Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, tình trạng đột quỵ do nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Ví dụ cơ thể có bệnh nền mạn tính; chế độ dinh dưỡng không cân bằng, không vận động, hút thuốc, uống rượu; hoặc do bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, zona thần kinh, Covid-19... Tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em và người lớn, đặc biệt ở người lớn tuổi, người có bệnh nền không chỉ giúp phòng bệnh mà còn giảm biến chứng tác động lên não và tim.
Cúm
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến trong mùa lạnh. Theo bác sĩ Chính, sau một đợt nhiễm cúm, người bệnh có nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 6-10 lần trong vòng 1 tuần sau, nguy cơ đột quỵ tăng 3-8 lần, tần suất nhập viện vì suy tim tăng 24%. Lý do là virus kích hoạt phản ứng miễn dịch để tiêu diệt virus đồng thời tác động, làm vỡ các mảng bám động mạch, dẫn đến tắc, nhồi máu cơ tim hoặc nghẽn dòng máu lên não gây đột quỵ não.
Cúm còn có thể gây viêm phổi và suy hô hấp, tăng nặng triệu chứng suy tim. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng cúm mùa còn là tác nhân thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch từ trước. Vì vậy, người bệnh tim mạch nếu mắc thêm cúm chắc chắn nguy cơ biến chứng và tử vong cao.
Bác sĩ Chính cho biết, chủng ngừa giúp ngăn bệnh cúm, đồng thời giảm 45% nguy cơ đau tim ở người bệnh mạch vành; giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân suy tim; giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp ở người có nguy cơ cao. Vaccine làm giảm viêm hoặc có các tác dụng có lợi khác trên mạch máu.
Zona thần kinh
Virus varicella zoster, gây bệnh thủy đậu và zona thần kinh, có thể ở dạng tiềm ẩn sau đó gây viêm mạch máu và tăng 1,3 đến 4 lần nguy cơ đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua... Mặt khác, virus có khả năng xâm nhập trực tiếp vào động mạch và tạo ra những thay đổi bất lợi cục bộ, có thể dẫn đến mất ổn định mảng bám, hình thành cục máu đông, cản trở vận chuyển máu lên não và tim.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, theo dõi sức khỏe của gần 280.000 người trên 70 tuổi cho thấy, những người đã được tiêm ngừa zona có tỷ lệ đau tim và đột quỵ do nhiễm virus thấp hơn so với những người không được tiêm phòng.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine zona thần kinh, người dân nên chủ động tiêm ngừa thủy đậu để phòng virus varicella zoster và các biến chứng liên quan.
Covid-19
Theo các cơ quan y tế, người mắc Covid-19 sẽ tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cung cấp lên não. Cơ chế là virus làm tăng phản ứng viêm mạch máu, hình thành huyết khối trong hệ động mạch, tĩnh mạch và các cơ quan... Một số ít tài liệu cho thấy nhiễm Covid có thể gây co mạch, tăng huyết áp dẫn đến xuất huyết não.
Những bệnh nhân hậu Covid-19 được xem là nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ nếu đồng thời có nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc, béo phì. Do đó, việc kiểm soát nguy cơ bằng dự phòng tiêm chủng rất cần thiết. Hiện vaccine vẫn hiệu quả với biến thể mới.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh, như: đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên, chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động hợp lý.
Mộc Thảo