Chiều 15/7, Indonesia nhận 1,5 triệu liều vaccine Moderna từ Mỹ. Nước này vừa vượt qua Ấn Độ, trở thành vùng dịch lớn nhất châu Á với số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục.
Lô vaccine đến sau ba triệu liều hồi tuần trước. Kể từ tháng 3, cơ chế tiêm chủng công bằng Covax, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đại diện, đã chuyển 11,7 triệu liều AstraZeneca cho nước này.
Alexander Matheou, giám đốc Hội Chữ thập đỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định tiến độ giao hàng tăng trong thời gian gần đây. "Không gì là quá muộn. Việc tiêm chủng toàn dân là điều cần làm. Nhưng vaccine càng đến chậm, càng có nhiều người chết", ông nói.
Scott Hartmann, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta, cho biết: "Indonesia là một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực. Vaccine được cung cấp không đi kèm ràng buộc. Chúng tôi làm điều này với mục tiêu cứu người, chấm dứt đại dịch toàn cầu và đảm bảo quyền công bằng tiêm chủng bằng loại vaccine an toàn, hiệu quả".
Bên cạnh Indonesia, Mỹ cũng gửi hàng chục triệu liều vaccine đến các nước châu Á khác. Đây là một phần trong cam kết 80 triệu liều của Tổng thống Joe Biden. Những quốc gia được hỗ trợ gồm Việt Nam, Lào, Hàn Quốc và Bangladesh. Mỹ có kế hoạch gửi thêm 200 triệu liều vaccine toàn cầu cuối năm nay và 500 triệu liều trong năm tới.
Đầu tháng 7, Malaysia đã nhận một triệu liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản tài trợ, theo Bộ trưởng Khoa học Khairy Jamaluddin. Quốc gia cũng nhận thêm một triệu liều vaccine Pfizer của Mỹ.
Philippines dự kiến nhận tổng cộng 16 triệu liều vào tháng 7. Trong đó 3,2 triệu liều từ Mỹ; 1,1 triệu liều của Nhật Bản và 132.000 liều Sputnik V của Nga. Covax cũng phân phối cho nước này thêm 2,28 triệu liều vaccine Pfizer.
"Chúng tôi sẽ sử dụng vaccine cho nhân viên y tế, người cao tuổi và có bệnh nền. Nếu không tiêm chủng kịp thời cho nhóm này, các phòng cấp cứu sẽ lại chật cứng, khu hồi sức tích cực một lần nữa thiếu giường bệnh", Bộ trưởng Y tế Francisco T. Duque III nói.
Myanmar dự kiến nhận 6 triệu liều vaccine từ Trung Quốc vào tháng 8. Theo lời một quan chức chính phủ, nước này đặt mua 4 triệu liều đầu và được tặng hai triệu liều khác. Myanmar đang đối mặt với đợt bùng phát mới. Hôm 15/7, Hội đồng Quản lý Nhà nước báo cáo hơn 7.000 ca nhiễm, tăng vọt từ 50 ca hồi đầu tháng 5.
Sau thời gian bị gián đoạn nguồn cung hồi tháng 3, tháng 4, lượng vaccine về Việt Nam ổn định hơn. Ngày 17/7, Đại sứ quán Mỹ thông báo nước này sẽ chuyển thêm ba triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam thông qua liên minh GAVI, theo Bộ Ngoại giao. Tuần trước, Mỹ cũng chuyển cho Việt Nam hai triệu liều Moderna, mục tiêu để đảm bảo công bằng tiêm chủng, chấm dứt đại dịch trên toàn cầu.
Australia cam kết viện trợ 40 triệu AUD (gần 30 triệu USD) và hỗ trợ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại nước này cho Việt Nam thời gian tới. Ngày 15/7, thêm hơn 921.000 liều AstraZeneca về sân bay Tân Sơn Nhất theo hợp đồng của VNVC.
Các nước phát triển khác cũng đẩy mạnh phân phối vaccine toàn cầu nhằm chấm dứt sớm đại dịch. Canada tuần này cam kết bổ sung 17,7 triệu liều vaccine cho Covax. Pháp cung cấp 1,7 triệu liều vaccine toàn thế giới, tính đến tháng 6. Covax sẽ gửi châu Á thêm hàng triệu liều trong mùa hè này.
Tuy nhiên, nhiều nước có tỷ lệ lây nhiễm cao vẫn chưa nhận đủ vaccine theo thoả thuận. Các chuyên gia cho rằng quốc gia phát triển cần nỗ lực hơn nữa để giúp đỡ những khu vực đang vật lộn trong tình trạng thiếu oxy và nguồn cung y tế.
Sowmya Kadandale, giám đốc y tế UNICEF tại Indonesia, phụ trách chương trình vaccine, chỉ ra rằng các nước giàu có đã tiêm chủng ít nhất một liều cho nửa dân số. Trong khi đó, đa phần người dân ở quốc gia thu nhập thấp vẫn chờ đợi vaccine. Tuần này, Hội Chữ thập đỏ cảnh báo khoảng cách vaccine toàn cầu đang rộng hơn, cho biết nước phát triển cần tăng tốc phân phối theo cam kết.
Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc đã áp dụng biện pháp hạn chế mới trong tuần qua khi phải vật lộn với số ca nhiễm tăng nhanh chóng, chương trình tiêm chủng chậm chạp.
Tại Hàn Quốc, nơi từng được ca ngợi vì phản ứng ban đầu với đại dịch, tình trạng thiếu hụt vaccine khiến 70% dân số chưa được tiêm liều đầu tiên. Thái Lan bắt đầu tiêm chủng hàng loạt hồi tháng 6. Số ca nhiễm và tử vong nước này tăng kỷ lục. Chỉ khoảng 15% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Con số tại Việt Nam là 4%.
"Nhiều nước cố ‘đòi lại quyền tự do' như đi làm, mở cửa rạp chiếu phim và nhà hàng. Với phần còn lại của thế giới, đó là điều xa xỉ", ông Matheou nói.
Indonesia tiêm vaccine sớm hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện khoảng 14% trong 270,6 triệu người đã chủng ngừa ít nhất một liều, chủ yếu bằng vaccine Sinovac của Trung Quốc. Một số nước tự sản xuất vaccine, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, song vẫn cần nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu khổng lồ.
Kadandale cho biết: "Cả Moderna và AstraZeneca đều là nhân tố quan trọng để tăng cường và đảm bảo nguồn cung sẵn có. Mỗi liều vaccine đều tạo ra sự khác biệt rất lớn".
Thục Linh (Theo AP, Reuters, AFP)