TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu, Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tiếp nhận một số ít ca bệnh mắc thủy đậu nhưng được gia đình chữa theo mẹo, sau đó phải chịu sẹo xấu trên cơ thể.
Trường hợp đầu tiên là con trai 5 tuổi của chị Nguyễn Thị Hiền (33 tuổi, Bến Tre) bị sốt, đau họng, toàn thân nổi ban đỏ vào ba tháng trước. Gia đình chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian, cho rằng con không nên tắm và nằm quạt để nhanh khỏi, dù bé đổ mồ hôi nhiều.
Sau đó, bé bị vỡ mụn nước, chảy mủ, cảm thấy đau rát, đi khám được chẩn đoán nhiễm trùng da. Hiện, tình trạng nhiễm trùng đã được điều trị khỏi song vẫn để lại nhiều sẹo thâm, lõm trên người, phải tiếp tục khám chuyên khoa da liễu. Trước đó, em bé chưa tiêm ngừa thủy đậu.
Trường hợp thứ hai là nam giới, 29 tuổi, ở Vĩnh Long, mắc thủy đậu cách đây ba năm, được chữa trị bằng cách bôi và uống tro từ gốc rạ để nốt mụn nhanh khỏi.
Bệnh nhân cho biết đã bị sốt cao, đau nhức dữ dội tại vết loét do các đốm mụn nước vỡ ra, chảy mủ xanh sau đó. Bác sĩ chẩn đoán bị thủy đậu bội nhiễm nhiễm trùng da, sau khi khỏi vẫn còn để lại các vết sẹo rỗ sâu trên mặt. Đến nay, anh Quân vẫn rất mặc cảm và tự ti đến mức không quen bạn gái vì các vết sẹo thâm, rỗ trên mặt, tìm đến chuyên khoa da liễu để tìm cách khắc phục.
Theo bác sĩ Bích, các phương pháp chữa trị thủy đậu như kiêng tắm, kiêng gió, trùm kín người, bôi tro của gốc rạ... chưa được khoa học chứng minh có tác dụng. Việc chữa trị bệnh theo các phương pháp này dễ gây viêm da bội nhiễm, để lại sẹo, ảnh hưởng thẩm mỹ, khó khắc phục. Bên cạnh đó, các phương pháp này có thể gây ngộ độc, nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong cao do vi khuẩn nhân cơ hội tấn công bên trong cơ thể qua vùng da bị tổn thương.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính quen thuộc với người Việt. Khi chưa có vaccine phòng ngừa, mỗi người mắc thủy đậu tối thiểu một lần trong đời. Virus gây bệnh là Varicella Zoster (VZV), lây trực tiếp qua đường hô hấp như ho, hắt hơi... và gián tiếp khi tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết, chất lỏng từ mụn nước.
Tỷ lệ người lớn mắc thủy đậu thấp hơn trẻ em, song khả năng gặp biến chứng như viêm phổi, não, gan, nhiễm trùng máu... cao hơn, có thể dẫn đến tử vong. Trong đó, biến chứng về da thường gặp hơn, một số nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ mắc khoảng 16-20% ở trẻ em. Một nghiên cứu khác được đăng tải ở tạp chí Da liễu, Hoa liễu và Bệnh phong Ấn Độ cho biết tỷ lệ nhập viện vì thủy đậu là khoảng 3 - 6/1.000 ca và tỷ lệ biến chứng từ 2-4%. Trong đó, biến chứng về da liễu là bội nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng mô mềm hoại tử, hiếm gặp với tần suất 0,05-0,16%.
Bác sĩ Bích cho biết thông thường mụn nước và vết thâm sẽ tự khỏi sau 3-6 tháng, không để lại sẹo. Nếu gặp biến chứng, bị sẹo lõm (sẹo rỗ) và vết thâm không khỏi sau 1 một năm, mọi người có thể điều trị bằng các phương pháp như laser, phẫu thuật hoặc tiêm một số chất vào đáy sẹo, giúp cho sẹo phẳng hơn.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Khí hậu lạnh ẩm và sự gia tăng tiếp xúc, gặp gỡ nhau dịp lễ, Tết là điều kiện thuận lợi để virus phát triển và dễ lây lan thành dịch. Mặt khác, thời tiết lạnh cũng có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh thủy đậu và các biến chứng có thể phòng ngừa nhờ vaccine, hiệu quả đến 98%. Trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn, người trưởng thành, người già đều cần tiêm chủng, đặc biệt phụ nữ trước mang thai cần tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và em bé trong những tháng đầu đời.
Để phòng tránh sẹo lõm gây ảnh hưởng thẩm mỹ, bác sĩ Bích khuyến cáo người bệnh tránh gây vỡ mụn nước bằng cách chà xát, cạy hoặc nặn các nốt thủy đậu. Người bệnh hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng, đội mũ rộng vành khi ra đường.
Mọi người không chữa bệnh bằng các phương pháp dân gian, chưa được kiểm chứng khoa học. Đồng thời tăng sức khỏe tổng thể, tránh nhiễm trùng bằng cách uống nhiều nước và bổ sung các loại vitamin; giữ gìn vệ sinh cơ thể. Một số thực phẩm trị sẹo tự nhiên có thể áp dụng như mật ong, nha đam, hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi sát bệnh để điều trị sớm nếu có bất thường để giảm số lượng sang thương, hạn chế bội nhiễm.
Mộc Thảo
Vào 20h ngày 29/12, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp báo VnExpress tổ chức tư vấn trực tuyến: "Phòng ngừa thủy đậu, sởi & các bệnh da liễu chuẩn bị đón Tết".
Buổi tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia y tế: BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM; BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu, Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress, VNVC và các kênh thông tấn báo chí khác. Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.