Gói hỗ trợ cho các đối tượng bị tổn thương vì dịcg Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiêp, đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Khi kết thúc giải ngân gói vay không lãi suất 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương đến 31/7, chưa có đơn vị nào tiếp cận được. Hay gói gia hạn thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính chỉ nhận được 25% số đơn của 700.000 doanh nghiệp dự trù vào ngày hết hạn nộp hồ sơ. Số tiền gia hạn chỉ đạt 29% của 182.000 tỷ đồng trong kế hoạch.
Thứ tự hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng là bất cập khi doanh nghiệp nhà nước, tư nhân quy mô từ lớn đến bé đang đồng loạt "kêu cứu". Độc giả Bá Uân Nguyễn chia sẻ: "Có một điều kiện làm cho đại đa số doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất, đó là doanh nghiệp phải dừng sản xuất. Với điều kiện này, đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ cứu các doanh nghiệp đã chết lâm sàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản thì chưa được cứu. Không nên để phải chờ chết hẳn mới cứu, mà khi đó có cứu cũng không sống lại được, có sống lại được cũng lay lắt, còn lâu mới khỏe".
Lấy dẫn chứng từ chính doanh nghiệp của mình, bạn đọc nghienphim bày tỏ nỗi trăn trở trước những bất cập trong việc tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ: "Công ty của tôi ở Quận 2 nhận thông báo hướng dẫn hỗ trợ người lao động vào cuối tháng tư của đợt dịch trước, nhưng yêu cầu phải có quyết định tạm dừng công tác ghi rõ lý do là Covid-19, trong khi thời hạn nộp còn lại có mấy ngày. Đáng lẽ, hướng dẫn này là phải đưa ra sớm hơn từ tháng hai, ba để doanh nghiệp chuẩn bị các thủ tục cần thiết mới kịp, chứ đưa thời gian gấp như vậy sao làm kịp?".
>> Cần 'vaccine' cho các doanh nghiệp nhỏ
Đề xuất giải pháp thay đổi cơ chế để tăng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ, độc giả Don Qzx cho rằng:
"1. Doanh nghiệp còn 'sống': cứu bằng cách kích cầu, tạo đầu ra cho hàng hóa, dịch vụ của họ. Ví dụ, giảm giá thông qua giảm VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất - nhập khẩu, tăng tiền cho khách hàng bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân, phát tiền cho dân, tạo việc làm mới...
2. Doanh nghiệp đã 'chết': cứu người lao động bằng cách tạo việc làm mới thông qua dự án đầu tư vào các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi Covid, hay đầu tư tương lai thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ.
3. Cứu người nghèo: bằng cách phát tiền trực tiếp. Cứ đưa xuống tổ dân phố mà phát công khai, tự người dân sẽ quyết ai nhận, ai không?
Hãy làm cho đơn giản và nhanh chóng thay vì cứ bàn mãi hoặc đặt ra nhiều điều kiện quá. Khi đó có muốn cứu cũng không được hoặc tốn nhiều tiền hơn".
Đồng tình với quan điểm giảm bớt điều kiện được nhận hỗ trợ, bạn đọc Antony bổ sung thêm: "Hiện nay, thông tin về số lượng người lao động, doanh thu, hoàn toàn do doanh nghiệp khai báo, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất nên để xác định đúng đối tượng được hưởng trợ cấp mất nhiều thời gian. Cần có quy định để hỗ trợ nhanh đến với doanh nghiệp. Song song với đó, cũng phải quy định hình phạt thật nghiêm khi hậu kiểm để ngăn ngừa các doanh nghiệp gian dối, trục lợi chính sách".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.