạn khoảng 20.000 tấn có từ thời Liên Xô.
Vì nằm sát Ukraine, chính quyền Transnistria từ đầu cố giữ lập trường trung lập về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại quốc gia này. Lãnh đạo vùng ly khai không công khai ủng hộ quyết định của Moskva, đồng thời liên tục trấn an người dân và cộng đồng quốc tế rằng chính quyền ở Tiraspol không có ý định can dự vào tình hình nước láng giềng.
Giới chức Kiev thời gian qua nhiều lần công khai lo ngại lực lượng Nga và đối tác ở Transnistria có thể phát động mũi tiến quân mới nhắm vào các tỉnh phía tây Ukraine, trong đó có thành phố Odessa. Chính quyền ly khai ở Tiraspol bác bỏ cáo buộc, nhấn mạnh hơn 20.000 người tị nạn từ Ukraine được tiếp nhận ở Transnistria là "bằng chứng" cho thấy vùng đất này không có ý định tham chiến.
Dù nỗ lực duy trì quan điểm trung lập, giới chức ở Tiraspol lẫn chính phủ Moldova đang ngày càng lo ngại ngọn lửa xung đột có thể vượt khỏi biên giới Ukraine. Chính quyền Transnistria tuần này ghi nhận một số vụ nổ tại nhiều địa điểm quan trọng, trong đó có trụ sở an ninh, căn cứ quân sự và tháp phát sóng cho các hãng truyền thông tiếng Nga ở Đông Âu.
Nga cho rằng phía Ukraine đã gây ra những vụ nổ này nhằm gây bất ổn tại khu vực ly khai thân Moskva. Trong khi đó, Kiev lại cho rằng lực lượng Nga đang dàn dựng những sự cố như vậy để lấy cớ tăng cường hiện diện quân sự tại đây.
Transnistria cáo buộc các phần tử phá hoại đến từ Ukraine tổ chức những cuộc tấn công trên, nhưng không quy trách nhiệm trực tiếp cho chính quyền Kiev. Thay vào đó, Tiraspol nhận định các phần tử "dân tộc chủ nghĩa" đã xâm nhập biên giới và gây hấn. Cơ quan an ninh Transnistria và giới chức địa phương cho biết đã vài lần phát hiện máy bay không người lái từ Ukraine bay sang khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho rằng các vụ nổ là hệ quả từ đấu đá phe phái trong chính quyền ly khai Transnistria.
Phó thủ tướng Moldova Nicu Popescu nhận định đất nước đang đối diện "thời khắc vô cùng nguy hiểm", cho rằng một số lực lượng đang tìm cách leo thang căng thẳng ở vùng ly khai Transnistria. Ông nhận định vụ tấn công bằng súng phóng lựu tại tòa nhà cơ quan an ninh ở Transnistria đầu tuần này có thể trở thành bước ngoặc lịch sử đối với đất nước và toàn thể bộ máy chính quyền Moldova đã được đặt trong tình trạng báo động.
Các vụ nổ ở Transnistria diễn ra không lâu sau khi tướng Rustam Minnekaev, quyền tư lệnh Quân khu Trung tâm Nga, tuyên bố giai đoạn hai chiến dịch quân sự Ukraine sẽ bao gồm mục tiêu giải phóng vùng duyên hải phía nam, mở đường tiếp cận Transnistria để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga trong khu vực.
Moskva cùng chính phủ một số nước đã bắt đầu kêu gọi công dân sơ tán khỏi Transnistria trước nguy cơ an ninh ngày càng xấu đi, khiến giới quan sát lo ngại viễn cảnh Moldova và Transnistria bị kéo vào cuộc chiến ở Ukraine và biến thành một điểm nóng an ninh mới ở châu Âu.
Phó thủ tướng Moldova Popescu cho biết Transnistria trong tuần qua đã yêu cầu toàn bộ nam giới trong độ tuổi nhập ngũ không xuất cảnh. Ông xem đây là tín hiệu đáng lo ngại và chính phủ Moldova cần duy trì cảnh giác, dù Nga đã cam kết "sẽ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ" của nước này.
Michael Kofman, chuyên gia về Nga tại CNA, trung tâm nghiên cứu và phân tích ở Mỹ, nhận định kiểm soát hành lang phía nam Ukraine nối với Transnistria từng là một mục tiêu của quân đội Nga trong giai đoạn một chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên, các nỗ lực tiến quân theo hướng tây nam đều thất bại, khiến quân đội Nga hứng chịu nhiều tổn thất và không đạt được tiến triển như kỳ vọng. Nếu muốn tiếp tục thực hiện tham vọng kiểm soát miền nam Ukraine để thông đường đến Transnistria, Nga sẽ phải huy động thêm nhiều lực lượng.
"Thực tế chiến trường cho thấy chiến sự vẫn tập trung chủ yếu ở Donbass trong giai đoạn này. Nga rõ ràng không đủ năng lực để cùng lúc giải quyết mặt trận này và phía nam Ukraine, trừ phi họ quyết định ra lệnh tổng động viên", Anton Barbashin, nhà phân tích chính trị Nga trên trang Riddle, nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 29/4 cho rằng Nga có thể ban bố lệnh tổng động viên vào 9/5, ngày kỷ niệm 77 năm chiến thắng phát xít trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Phó thủ tướng Moldova Popescu đầu tuần này cũng đánh giá rất ít cư dân trong vùng muốn đánh đổi bình yên hiện nay để khiến Transnistria trở thành một điểm nóng xung đột mới tại châu Âu, nhưng ông thừa nhận "không thể dự đoán hết những gì có thể xảy ra trong tương lai" và khẳng định Moldova sẽ tiếp tục cảnh giác trước mọi nguy cơ tiềm ẩn về xung đột ở vùng ly khai Transnistria.
Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland cảnh báo rằng tình hình chính trị ở Moldova hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đảng thân châu Âu lên nắm quyền ở Moldova từ năm 2009 đã không nỗ lực hết sức để mở cửa hơn nữa nền kinh tế và thể chế, khiến tình trạng tham nhũng vẫn phổ biến và các tài phiệt kiểm soát nhiều quyền lực kinh tế, chính trị.
Quan hệ giữa Moldova và vùng ly khai Transnistria đã xấu đi gần đây, khiến nhiều người ở nước này lo ngại Transnistria có thể trở thành một Crimea thứ hai. Một số nhóm ở Transnistria đã kêu gọi tự thành lập nước cộng hòa và yêu cầu Nga đảm bảo an ninh.
Jagland cho rằng Moldova cần rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng Ukraine và ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, biến nước này thành điểm nóng mới ở châu Âu. "Cần nhớ rằng cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay có nguồn gốc sâu xa là nỗi thất vọng sâu sắc của người dân với các thể chế chính trị", ông nhấn mạnh.
Thanh Danh (Theo Washington Post, Balkan Insights, SCMP, Guardian)