Những ngày gần đây, dù đã qua giờ cao điểm, hàng trăm ôtô vẫn nối đuôi nhau kéo dài gần 3 km ở đường vành đai 3 trên cao theo hướng từ nút giao Pháp Vân về ngã tư Nguyễn Trãi (Hà Nội). Nhiều xe tải, xe khách từ 16 chỗ trở lên nhích từng cm trong làn khẩn cấp.
"Chôn chân" ở đoạn ùn tắc gần 30 phút, tài xế Nguyễn Tấn Trung ở Hoàng Mai thường xuyên đi làm qua đường vành đai 3 phản ánh "tình trạng này xảy ra như cơm bữa, như hôm nay (8/12) tắc từ ngã từ Nguyễn Trãi đến Kim Văn, Kim Lũ là còn ít nghiêm trọng, nhiều hôm tắc kéo dài tới Pháp Vân".
Tình trạng ùn tắc kéo dài khiến hành trình hơn 18 km từ Yên Sở (Hoàng Mai) đến Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) của tài xế Trung mất khoảng một tiếng, trong khi đây là tuyến đường cho phép ôtô chạy tối đa 80 km/h.
Vào giờ tan tầm buổi chiều, theo hướng từ trung tâm Hà Nội đi cầu Thanh Trì, tình trạng ùn tắc ở đường vành đai 3 trên cao nghiêm trọng hơn, phần lớn do xung đột ở các điểm lên cầu như nút giao Trung Hòa, Nguyễn Trãi...
Theo nhiều tài xế, ùn tắc triền miên trên tuyến đường này do mật độ phương tiện lưu thông cùng hướng quá lớn, trong khi đó nhiều xe tải trọng lớn, xe khách đi vào giờ cao điểm rồi xuống các nút giao không tuân thủ làn đường, đón, trả khách trên cầu khiến xảy ra xung đột giao thông, dồn ứ.
Trung tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng Hướng dẫn điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Cục Cảnh sát giao thông), cũng cho rằng áp lực rất lớn lên tuyến vành đai 3 do tốc độ đô thị hóa, nhà chung cư cao tầng mọc dày đặc hai bên; trong khi đó bến xe Mỹ Đình nằm sát đường trên cao nên lượng lớn xe khách từ các tỉnh đi vào trung tâm đã chọn tuyến đường này.
"Việc phân luồng cho xe tải trọng lớn, xe khách đi vào đường vành đai 3 cả trong khung giờ cao điểm, lên xuống các nút giao, khiến tuyến đường này càng trở nên quá tải", Trung tá Hòa nói.
Một nguyên nhân khác là những năm gần đây, nhiều bộ ngành từ trung tâm chuyển trụ sở về các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, nằm ở gần đường vành đai 3, nên mật độ phương tiện ở khu vực này tăng cao.
Gần đây Ban Duy tu (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đã dùng máy đếm xe, qua đó cho thấy mật độ lưu thông phương tiện trên vành đai 3 khoảng 5.000 lượt mỗi giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn. "Đây là nguyên nhân khiến tuyến đường này ùn tắc và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông", đại diện Ban Duy tu đánh giá.
Ban Duy tu đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các đơn vị chức năng giảm tốc độ khai thác của đường vành đai 3 trên cao, đoạn từ nút giao Pháp Vân đến cầu vượt Mai Dịch và ngược lại, từ 80 km/giờ xuống 60 km/giờ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc.
"Chúng tôi đang thống nhất với Công an thành phố và Cục Cảnh sát giao thông để đưa ra phương án tốt nhất trước khi báo cáo lãnh đạo thành phố", ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội nói.
Tuy nhiên, đại diện Cục CSGT cho rằng đề xuất giảm tốc độ xe chạy trên vành đai 3 không cần thiết và "không giải quyết được tận gốc vấn đề", vì với tình trạng nhiều xe tải trọng lớn dàn hàng ngang đi trên đường thì các phương tiện khác không thể đi nổi.
Trung tá Lê Quang Hòa cho rằng giải pháp trước mắt là Hà Nội phân luồng từ xa để cấm hoặc hạn chế phương tiện tải trọng lớn, xe container đi vào đường trên cao từ các hướng. Đơn cử, xe từ Hà Nam đi Thái Nguyên thì phân luồng đi vào Hưng Yên rồi qua quốc lộ 5 và cầu Đông Trù hoặc đi theo hướng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, không cho đi vào trung tâm thành phố như hiện nay.
Trong trường hợp Hà Nội vẫn cho phương tiện tải trọng lớn đi vào vành đai 3, cơ quan chức năng nên quy định theo khung giờ, chỉ cho các loại xe này đi vào giờ ban đêm, sáng sớm, cấm vào giờ cao điểm.
"Về lâu dài Hà Nội cần đầu tư, hoàn thiện hệ thống đường vành đai, nhất là vành đai 4, khu vực quận Hà Đông và các huyện vùng ngoại thành để giảm tải áp lực cho vành đai 3", Trung tá Hòa nói.
Đường Vành đai 3 trên cao dài hơn 10 km có điểm đầu từ nút giao Pháp Vân, Hoàng Mai và điểm cuối tại cầu Mai Dịch, Cầu Giấy. Tuyến đường được thiết kế chuẩn cao tốc có ba làn xe mỗi bên, trong đó có một làn khẩn cấp, được đưa vào hoạt động 10 năm qua.
Thời điểm khánh thành năm 2010, đường vành đai 3 trên cao khá thông thoáng, ôtô được phép chạy tối đa 90 km/h. Nhiều năm sau do đường xuống cấp, lưu lượng phương tiện đông, Hà Nội đã điều chỉnh giảm còn 80 km/h. Thay vì hai bên đường chỉ có vài tòa chung cư cao tầng, sau 10 năm trục vành đai này có hàng chục tòa chung cư, cao ốc mọc lên.