Khoản tài trợ nói trên dùng để chi trả phí nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và sản xuất 3.000 liều ban đầu, trong thời hạn 2 năm tính từ 2024. Sau đó, vaccine có thể được thử nghiệm quy mô lớn, trên người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao.
Vaccine LungVax do nhóm chuyên gia từ Đại học Oxford, Viện Francis Crick và Đại học College London (UCL) phát triển, hiện ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Mũi tiêm sử dụng công nghệ tương tự vaccine Covid-19 của AstraZeneca, huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận ra và tiêu diệt protein của tế bào ung thư.
Giáo sư Mariam Jamal-Hanjani của UCL và Viện Francis Crick, cho biết dự kiến vaccine có khả năng chữa khỏi khoảng 90% tất cả dạng ung thư phổi. Mũi tiêm không thay thế các biện pháp dự phòng bệnh, ví dụ cai thuốc lá, tầm soát ung thư.
Thời gian tới, nhóm tác giả sẽ nghiên cứu sẽ xem xét khả năng vaccine kích hoạt thành công phản ứng miễn dịch. Nếu kết quả tốt, họ sẽ thử nghiệm trên người.
Đây là dự án nghiên cứu vaccine ung thư phổi thứ hai trên thế giới. Dự án đầu tiên do một công ty công nghệ sinh học của Pháp thực hiện, đã thử nghiệm lâm sàng từ tháng 9/2023, hiệu quả 41% nguy cơ tử vong ở những người mắc một số bệnh ung thư phổi. Theo Viện Ung thư Mỹ, loại này dành cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến, là bệnh ung thư phổi phổ biến nhất, bệnh nhân thường không đáp ứng hóa trị và xạ trị.
Ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm các bệnh ung thư. Bộ Y tế Việt Nam năm 2023 cho biết bệnh đứng thứ hai về tỷ lệ mắc mới, đứng đầu tỷ lệ tử vong do ung thư trên toàn cầu.
Chi Lê (Theo SkyNews, Cancer Research UK)