"Ban giám đốc chân thành xin lỗi về căng thẳng và lo lắng bởi những ca dương tính tại công ty. Tôi biết các bạn đã tin tưởng ban lãnh đạo về việc giữ an toàn cho tất cả các bạn và tôi rất tiếc vì đã không làm được. Tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất đến các bạn F0, những người đang bị cách ly. Công ty chúng ta phải tạm dừng hoạt động cho đến khi xử lý xong sự cố này".
Thông điệp được tổng giám đốc người Anh gửi toàn công nhân viên hai hôm trước. Công ty chúng tôi thực hiện "ba tại chỗ" cách đây hơn một tháng. Hơn một nửa trong số trên 2.000 công nhân, nhân viên đã đăng ký vào làm và ở lại nhà máy, không ra ngoài, không về nhà.
Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng cho chi phí ban đầu cũng như phát sinh hàng ngày để sắp xếp cho hơn 1.000 con người ăn ở, làm việc tại chỗ. Công ty không xác định lợi nhuận thời điểm này, thậm chí lỗ. Mục đích chính là cố gắng duy trì việc làm cho công nhân viên để họ không thất nghiệp thời dịch và giữ những đơn hàng quan trọng.
Thông thường, mỗi ca làm việc, công nhân viên ăn một bữa trong công ty. Nay họ ở lại cả ngày, công ty phải cung cấp bốn bữa, gồm ba bữa chính và bữa ăn nhẹ buổi tối. Chúng tôi cải tạo, cơi nới nhà xưởng và xây dựng thêm để có đủ phòng vệ sinh, phòng tắm cho công nhân viên. Mỗi người được cấp một bộ nệm, màn, chăn, gối, kem đánh răng và bàn chải, móc quần áo, thau chậu. Hàng tuần họ được phát dầu gội đầu, sữa tắm, xà phòng giặt.
Công ty cũng lắp đặt cấp tốc các bàn bóng bàn, khu trượt pa-tanh, sân cầu lông, sân bóng đá mini, nơi đá cầu, không gian cho công nhân thể dục. Mỗi khu vực ở được gắn một màn hình lớn để xem phim, nghe nhạc. Mỗi xưởng được sắm một loa kéo để hát karaoke trong giờ quy định. Thứ bảy, công nhân viên được cấp chút đồ nhắm.
Chúng tôi cũng mua sẵn một số bình oxy, thuốc bổ, thuốc hạ sốt, khẩu trang chuyên dụng N95 và đồ bảo hộ. Chi phí xét nghiệm Covid-19 hàng tuần là khoản rất đáng kể.
Để kiểm soát Covid đầu vào, mỗi công nhân viên trước lúc vào nhà máy phải có kết quả kiểm tra âm tính trong ngày. Sau đó, họ được cách ly tại một khu vực riêng. Năm ngày sau, kiểm tra PCR, nếu âm tính họ mới được về bộ phận làm việc.
Khi có nhu cầu mua thêm nhu yếu phẩm, công nhân đăng ký với văn phòng, chúng tôi đặt hàng siêu thị, mỗi tuần nhận hàng một lần. Nhân viên siêu thị đặt hàng tại nơi quy định rồi rút đi, người của công ty ra khử khuẩn và mang hàng vào.
Tất cả các nhà thầu, nhà cung cấp không thiết yếu được ngưng giao dịch. Những đơn vị phải duy trì hoạt động như giao nguyên vật liệu, nhận hàng, cung cấp thực phẩm, nước uống, người giao dịch đều phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng ba ngày, mặc đồ bảo hộ. Họ phải ngồi trên buồng lái, không được xuống xe. Buồng lái được niêm phong khi vào cổng cho đến khi họ trở ra.
Để cẩn trọng, chúng tôi còn chia nhà máy thành nhiều xưởng, gọi là mỗi "bubble" (bong bóng). Trong mỗi bubble lại chia ra nhiều khu vực khác nhau, sinh hoạt riêng, không tiếp xúc với nhóm khác, để nếu không may một nhóm nào có người bị nhiễm Covid-19 thì các khu vực khác vẫn an toàn.
Trước đây toàn công ty ăn ở nhà ăn, bây giờ suất ăn được cung cấp tận nơi công nhân làm việc. Nhân viên nhà bếp, tạp vụ, bảo vệ được phân về mỗi xưởng và làm việc cố định ở đó.
Đã làm kỹ lưỡng và thận trọng như vậy, chúng tôi thật sự sốc và buồn khi nhà máy phát hiện ca nhiễm Covid-19 vào đầu tuần này. Mọi hoạt động ngay lập tức phải tạm dừng.
Chúng tôi không có căn cứ cụ thể về con đường dẫn Covid-19 vào công ty. Đó có thể là những người mới vào mang mầm bệnh dù xét nghiệm hai lần đầu âm tính, nhưng sau đó virus mới bùng phát. Cũng có thể là công nhân viên nào đó đã lén nhận đồ từ bên ngoài chuyển qua hàng rào vào buổi tối.
Tôi biết nhiều công ty khác đã gặp tình cảnh tương tự khi hoạt động theo "ba tại chỗ". Có những nơi phát hiện muộn, trở thành ổ dịch. Lãnh đạo doanh nghiệp cuối cùng rơi nước mắt, ngậm ngùi nhìn công ty đóng cửa. Là người trong cuộc, tôi thực sự thấm thía nỗi đau khi bao nhiêu tâm huyết, công sức của hàng trăm con người chúng tôi cuối cùng đổ bể.
Để duy trì hình thức "ba tại chỗ", việc quan trọng nhất là sàng lọc đầu vào tuyệt đối, đồng thời kiểm soát tuyệt đối trong quá trình hoạt động. Nếu vẫn còn các giao dịch với bên ngoài, nguy cơ sẽ luôn tiềm ẩn phá hỏng "hệ thống phòng ngự". Ở những nơi dịch ngoài cộng đồng đang phức tạp, hay có công nhân viên thiếu ý thức tuân thủ, mô hình "tại chỗ" sẽ mau chóng trở thành ác mộng.
Đứt gãy sản xuất là đứt gãy kinh tế, đứt gãy công ăn việc làm, sinh kế người lao động. Tôi tự hỏi, còn phương thức nào hiệu quả hơn "ba tại chỗ" để duy trì sản xuất không?
Nếu chưa có, để mô hình này hiệu quả, doanh nghiệp thật sự rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để có thể giảm bớt áp lực. Đó có thể là việc miễn giảm thuế, giảm tiền xét nghiệm Covid-19, giá điện, nước, lãi suất vay ngân hàng hoặc chi phí tiền lương cho người lao động trong những ngày cách ly trước khi vào xưởng làm việc. Công ty tôi cách ly năm ngày. Nếu cách ly đủ 14 ngày, mức an toàn sẽ cao hơn, nhưng chi phí nhân công thật sự là một áp lực lớn với ban giám đốc.
Các doanh nghiệp đều đang rất vất vả với bài toán duy trì sản xuất, đều tự loay hoay xoay xở mà chưa biết ngày mai công ty có bị đóng cửa không. Tôi mong Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp, những người vận chuyển hàng chúng tôi giao dịch hàng ngày. Việc này có ý nghĩa sống còn với ngành sản xuất và logistics, cũng là sống còn để duy trì chuỗi cung ứng của nền kinh tế.
Doanh nghiệp là đối tác lớn của chính phủ, vì thế, chúng tôi sẵn sàng đóng góp thêm với nhà nước để việc tiêm chủng và sản xuất đều không "đứt gãy". Cái chúng ta đang cần là cơ chế cho việc này.
Đặng Quỳnh Giang