"Mỗi tháng hơn 9.000 doanh nghiệp đóng cửa", trong đó phần lớn có quy mô vốn nhỏ và thời gian hoạt động ngắn, nhiều độc giả VnExpress là chủ các doanh nghiệp nhỏ cũng có cùng tâm trạng lo lắng:
Công ty của gia đình tôi hoạt động từ năm 1997, vốn bỏ ra kinh doanh khoảng 50 tỷ, với hơn 30 lao động... cũng đang trải qua những tháng ngày khốn khó. Hàng tồn kho lên tới vài tỷ, máy móc thiết bị, nhà xưởng cũng vài tỷ đang phải đắp chiếu mà vẫn phải thường xuyên bảo dưỡng. Trong khi đó, công nhân không có việc làm, chủ cũng đành nằm chờ vì khan hàng mấy tháng rồi. Cũng may tôi đã trả nợ hết ngân hàng nên không phải chịu áp lực quá lớn, nhưng thiệt hại vẫn là không nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ đã quá mệt mỏi rồi.
Tôi cũng đang là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Tiền lương hàng tháng cho nhân viên, tiền bảo hiểm xã hội, chi phí thuê mặt bằng, khấu hao... đang khiến tôi đau đầu. Trong khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lưu thông hàng hóa giảm mạnh, các dịch vụ cung ứng hỗ trợ chuỗi logistic cũng đều ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chúng tôi thành lập doanh nghiệp chỉ vì một lý do duy nhất là kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận, nói trắng ra là kiếm thêm tiền. Các doanh nghiệp mới thành lập ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, số vốn ít. Một số xuất phát từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, vì mong muốn phát triển thêm, cần thành lập doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân.
Nhưng bất cứ với lý do nào cũng đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình thành lập doanh nghiệp, hoạch định kinh doanh và kết quả kinh doanh. Một doanh nghiệp vừa mới thành lập, vốn ít, lại gặp quá nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan mang lại: dịch bệnh, khách hàng giảm sút, doanh thu sụt giảm, chi phí cố định vẫn giữ nguyên... thì chỉ có một số kết quả như sau:
- Có vốn, cố gắng duy trì, chờ cơ hội thị trường phục hồi.
- Tạm dừng hoạt động có thời hạn.
- Giải thể doanh nghiệp.
>> Những việc cần làm ngay để phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung, nhiều ý kiến cho rằng:
Nếu mỗi doanh nghiệp nhỏ khi hoạt động cũng giúp tạo công việc làm 2-3 người ban đầu, thì nhiều doanh nghiệp cũng sẽ tốt cho xã hội. Từ hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ ban đầu, chỉ cần sau chục năm, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của những tập đoàn kinh tế lớn của đất nước như FPT, Kinh Đô, Hoà Phát... giúp biết bao cơ hội việc làm, thu nhập, tiền nội thuế cho đất nước.
Công ty lớn sản xuất hàng hóa nhờ các kênh phân phối nhỏ lẻ để tiêu thụ mới đến được tay người tiêu dùng. Nay những doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, đóng cửa do dịch bệnh, thì những doanh nghiệp lớn cũng sẽ dần dần gặp khó khăn và chịu chung số phận.
Đánh giá về hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh tế, nhiều người cho rằng giải pháp cần ưu tiên nhất thời điểm này là 'vaccine' giúp các doanh nghiệp nhỏ vượt qua khó khăn mùa dịch:
Bản chất của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ. Lúc khó khăn, những doanh nghiệp này sẽ chết đầu tiên vì hoàn toàn không tiếp xúc được với bất cứ nguồn hỗ trợ nào. Nói doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng với lượng doanh nghiệp như vậy đã tạo biết bao nhiêu công ăn việc làm cho xã hội và đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Thật đáng tiếc khi sự ưu ái vẫn đang dành phần nhiều cho các doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ lại ít được quan tâm.
Tất cả các nước trên thế giới đều ưu tiên hỗ trợ phát triển SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) vì nhiều lý do: sử dụng nhiều lao động phổ thông, tạo ra công ăn việc làm ở các địa phương nhỏ, xa trung tâm kinh tế... Nói tóm lại, đây là những hạt giống của nền kinh tế.
Chúng ta đa không có chính sách hỗ trợ cho dân và doanh nghiệp nhỏ. Với gói hỗ trợ đợt trước, thủ tục nhận hỗ trợ quá rườm rà và chây ỳ triển khai khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận. Tình trạng thất nghiệp và đóng cửa doanh nghiệp thời gian tới sẽ còn cao hơn nếu vấn đề này không được cải thiện.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.