Vaccine Covid-19 (với tên gọi Sputnik V) do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya phát triển, được Bộ Y tế Nga cấp phép vào ngày 11/8. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một loại vaccine Covid-19.
Cơ chế hoạt động của vaccine
Vaccine của Nga dựa trên công nghệ vector, từng được sử dụng trong điều chế vaccine Ebola và MERS. Các nhà khoa học sử dụng đoạn mã gen chứa protein của nCoV, "gắn" vào virus cảm lạnh vô hại và tiêm chúng cho người dùng. Cơ thể từ đó nhận diện, làm quen với mầm bệnh và tạo phản ứng miễn dịch.
Một vector của vaccine chỉ tạo được phản ứng miễn dịch ngắn hạn cho cơ thể, vì vậy cần tiêm mũi thứ hai sau khoảng 28 ngày để kích thích hệ miễn dịch lâu dài.
Về quá trình thử nghiệm, Nga chưa tiết lộ quá nhiều về các dữ liệu. Hồi tháng 6, Viện nghiên cứu Gamaleya đăng ký thử nghiệm giai đoạn một và giai đoạn hai. Vaccine có tên gọi Gam-COVID-Vac Lyo, tiêm thử cho 38 tình nguyện viên.
Thử nghiệm giai đoạn ba trên 2.000 tình nguyện viên bắt đầu tại Trung Đông và Mỹ Latinh hôm 12/8. Thông thường, thử nghiệm giai đoạn ba cần có sự tham gia hàng chục nghìn người.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, tất cả các tình nguyện viên đã sản sinh kháng thể nồng độ cao đối với Covid-19, đồng thời không ai trong số họ có biến chứng nghiêm trọng. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, ông và con gái cũng đã tiêm thử nghiệm loại vaccine này.
Tuy nhiên, sự bứt tốc đột ngột trong "cuộc đua" vaccine Covid-19 của Nga ở phút cuối khiến nhiều người nghi vấn. Giới chức y tế của Mỹ, Đức và một số nước tỏ ra lo ngại về vaccine Covid-19 của Nga đang "đốt cháy giai đoạn", các dữ liệu của nghiên cứu chưa đầy đủ.
Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cho biết: "Chúng tôi may mắn vì nCoV tương đối giống với MERS và chúng tôi đã sẵn sàng cho ra đời loại vaccine ngừa MERS sau hai năm nghiên cứu. Do đó chúng tôi đã chỉnh sửa nó một chút để trở thành vaccine ngừa Covid-19. Đây là câu chuyện thực tế, không phải chính trị. Nga luôn đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine".
Thực tế Nga cũng sở hữu nhiều thành tựu về vaccine. Chìa khóa giúp Nga "về nhất" trong cuộc đua vaccine Covid-19 được cho là kế thừa thành tựu nghiên cứu y học 20 năm qua, có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về các loại virus tương tự như nCoV.
Vaccine sắp đưa vào tiêm chủng đại trà
Sputnik V dự kiến tiêm chủng cho nhân viên y tế Nga vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, dự kiến tiêm chủng đại trà cho người dân ở đất nước này khoảng tháng 10. Nga cũng đã lên kế hoạch xuất khẩu "Sputnik V" sang các nước khác vào khoảng tháng 11.
Theo giới chức nước này, có khoảng 20 quốc gia đã đặt hàng những liều vaccine đầu tiên của Nga. Giá xuất khẩu dự kiến của "Sputnik V" ít nhất 10 USD mỗi liều. Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã đề xuất đặt mua vaccine Covid-19 từ Nga.
Vaccine với lịch tiêm khoảng 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu khoảng 28 ngày, dự kiến có tác dụng bảo vệ trong khoảng 2 năm. Vaccine sẽ điều chế tại Viện nghiên cứu Gamaleya và Công ty Chế phẩm sinh học Binnopharm. Nước này dự tính sẽ sản xuất 500 triệu liều mỗi năm.
Ngoài vaccine Covid-19 do Nga sản xuất, hiện có khoảng 5 loại vaccine Covid-19 tiềm năng đang thử nghiệm giai đoạn cuối của Mỹ, Trung Quốc, Anh; khoảng 20 loại thử nghiệm trên người; 140 loại ở giai đoạn tiền lâm sàng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ngọc An