Những ngày gần Tết trên xa lộ Hà Nội, dòng xe dày đặc trên đoạn dài khoảng 4 km từ ngã tư Thủ Đức đến gần cầu Rạch Chiếc do nhu cầu tăng cao giao nhận hàng tại cảng Trường Thọ (TP Thủ Đức). Căng thẳng nhất hôm 5/2, kẹt xe kéo dài từ rạng sáng đến trưa, làm hàng nghìn người trễ giờ, hàng hoá ách tắc. Các nút giao Thủ Đức, Bình Thái, Tây Hoà... dòng xe kín mặt đường. Ôtô nhích từng chút trong khi hàng trăm xe máy chen nhau từng khoảng hở suốt nhiều giờ.
"Từ đêm đã kẹt nhưng đến sáng nghiêm trọng hơn do xe bắt đầu tăng cao ra vào trung tâm Sài Gòn. Bình thường chạy 3 chuyến hàng, nhưng tắc đường khiến cả ngày chỉ được một chuyến do xe không quay đầu kịp", anh Thế Kiên, tài xế xe container nói.
Lượng container, xe tải... trên xa lộ Hà Nội ra vào cảng Trường Thọ chủ yếu từ các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn TP Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai... Cụm cảng này là nơi tập trung nhiều cảng thuỷ nội địa như Trường Thọ, Transimex, Tây Nam, Phúc Long... Hàng vận chuyển về đây phần lớn bằng đường bộ, sau đó trung chuyển qua các nơi khác. Do lượng xe tăng cao dịp cuối năm, nhiều thời điểm xếp hàng dài trên đường Số 1 vào cảng rồi lấn ra xa lộ Hà Nội, làm các hướng đi phía ngoài bị dồn ứ.
Xếp hàng gần 30 phút trên đường Số 1 chờ vào cảng chiều 8/2 (27 tháng Chạp), tài xế Văn Thanh (ngụ Bình Dương) nói dịp Tết năm nay, ảnh hưởng Covid-19 nên việc giao nhận hàng phần nào giảm hơn năm ngoái. "Nhưng kẹt xe ở khu vực này vẫn thường xuyên, nhất là những ngày thứ 5, thứ 6 trong tuần. Có hôm kẹt từ cầu Rạch Chiếc về đến nút giao Trạm 2, xe xếp hàng dài hơn 6 km", anh Thanh nói và cho biết ùn tắc khiến hành trình gần 15 km từ Biên Hoà (Đồng Nai) đến khu vực này, có hôm anh mất hơn 4 giờ.
Cách đó gần 8 km tại cảng Cát Lái, nhiều tuyến xung quanh như Võ Chí Công, cầu Phú Mỹ, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống... mật độ xe liên tục tăng cao những ngày qua. Khu vực này là một trong những nơi có tình hình giao thông phức tạp nhất TP HCM và căng thẳng những ngày cuối năm. Trong đó đường Nguyễn Thị Định đoạn từ nút giao Mỹ Thuỷ tới cảng Cát Lái, xe tải, container... luôn dày đặc do đây là tuyến độc đạo ra vào cảng. Kẹt ở khu vực làm xe ở cầu Phú Mỹ và đường Võ Chí Công ở gần đó nối đuôi kéo dài.
Một số tài xế cho biết ngoài nhu cầu giao nhận hàng lớn những ngày cuối năm, hiện giáp Tết người dân đang dồn vào đường Nguyễn Thị Định qua phà Cát Lái về Đồng Nai, càng làm áp lực giao thông gia tăng.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá TP HCM Bùi Văn Quản nói kẹt xe quanh các cảng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp do cuối năm nhu cầu giao thương hàng hoá cao, đặc biệt trong tình hình muốn phục hồi do ảnh hưởng dịch bệnh cả năm qua. "Kẹt xe cũng đồng nghĩa với kẹt hàng nên thay vì chạy 3-4 chuyến mỗi ngày thì chỉ được một. Điều này không chỉ ảnh hưởng kinh doanh mà còn phát sinh nhiều chi phí khác", ông Quản nói nhưng cũng thừa nhận tình trạng này khó tránh bởi hầu hết đường xung quanh các cảng tại TP HCM đều đã quá tải.
Đại diện Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP HCM cho biết tại khu vực này hiện có tổ phản ứng nhanh với sự phối hợp của nhiều bên. Tổ này trao đổi và thảo luận công việc thông qua Viber, Facebook, Zalo... Khi có sự cố lập tức họp bàn đưa ra phương án xử lý. "Hiện, 6 đường xung quanh cảng liên tục được cập nhật tình hình giao thông cũng như đánh giá mức độ phức tạp từng tuyến để lên phương án điều tiết", đại diện PC08 nói nhưng cho biết ùn ứ vẫn diễn ra ở đường Nguyễn Thị Định và Võ Chí Công do quá đông xe. Dự kiến sau Tết, cầu Mỹ Thủy 3 thuộc dự án nút giao Mỹ Thuỷ đưa vào khai thác giúp cải thiện ùn tắc tại đây.
Tại cảng Trường Thọ, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hoà An cho rằng áp lực giao thông ngày càng cao không chỉ dịp Tết mà cả ngày thường do nhu cầu vận chuyển hàng liên tục tăng. Hiện, Sở Giao thông Vận tải cùng nhiều đơn vị đã thống nhất quy chế phối hợp giải quyết tình trạng kẹt xe cho khu vực. Các bên cũng vừa thành lập nhóm phản ứng nhanh hồi cuối năm 2020 nhằm chủ động xử lý tình huống phát sinh ở khu cảng này.
Định kỳ hàng tuần và tháng, phía cảng Trường Thọ được yêu cầu lên kế hoạch chi tiết bao gồm dự kiến lượng tàu, container qua cảng; giảm thủ tục, thời gian cho xe giao nhận hàng. Các bên cũng tăng cường xử lý xe dừng đậu, cập nhật và điều phối giao thông qua camera... Ngoài ra, kịch bản như phát sinh sự cố ở đường vào cảng, xe tăng đột biến giao nhận hàng cũng được xây dựng để chủ động ứng phó.
HĐND TP HCM hồi cuối năm 2020 thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn, áp dụng từ đầu tháng 7 năm nay, kỳ vọng mỗi năm thu hơn 3.000 tỷ đồng ưu tiên đầu tư hệ thống đường quanh các cảng. Nhiều năm qua, hệ thống cảng ở thành phố bị "khống chế" năng lực khai thác do hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh.