Mối quan tâm của cháu cũng là bận tâm của nhiều phụ huynh. Học sinh ở nhiều nơi vẫn phải học trực tuyến, thầy cô và trò đều mong được tới trường.
Học trực tuyến có rất nhiều bất lợi, thậm chí còn tăng nguy cơ mắc trầm cảm và tâm thần vì thiếu tương tác giữa bạn bè cùng trang lứa và giải trí học đường. Nhưng học trực tiếp trong lớp lại có nguy cơ lây Covid. Một ca lây nhiễm trường học có thể gây ra nhiều ca, nếu không kiểm soát được có nguy cơ thành dịch. Vấn đề, do đó, là sự cân bằng giữa lợi ích và rủi ro.
Trẻ em và thiếu niên chiếm tỷ trọng đáng kể trong dân số Việt Nam. Theo điều tra dân số, nhóm trẻ 5-19 tuổi chiếm khoảng 21% tổng dân cư. Có vẻ như "cộng đồng" tới 1/5 dân số này chưa được quan tâm trước Covid? Chúng ta phải xem xét cứ liệu cụ thể để có chủ trương đúng cho trẻ em và thiếu niên.
Theo số liệu của TP HCM tính đến giữa tháng 8, trong tổng số ca nhiễm ở Thành phố, trẻ em tuổi 0-17 chiếm 14%. Trong số này, sáu em tử vong, và tỷ lệ là 0,1%. Tỷ lệ này rất thấp so với nhóm người trên tuổi 60.
Con số trên cũng khá gần với tình hình tại Australia. Ở bang New South Wales, trong đợt bùng phát gần đây, trẻ em chiếm 16% tổng số ca nhiễm. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số bị nhiễm nhẹ, rất hiếm ai nhập viện và chưa có ca nào vào ICU hay tử vong.
Nhưng với sự xuất hiện của biến thể Delta và có lẽ nhiều biến thể tiếp theo, vấn đề đặt ra là phải phòng ngừa cho trẻ em và thiếu niên. Đây là nhóm tuổi năng động, nhiều tương tác và nguy cơ lây nhiễm có thể trở thành vấn đề y tế công cộng không hề nhỏ.
Giới chức y tế toàn cầu đã đặt vấn đề có nên tiêm vaccine cho trẻ em hay không. Thoạt đầu, Australia còn phân vân, nhưng bốn tuần trước, họ đã phê chuẩn tiêm vaccine ở trẻ em. Bắt đầu từ ngày 13/9, trẻ em 12 - 15 tuổi ở Australia được khuyến khích tiêm vaccine Pfizer.
Trước Australia, Mỹ và Canada đã phê chuẩn tiêm vaccine cho trẻ. CDC của Mỹ nói rõ "trẻ em 12 tuổi trở lên nên được tiêm vaccine Covid-19". Cục Dược phẩm châu Âu cũng đã phê chuẩn tiêm vaccine Moderna cho trẻ 12 - 17 tuổi. Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đều đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ 12-19 tuổi, có nơi là 12-15 tuổi. Nhật và Israel cũng đã quyết định tiêm vaccine cho trẻ em. Ở Trung Quốc, trẻ 3-17 tuổi đã và đang được tiêm Sinopharm.
Riêng Anh có chính sách hơi khác. Giới chức y tế Anh chỉ đồng ý cho tiêm vaccine ở những trẻ mà hệ miễn dịch có vấn đề hay từng tiếp xúc với người bị nhiễm nặng. Nói cách khác, Anh phê chuẩn tiêm vaccine cho trẻ em nhưng có điều kiện.
Vaccine nào cho trẻ em?
Thế giới hiện mới có hai vaccine được thử nghiệm trên trẻ em là Pfizer và Moderna. Cả hai nghiên cứu đều cho ra kết quả có vẻ quá tốt: hiệu quả vaccine 100%.
Nghiên cứu của vaccine Pfizer thử nghiệm với 2.260 thiếu niên tuổi 12-15. Phân nửa được tiêm hai liều vaccine Pfizer cách nhau 21 ngày và phân nửa được tiêm giả dược. Kết quả: Số ca nhiễm ở nhóm vaccine là 0; số ca nhiễm ở nhóm giả dược là 16. Hiệu quả vaccine là 100%.
Nghiên cứu của Moderna thử nghiệm trên 3.732 em tuổi 12-17. Trong số này, 2.489 trẻ được tiêm vaccine Moderna và 1.243 người được tiêm giả dược. Kết quả: Số ca nhiễm ở nhóm vaccine là 0; số ca nhiễm ở nhóm giả dược là 4. Hiệu quả vaccine là 100%.
Việt Nam nên làm gì?
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới chỉ đạo Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm vaccine cho học sinh. TP HCM đã có đề xuất tiêm vaccine cho hơn 642.000 học sinh trung học 12-18 tuổi. Tôi nghĩ có vài vấn đề cần xem xét:
Thứ nhất, cho tới hôm nay và có thể về lâu dài, loài người chưa có dữ liệu đầy đủ về an toàn vaccine ở trẻ em. Điều này có nghĩa, trước khi quyết định tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, hệ thống y tế quốc gia cần chuẩn bị cơ chế giám sát và theo dõi các phản ứng phụ chặt chẽ trên các em, trong thời gian dài.
Thứ hai, với nền dân số trẻ, Việt Nam phải nghiên cứu cẩn thận các câu hỏi: Bao nhiêu trẻ em và thiếu niên 6-18 tuổi đã bị nhiễm Covid, và bao nhiêu người đã nhập viện, bao nhiêu ca đã tử vong. Những thông tin này không thể thiếu cho việc ra quyết định sẽ tiêm chủng cho nhóm trẻ độ tuổi nào, ở khu vực nào trước.
Thứ ba, Bộ Y tế có thể chia làm hai bước. Trước mắt, khi Việt Nam còn khan hiếm vaccine, chính phủ vẫn ưu tiên tiêm chủng cho người lớn trước. Khi nguồn vaccine và dữ liệu về Covid trong nước đầy đủ hơn, Việt Nam có thể khởi động chiến dịch tiêm vaccine đại trà cho trẻ, có thể bắt đầu với nhóm 12-18 tuổi.
Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng hiện hành vẫn có thể chỉ định ưu tiên cho vài nhóm trẻ có vấn đề về sức khoẻ bởi bệnh nền có thể làm cho chúng bị nguy hiểm với Covid. Đó là những em với hệ thống miễn dịch yếu như tiểu đường loại I, Lupus, tiền sử bệnh dị ứng, bị nhiễm respiratory syncytial virus, viêm phổi, hen, béo phì... Theo một nghiên cứu ở Nga, trẻ từ 6 đến 18 nên được ưu tiên tiêm vaccine vì đây là nhóm tuổi có nguy cơ tương đối cao với Covid.
Nghiên cứu và công bố kế hoạch tiêm vaccine an toàn cho trẻ sớm ngày nào, cánh cửa trường học cũng có thể mở ra theo lộ trình đó.
Nguyễn Văn Tuấn