Công điện gửi lãnh đạo bốn tỉnh, thành Đông Nam bộ ngày 22/8 của Thủ tướng chỉ đạo: "Ưu tiên cao nhất phân bổ vaccine cho TP HCM và thực hiện chiến dịch tiêm miễn phí".
Người dân mấy ngày qua đã có lúc bối rối khi nghe nhiều thông điệp chính sách dồn dập, đôi khi thiếu nhất quán từ các cơ quan khác nhau. Dù còn ý kiến trái chiều, tôi nhận thấy duy nhất một ý tưởng chính sách đạt được sự đồng thuật gần như tuyệt đối của dân chúng, đó là ưu tiên phủ vaccine nhanh nhất cho nơi bị dịch nặng nhất.
Vì vậy, tăng cường tối đa giãn cách song không làm gián đoạn nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine là tối quan trọng với TP HCM. Đánh mất thời gian vàng để tiêm phủ 100% mũi một và bắt đầu mũi hai càng nhiều càng tốt sẽ khiến rủi ro của đợt dịch nặng nề hơn.
30 ngày qua, bình quân mỗi ngày TP HCM tiêm được 130 nghìn mũi, ngày cao nhất 2/8 lên gần 300 nghìn mũi, nhưng gần đây chỉ được trên dưới 100 nghìn khi vaccine cạn dần. Tính đến chiều 22/8, Thành phố đã tiêm gần 5,5 triệu liều vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi.
Với khoảng 9 triệu dân 18 tuổi trở lên đang sinh sống, gồm lao động nhập cư và người tạm trú, độ phủ vaccine mũi một đã đạt 61%.
Có được kết quả trên là nhờ "lời nói chính sách" đã đi đôi với "hành động chính sách". Với nguồn vaccine được ưu tiên, Thành phố đã nỗ lực và đang mở thêm 400 trạm y tế lưu động.
Nhà chức trách tuyên bố, đến ngày 15/9, tối thiểu 70% người trên 18 tuổi được tiêm mũi một và 15% người được tiêm đủ hai mũi vaccine. Nhưng đúng vào cao điểm triển khai mục tiêu này thì nguồn vaccine hết dần và có mệnh lệnh tăng cường giãn cách với sự tham gia của quân đội.
Các thách thức đang đặt ra:
Thứ nhất là tâm lý cộng đồng. Nhiều người cho rằng, TP HCM đã được ưu tiên, đã tiêm tỷ lệ cao mũi một rồi thì nên tạm ngưng để nhường mũi một cho các tỉnh. Nhưng thực tế, với mức độ lây nhiễm hiện nay, nguy cơ bùng phát đợt dịch tiếp theo vẫn rất cao nếu đa số dân chỉ được tiêm một mũi. Sẽ rất tốt nếu 1,2 triệu liều Astra Zenneca vừa về TP HCM được sử dụng ngay để tiêm mũi hai cho những người đã tiêm mũi một loại này từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7.
Thứ hai là khâu tổ chức. Việc tiêm mũi hai kèm thách thức mới là phải nhập dữ liệu và thống kê tốt thông tin tiêm. Tiêm trong bối cảnh giãn cách tăng cường càng đòi hỏi công tác tổ chức, lên thứ tự và gửi lịch hẹn rõ ràng theo khung giờ đến từng người tiêm. Chưa kể, vì Việt Nam vẫn chưa thể chủ động và đảm bảo chắc chắn được thời gian và loại vaccine sẽ về nước nên việc tiêm mũi hai cùng loại vaccine như mũi một rất khó khăn. Ngành Y tế có thể phải cân nhắc áp dụng tiền lệ tiêm trộn của các nước đã làm.
Thứ ba, xác định ưu tiên tối ưu. Tiêm cho người cao tuổi là ưu tiên hàng đầu để giảm tỷ lệ tử vong vì Covid. Chính phủ đang ưu tiên vaccine cho người từ 65 tuổi, nhưng thực tế thống kê cho thấy nhóm người trong độ tuổi 60-64 và 50-59 cũng có rủi ro rất cao. Số người từ 60 tuổi của Thành phố là 863 nghìn - khoảng 9,4% dân số. Việc tiêm cho nhóm này không vướng mắc ở chỗ thiếu vaccine mà là làm sao đưa được người già đến điểm tiêm trong bối cảnh giãn cách tăng cường và xóa bỏ các quan ngại về huyết áp, bệnh nền mà không dám tiêm cho các cụ.
Bố mẹ tôi cũng mong mỏi được tiêm vaccine và đợi chờ nhiều ngày sau khi đăng ký ở khu phố. Đến đợt khu phố tiêm, các cụ lại nhận được thông báo rằng người trên 65 tuổi không được tiêm tại khu phố mà phải đến bệnh viện. Nhiều người can "đừng đến viện, dễ bị lây nhiễm". May thay, các cụ vẫn đồng ý và tôi cũng đăng ký được tại Bệnh viện Thống nhất. Nhưng đến ngày tiêm, tôi không đưa các cụ đi được vì nhà không có xe riêng, gọi taxi không được trong bối cảnh giãn cách. May mắn lần nữa, bạn tôi có ôtô đã chở các cụ đi tiêm.
Từ trải nghiệm của mình, tôi cho rằng trong 15 ngày tới, lý tưởng là các đội tiêm tận nhà sẽ kịp tiêm hết cho người cao tuổi. Với các trường hợp phải tiêm tại bệnh viện, nếu các chiến sĩ của quân đội đưa đón được người cao tuổi đến bệnh viện tiêm lại càng quý.
Thứ tư là bài toán vaccine của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người lao động đang phải "chịu đau tăng cường" trong thời gian tăng cường giãn cách. Thay vì "ba tại chỗ", chúng ta kỳ vọng sản xuất sẽ hồi sinh nếu người lao động được tiêm đủ hai mũi.
Tôi công tác tại đại học có địa chỉ ở Khu Công nghệ cao TP HCM. Nhờ chính sách tiêm phủ mũi một cho lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố nên tôi và đồng nghiệp được tiêm cùng với những lao động của doanh nghiệp. Cuối tháng sáu, chúng tôi xếp hàng rất lâu cùng rất đông các bạn công nhân. Lâu là vì khi đến nơi tiêm, mọi người mới được yêu cầu khai trên giấy, rồi cả công nhân trẻ cũng bị yêu cầu đo huyết áp. Nhưng với tác phong công nghiệp đã được đào tạo, họ xếp hàng rất trật tự. Khâu ngồi vào bàn và tiêm sau đó đã khá nhanh.
Các khu công nghiệp và khu chế xuất tại TP HCM đã phủ xong mũi một cho 85% lao động, có lẽ họ đang mong chờ mũi hai. Nụ cười trên khuôn mặt của công nhân sau khi được tiêm rạng rỡ hơn nhiều so với nụ cười của họ khi nhận quà hỗ trợ.
Chiến lược dập dịch cả nước đang dồn sức hôm nay không phải để đưa ca nhiễm về 0 mà là đưa số ca nhiễm về tầm kiểm soát, vừa sức hệ thống y tế, giảm thiểu tử vong. Khi số ca nhiễm đã giảm, chính quyền có thể nới lỏng phong tỏa và mở cửa giao thương, sản xuất. Chìa khóa mở cánh cửa đó là hai mũi vaccine.
Như những nơi đã phủ xong vaccine trên thế giới, sẽ vẫn có lây nhiễm cộng đồng. Các đánh giá khoa học cho biết, miễn dịch cộng đồng sẽ không đạt được với chủng Delta. Vaccine đang ưu tiên cho TP HCM không có nghĩa là ưu tiên mãi. Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh khác cũng đang rất cần.
Với sự đồng lòng của dân chúng, quyết tâm phủ vaccine cho TP HCM là mũi tấn công chủ lực trong trận đánh mà chúng ta hy vọng là trận cuối cùng ở 15 ngày tới.
Nguyễn Xuân Thành