Năm 2020, khi nCoV lây lan ở Anh, ít ai ngờ tới hậu quả mà nó đem lại. Đến tháng 5/2020, vào lúc đại dịch cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng việc phát triển vaccine là "nỗ lực quan trọng hàng đầu" và là "cách duy nhất" để chiến thắng dịch bệnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu và sản xuất một loại vaccine mới không phải là điều dễ dàng. Trong lịch sử y học, vaccine hiếm khi được phát triển dưới 5 năm. Vaccine quai bị, một trong những loại được sản xuất nhanh nhất trong lịch sử, cũng mất tới 4 năm để thực hiện.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, áp lực sản xuất vaccine Covid-19 ngày một gia tăng. Tháng 12/2020, vaccine của Pfizer được chấp thuận sử dụng tại Anh. Tất cả chỉ mất 10 tháng, trong khi thời gian dự kiến là 10 năm. Sau đó, nhiều vaccine khác cũng bắt đầu được phê duyệt như sản phẩm của AstraZeneca và Moderna.
Khi Anh trải qua làn sóng Covid-19 thứ ba với tỷ lệ tử vong cao nhất, nhiều người tỏ ra hoài nghi về vai trò của vaccine trong việc kiểm soát sự lây lan của virus. Giáo sư Jonathan Van-Tam, Phó Giám đốc Y tế Anh, cảnh báo người dân cần tiếp tục thận trọng dù đã được tiêm phòng.
"Chúng tôi không đảm bảo bạn sẽ không truyền bệnh sang người khác dù đã tiêm vaccine", ông nói.
Điều gì sẽ xảy ra nếu những người được tiêm phòng vẫn có thể lây bệnh? Ngoài ra, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc gỡ bỏ lệnh cấm vận của các quốc gia?
Vaccine nCoV có giúp giảm lây nhiễm?
Qua thử nghiệm lâm sàng, vaccine nCoV được chứng minh là có hiệu quả ngăn ngừa bệnh do tạo ra phản ứng miễn dịch nhanh chóng. Dù hầu hết vaccine cung cấp tới hơn 90% khả năng bảo vệ khỏi virus, chưa chắc chắn người tiêm sẽ không bị nhiễm hoặc không còn khả năng truyền mầm bệnh. Theo Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), "một số người vẫn có thể nhiễm nCoV dù đã tiêm phòng, tuy nhiên sẽ ít nghiêm trọng hơn so với người chưa tiêm".
Theo giáo sư Van-Tam, còn quá sớm để khẳng định loại vaccine nào giúp làm giảm lây nhiễm và ngăn ngừa bệnh chuyển nặng. PHE cho biết: "Chúng tôi không đảm bảo tiêm vaccine giúp phòng tránh hoàn toàn lây nhiễm, chỉ hy vọng nó giúp làm giảm nguy cơ này". Theo PHE, người mắc Covid-19 và đang mang kháng thể kháng virus vẫn có thể lây bệnh truyền bệnh dù không có triệu chứng.
Không phải mọi vaccine đều ngăn ngừa triệu chứng và sự lây truyền
Tiến sĩ Jenna Macciochi, nhà nghiên cứu miễn dịch học cho biết việc vaccine không có chức năng kép này là điều bình thường. Bà phát biểu: "Lý tưởng nhất là vaccine vừa có khả năng ngăn ngừa triệu chứng, vừa giúp phòng tránh mầm bệnh. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm như vậy rất khó khăn trong thực tiễn".
Thực tế, phần lớn vaccine hiện nay đều không giúp ngăn chặn hoàn toàn virus. Sarah Caddy, nhà miễn dịch học của Đại học Cambridge cho biết vaccine Rotavirus (một virus gây tiêu chảy ở trẻ em), chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng.
"Dù vậy, điều này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh", bà nhấn mạnh. Theo Sarah, kể từ khi vaccine Rotavirus được giới thiệu lần đầu năm 2006, số trường hợp nhập viện đã giảm tới 90%.
Dù vaccine cúm không bảo vệ người dùng hoàn toàn, nó vẫn giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng và biến chứng. "Về điểm này, vaccine Covid-19 khá giống vaccine cúm. Vì vậy, con người cần được tiêm phòng nhắc lại để duy trì sự bảo vệ này", tiến sĩ Penny Ward, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục và Tiêu chuẩn Y Dược, nhận định.
Theo tiến sĩ Macciochi, về khía cạnh lây truyền, người tiêm vaccine lây lan ít mầm bệnh hơn so với người không tiêm. Điều này có nghĩa là người tiêm ít có khả năng truyền bệnh nặng hơn.
Tại sao chưa thể khẳng định vaccine Covid-19 giúp giảm lây nhiễm?
Đến nay, chưa có dữ liệu chính thức về hiệu quả của vaccine nCoV trong việc làm giảm tỷ lệ lây truyền. Nguyên nhân là do sản phẩm không được sản xuất cho mục đích này. Cái đích mà nhà phát triển hướng tới là làm giảm số trường hợp nặng.
Ngoài ra, các thử nghiệm không được thiết kế để đánh giá liệu vaccine có giúp ngăn ngừa sự lây lan mầm bệnh đối với người tiêm hay không. Tiến sĩ Ward cho biết: "Để làm được điều này, cần thiết kế các thử nghiệm khác để xác định nguy cơ nhiễm trùng đối với người tiêm và tần suất lây lan của virus sau tiêm".
Người tiêm vaccine có thể lây bệnh cho cộng đồng không?
PHE mong đợi việc vaccine giúp làm giảm rủi ro lây bệnh nhưng không đảm bảo loại bỏ hoàn toàn nguy cơ này. Vì vậy, điều quan trọng vẫn là "tuân theo hướng dẫn phòng bệnh tại địa phương, bao gồm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên".
Người nhiễm nCoV không triệu chứng cũng là một nguồn lây quan trọng. Cứ ba bệnh nhân thì có tới một người không biểu hiện. Tiến sĩ Head cho biết: "Có lẽ cần tiếp tục giãn cách xã hội cho đến khi tiêm chủng hầu hết dân số".
Để biết rõ về mức độ hiệu quả của vaccine trong việc làm giảm tốc độ lây truyền, các nhà khoa học chỉ cần thu thập đủ dữ liệu cần thiết. Tiến sĩ Ward nói: "Người tiêm phòng cần được theo dõi trong một khoảng thời gian để xác định tính hiệu quả của vaccine".
Bộ Y tế và An sinh Xã hội Anh đã công bố chiến lược giám sát mức độ thành công của tiêm chủng. PHE sẽ công bố hiệu quả của vaccine thông qua một số yếu tố, bao gồm: số ca nhiễm nCoV có triệu chứng, số ca nhập viện, tỷ lệ tử vong, tải lượng virus và nhiều thông số khác.
Càng nhiều người được tiêm chủng, PHE càng có nhiều dữ liệu để khảo sát tính hiệu quả của vaccine và xác định xem liệu việc tiêm chủng có giúp làm giảm đáng kể sự lây lan của virus hay không.
Mạnh Kha (Theo Independent)