Thông tin được công bố ngày 20/1 trên tạp chí Y sinh bioRxiv, dựa trên phân tích kết quả xét nghiệm máu của 16 tình nguyện viên. Trước đó, những người này được tiếp xúc với một loại virus tổng hợp 10 đột biến đặc trưng của biến thể B117 ở Anh. Biến thể này được cho là có khả năng lây lan nhanh với tỷ lệ 56%. Các kháng thể trong máu của những tình nguyện viên được tiêm vaccine đã vô hiệu hóa biến thể B.1.1.7 hiệu quả như chủng ban đầu của nCoV.
Ngày 14/1, Pfizer cũng công bố hiệu quả vaccine Covid-19 với biến thể N501Y đang lan rộng ở Anh và Nam Phi. Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Pfizer cho biết trong thời gian tới sẽ áp dụng phương pháp này để kiểm tra hiệu quả vaccine từ Nam Phi.
Vaccine của Pfizer và BioNTech sử dụng công nghệ RNA thông tin tổng hợp, còn gọi là mRNA, để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại nCoV. Ngày 31/12/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech vào danh mục sử dụng khẩn cấp. Vaccine Pfizer đã nhận chấp thuận của Anh, EU, Mỹ, Canada, Bahrain, Israel, Kuwait, Mexico, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Singapore.
Trong thử nghiệm lâm sàng, hãng báo cáo vaccine không gặp vấn đề về an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình tiêm chủng, tại Na Uy đã có 29 người tử vong sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech, tại Đức 10 người tử vong, đa số là người lớn tuổi, có bệnh lý nền.
Các hãng AstraZeneca, Moderna và CureVac cũng đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine với các biến thể nCoV. Tuy nhiên vẫn chưa có kết quả công bố chính thức.
Lê Cầm (Theo Reuters)