Hội đồng chuyên gia độc lập của FDA sẽ họp vào ngày 26/2 để quyết định có chấp thuận vaccine này hay không. Mặc dù không bị ràng buộc tuân theo khuyến nghị từ các chuyên gia, FDA vẫn thực hiện quy trình tương tự khi phê duyệt vaccine của Pfizer và Moderna.
Johnson & Johnson tuyên bố theo dữ liệu nghiên cứu, vaccine Covid-19 của họ hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhiễm nCoV không triệu chứng. Hãng này ghi nhận 16 ca nhiễm nCoV không triệu chứng ở nhóm tiêm giả dược và chỉ 2 trường hợp ở nhóm tiêm vaccine. Tỷ lệ hiệu quả đạt 88%. 28 ngày sau tiêm, các tình nguyện viên nhóm tiêm vaccine hoàn toàn bình thường, không có triệu chứng nghiêm trọng cần phải can thiệp y tế.
Thực tế, mục tiêu nghiên cứu là đánh giá khả năng ngăn chặn các trường hợp mắc Covid-19 mức độ trung bình đến nặng của vaccine, chứ không phải tác dụng phòng ngừa tình trạng nhiễm virus không triệu chứng. Tuy nhiên, kết quả của công trình chứng tỏ vaccine cũng góp phần hạn chế sự lây truyền của mầm bệnh.
Hồi tháng 1, công ty Johnson & Johnson cho biết sản phẩm của họ có hiệu quả 66% ngăn ngừa Covid-19 và cả biến thể. Kết luận này được lấy từ nghiên cứu trên quy mô toàn cầu với 44.000 người tham gia.
Theo FDA, các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm với tỷ lệ 48,6%, nhức đầu (39%), mệt mỏi (38,2%) và đau cơ (33,2%). Các tác dụng phụ khác bao gồm sốt nhẹ hoặc vừa và sốt cao.
Cơ quan quản lý cho biết có một trường hợp viêm màng ngoài tim có thể do vaccine gây ra. Một số rối loạn hiếm gặp khác như Hội chứng Guillain-Barre (viêm đa dây thần kinh) không có mối liên quan rõ ràng với việc tiêm phòng.
Thục Linh (Theo Reuters)