Chương trình do cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) tổ chức, bắt đầu tuyển tình nguyện viên từ ngày 1/6. Nhóm chuyên gia dự kiến tập trung nghiên cứu ung thư đại trực tràng, da, phổi, bàng quan, tuyến tụy, thận; các dạng khác có thể bổ sung trong tương lai. Mũi tiêm sẽ "cá thể hóa", tức thiết kế dựa trên phân tích đặc trưng DNA khối u của mỗi bệnh nhân.
Theo NHS, hàng nghìn bệnh nhân đến từ 30 bệnh viện tại Anh, ghi danh vào chương trình này. Con số triển khai thực tế chưa được công bố.
Trong các tình nguyện viên, trang Guardian nhắc về Elliot Pfebve, 55 tuổi, mắc ung thư đại trực tràng -một trong những người tham gia đầu tiên. Ông từng phẫu thuật và hóa trị nhưng vẫn còn các mảnh DNA ung thư trong máu, cho thấy bệnh có khả năng cao tái phát.
Pfebve nhận ba mũi tiêm mới tại Bệnh viện Queen Elizabeth ở Birmingham, đang chờ theo dõi. Người đàn ông kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra đột phá về y khoa, giúp ích cho nhiều người khác.
Tiến sĩ Victoria Kunene, nghiên cứu viên chính, cho biết còn quá sớm để đánh giá về khả năng khỏi bệnh của Pfebve. Hiện bệnh nhân có những đáp ứng tích cực với vaccine, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm.
Đại diện NHS cho biết nghiên cứu vaccine ung thư đang ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học giai đoạn đầu cho thấy mũi tiêm có thể hiệu quả trong tiêu diệt những tế bào u còn sót lại sau khi phẫu thuật. Nếu thành công, phương pháp có thể được phê duyệt, trở thành một phần của dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn tại Anh.
Thế giới đã theo đuổi vaccine ung thư trong nhiều thập kỷ với hàng trăm dự án nghiên cứu. Song đến đầu năm 2024, mới có 5 loại tiềm năng, bước vào thử nghiệm trên người.
Khác với các loại phòng bệnh truyền nhiễm, vaccine ung thư sử dụng đề điều trị cho những người đã mắc bệnh. Mũi tiêm được thiết kế để giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn tái phát.
Chi Lê (Theo Guardian, BBC)