Ngày 3/6, hàng nghìn bệnh nhân ung thư tại Anh ghi danh chương trình thử nghiệm vaccine do BioNTech phát triển, có thể là bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư. Các bác sĩ tin rằng loại vaccine cá nhân hóa sẽ tạo ra kỷ nguyên mới trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Chương trình do cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) tổ chức, bắt đầu tuyển tình nguyện viên từ ngày 1/6. Nhóm chuyên gia dự kiến tập trung nghiên cứu ung thư đại trực tràng, da, phổi, bàng quan, tuyến tụy, thận; các dạng khác có thể bổ sung trong tương lai.
Cơ chế vaccine ung thư
Các nhà khoa học lấy mẫu từ khối u của bệnh nhân ung thư và phân tích mã di truyền của nó. Sau đó, họ sử dụng thông tin di truyền (mRNA) của khối u để phát triển vaccine dành riêng cho bệnh nhân trong phòng thí nghiệm.
Khi tiêm vào cơ thể, vaccine đưa ra hướng dẫn để tế bào tạo ra một phần khối u vô hại, nhưng đủ để nhận biết nhằm kích thích phản ứng hệ miễn dịch. Quá trình này huấn luyện hệ miễn dịch phát hiện yếu tố ung thư và tự bảo vệ trong tương lai, ngăn khối u quay trở lại.
Vaccine truyền thống hoạt động theo nguyên tắc tương tự, sử dụng một phần nhỏ hoặc yếu của mầm bệnh, như virus để giúp hệ miễn dịch nhận ra mối đe dọa.
Vaccine nhằm điều trị loại ung thư nào
Các nhà khoa học đang thử nghiệm vaccine trên toàn thế giới nhằm ngăn ngừa nhiều loại ung thư khác nhau, gồm ung thư da, ruột và phổi. Bản thân NHS tuyển dụng bệnh nhân có khối u ác tính, ung thư tuyến tiền liệt, đầu cổ và ung thư ruột để nghiên cứu.
Đầu năm nay, các chuyên gia đã thử nghiệm công nghệ tương tự để điều trị cho Steve Young, 52 tuổi, có khối u ác tính ung thư da nguy hiểm. Ngoài ra, các mũi tiêm có thể dùng để điều trị ung thư vú, bàng quang và thận trong tương lai.
Bao nhiêu bệnh nhân được hưởng lợi
Hàng chục bệnh nhân đã bắt đầu được tiêm vaccine thông qua chương trình "Bệnh phóng Vaccine Ung thư" của NHS. Cơ quan này kỳ vọng con số sẽ đạt hàng nghìn vào năm 2026. Bệnh nhân sẽ được mời tham gia thử nghiệm vaccine ung thư thông qua phương pháp điều trị NHS tiêu chuẩn. Họ được xét nghiệm mô ung thư và máu để đánh giá mức độ phù hợp.
Bệnh nhân vẫn phải điều trị bằng phương pháp truyền thống, chẳng hạn hóa trị trước khi tiêm. Sau quá trình điều trị ban đầu (tối đa 12 tháng), họ được tiêm vaccine dưới dạng truyền dịch tại cơ sở NHS gần nhất.
Nếu thành công, phương pháp có thể được phê duyệt, trở thành một phần của dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn tại Anh.
Tác dụng phụ vaccine ung thư có giống vaccine Covid-19?
Giống với tất cả loại thuốc khác, vaccine mRNA có nguy cơ gây tác dụng phụ. Một trong số đó là viêm cơ tim. Theo các chuyên gia, rủi ro chính xác đối với vaccine ung thư mới còn chưa được xác nhận, vì nó mới trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Bệnh nhân sẽ được thông báo về tất cả nguy cơ và triệu chứng cần chú ý trước khi tiêm chủng.
Công nghệ mRNA có từ năm 2005, nhưng chỉ đến đại dịch, vaccine mRNA mới trở thành một thuật ngữ quen thuộc. Gã khổng lồ dược phẩm Pfizer và Miderna đều đã phát triển vaccine mRNA nhằm xua tan những ngày đen tối nhất của Covid-19. Hàng triệu người Anh đã tiêm một hoặc nhiều mũi vaccine mRNA trong cả đợi triển khai đầu và đợt tiêm tăng cường.
Trước đó, nhiều thuyết âm mưu lan truyền xung quanh vaccine, chẳng hạn các mũi tiêm làm thay đổi DNA, là một phần của âm mưu giảm dân số toàn cầu hoặc gây ra ung thư. Tuy nhiên, các lập luận này không có cơ sở khoa học.
Thục Linh (Theo Sky News, NHS, Daily Mail)