Mũi tiêm do các nhà khoa học tại Đại học Florida, Mỹ phát triển, hiện đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với 4 bệnh nhân. Kết quả, các bệnh nhân có phản ứng miễn dịch mạnh, cho thấy vaccine có tác dụng kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt, tấn công khối u, giúp họ sống lâu hơn dự kiến.
Theo nhóm nghiên cứu, bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm có thời gian sống trung bình chỉ khoảng 15 tháng. Bệnh khó điều trị do phát triển nhanh chóng và xâm lấn tới các mô não lân cận, không thể loại bỏ toàn bộ khối u. Tế bào u đa dạng, không đồng nhất, có thể thay đổi theo thời gian. Một số phương pháp điều trị ít hoặc không có hiệu quả do bị hàng rào bảo vệ não cản trở. Vì vậy, y khoa cần phát triển phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn cho bệnh này.
Tiến sĩ Elias Sayour, một trong những người tham gia nghiên cứu vaccine, cho biết chỉ trong 48 giờ sau tiêm vaccine, các khối u đã chuyển từ trạng thái "ít phản ứng miễn dịch" sang "phản ứng miễn dịch rất tích cực". Việc này rất quan trọng, giúp mở khóa các tác động tiếp theo của hệ miễn dịch đối với ung thư.
Thời gian tới, thử nghiệm lâm sàng vaccine sẽ mở rộng, thí nghiệm trên 24 bệnh nhân với các liều vaccine "cá thể hóa". Tức là, mũi tiêm được bào chế từ tế bào ung thư của bệnh nhân đó và tối ưu để phù hợp với thể trạng từng người. Tiến sĩ Sayour kỳ vọng vaccine sẽ đóng góp vào mô hình mới trong điều trị bệnh nhân, kết hợp được với các liệu pháp miễn dịch khác.
Trước đó, nhóm nghiên cứu dành khoảng 7 năm để phát triển vaccine trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên động vật. Các kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell vào ngày 1/5.
Vaccine điều trị ung thư đã được các nhà khoa học thế giới nghiên cứu trong nhiều năm trở lại đây. Hồi tháng 1, MedScape điểm 5 loại mũi tiêm tiềm năng, sắp có mặt trên thị trường, như mRNA-4157 dành cho bệnh nhân ung thư từ giai đoạn 2b đến 4, đã phẫu thuật; BNT122 điều trị ung thư tụy; TG4050 điều trị ung thư buồng trứng...
Chi Lê (Theo Independent UK, ScienceDaily)