Gần hai năm Covid-19 hoành hành, ngành công nghiệp vaccine phát triển bùng nổ. Việc thử nghiệm và tiêm chủng diễn ra với tốc độ chưa từng có để chống lại đại dịch. Thế giới thu được các thành công bước đầu, có nhiều loại vaccine an toàn và hiệu quả, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, từ khâu bảo quản, phân phối đến thái độ do dự của người dân. Virus biến thể, các ca nhiễm đột phá và miễn dịch dần suy yếu khoảng 6 tháng sau tiêm cũng ảnh hưởng đến thành tựu chống dịch chung của cộng đồng.
Các chuyên gia khắp thế giới lường trước những thách thức đó và đang nghiên cứu thế hệ vaccine Covid-19 tiếp theo, khắc phục điểm yếu của các loại vaccine ra mắt giai đoạn đầu.
Điều chỉnh vaccine Covid-19 hiện tại
Sau khi tiêm chủng cho hàng trăm triệu người, các nhà khoa học hiểu được ưu thế và điểm yếu của vaccine. Khi đủ dữ liệu, họ có thể đề xuất điều chỉnh lại liều lượng, thời gian giữa các mũi tiêm, kết hợp các loại vaccine khác nhau để tăng hiệu quả bảo vệ.
Cách khác để cải thiện tình trạng suy giảm miễn dịch là tiêm thêm liều vaccine hoàn toàn mới, thiết kế dành riêng cho mục đích củng cố hàng rào bảo vệ sau những liều đầu tiên. Một loại vaccine tiềm năng là Valneva (liên doanh của Pháp và Áo). Kết quả ban đầu cho thấy vaccine giúp tăng cường miễn dịch nếu tiêm kết hợp với AstraZeneca.
Vaccine dễ dùng hơn
Dựa trên kết quả triển khai vaccine, các chuyên gia nhận định việc tiêm chủng hàng loạt trong thời gian ngắn không hề đơn giản. Trong giai đoạn tiếp theo của đại dịch, các nhà khoa học hướng tới việc phát triển các loại vaccine đơn giản, dễ sử dụng hơn. Phương pháp lý tưởng là tiêm chủng không dùng bơm kim tiêm.
Ứng viên tiềm năng là miếng dán nano, với vaccine phủ trên các gai nhỏ, dễ dàng thâm nhập vào cơ thể người. Miếng dán ngoài da bơm vaccine đến tế bào miễn dịch nằm ngay dưới lớp biểu bì. Đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm dạng này là hãng dược Vaxxas và các nhà nghiên cứu ở Queensland. Theo thử nghiệm tiền lâm sàng (trên động vật), vaccine giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống Covid-19. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu ở người.
Phương án khác là vaccine dạng xịt, phun sương qua đường mũi hoặc hít họng. Vaccine sử dụng dễ dàng, có thể xây dựng hàng rào miễn dịch ở đúng vị trí trong cơ thể. Thông thường, Covid-19 chủ yếu lây nhiễm thông qua lớp niêm mạc mũi, miệng, cổ họng rồi tấn công phổi. Các loại vaccine hiện tại được tiêm bắp, giúp sinh kháng thể trong máu và mô. Kháng thể sau đó mới di chuyển đến lớp niêm mạc. Xịt vaccine trực tiếp vào mũi hoặc họng có thể giúp ngăn ngừa virus một cách nhanh chóng hơn, đồng thời hiệu quả chặn đứng lây nhiễm ngay từ đầu.
AstraZeneca đang thử nghiệm vaccine dạng xịt mũi. Nghiên cứu giai đoạn đầu có tối đa 54 tình nguyện viên trưởng thành, khỏe mạnh tham gia. Mục tiêu là phân tích khả năng dung nạp, khả năng sinh miễn dịch ở người.
Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và Công ty CanSino Biologics hôm 2/8 cũng cho biết vaccine dạng hít Ad5-nCoV của nước này có tác dụng ngang dạng tiêm, dù liều lượng chỉ bằng một nửa. Vaccine giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch mà không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Nga cũng dự kiến thử nghiệm Sputnik V dạng xịt mũi trên các tình nguyện viên trưởng thành nhằm kiềm chế số ca nhiễm và tử vong.
Nếu cần tiêm chủng Covid-19 hàng năm, các loại vaccine mới này sẽ giải quyết gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế, phù hợp phân phối chung với vaccine cúm mùa.
Vaccine duy trì hiệu quả lâu hơn, chống nhiều biến thể
Khả năng miễn dịch của một số người lớn tuổi, có bệnh nền bị suy giảm khoảng 6 tháng sau liều vaccine thứ hai. Thế hệ vaccine Covid-19 tiếp theo được kỳ vọng tạo miễn dịch bền vững, ổn định hơn trong các cộng đồng dễ tổn thương. Đây sẽ là sự thay đổi lớn đối với cuộc chiến chống dịch.
Các nhà khoa học cần tạo ra những loại vaccine hoàn toàn mới. Các vaccine tiểu đơn vị protein, nhắm mục tiêu tấn công protein tinh khiết từ bề mặt virus, vẫn hiệu quả với Covid-19. Một trong số đó là Novavax. Tuy nhiên, nhiều loại vaccine tiểu phân tử khác cần tiêm liều bổ trợ để tăng cường miễn dịch.
Vaccine hiện có đều sử dụng thành phần từ chủng nCoV ban đầu để đào tạo hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt virus. Chúng hiệu quả với Delta vì biến thể này còn khá gần gũi với chủng nguyên bản. Nhưng trong tương lai, virus có thể biến đổi xa hơn, khiến hệ miễn dịch khó nhận ra hơn dù đã tiêm vaccine từ tước.
Giới khoa học có thể chế tạo vaccine thế hệ tiếp theo dựa trên các biến thể virus mới. Một số vaccine nhắm vào tiêu diệt biến thể Beta. Các thử nghiệm với biến thể Beta diễn ra trong thời gian ngắn, để kịp thời điều chỉnh vaccine nếu cần.
Vaccine Valneva cũng được cho là có khả năng tạo phản ứng miễn dịch rộng rãi hơn đối với các chủng virus nCoV khác nhau, bao gồm các biến chủng sẽ xuất hiện trong tương lai. Giới khoa học kỳ vọng công nghệ vaccine này sẽ có khả năng bảo vệ lâu hơn, thay vì phải điều chỉnh trước các chủng virus mới.
Mục tiêu tham vọng hơn là tạo ra loại vaccine dành cho tất cả chủng virus corona. Vaccine này được kỳ vọng sẽ bảo vệ loài người khỏi tất cả mầm bệnh họ hàng của SARS, MERS hay Covid-19 sau này.
Thục Linh (Theo Conversation, Science, Clinical Trial)