"Các sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tiêu diệt đối phương ở những điểm nóng nhất và làm mọi cách để giành lại lãnh thổ càng sớm càng tốt. Việc phá hủy cầu Crimea là một trong những thành tựu của chúng tôi", lãnh đạo SBU Vasyl Malyuk tuyên bố ngày 26/7, nhân dịp phát hành một con tem kỷ niệm ngày thành lập lực lượng này.
Ông Malyuk cho biết SBU đang triển khai nhiều hoạt động đặc biệt khác nhau, nhưng sẽ không công bố chi tiết từng chiến dịch cho đến khi "chúng tôi giành thắng lợi". Tuy nhiên, ông thừa nhận vai trò của SBU trong vụ tấn công cầu Crimea.
"Đồng nghiệp của tôi hôm nay mặc một chiếc áo phông có hình ảnh liên quan đến sự kiện. Đây là một trong những chiến dịch mà chúng tôi đã thực hiện, có tên là phá hủy cầu Crimea ngày 8/10/2022", ông nói.
Đây là lần đầu tiên SBU thừa nhận liên quan đến vụ nổ trên cầu Crimea năm ngoái, khiến hai nhịp cầu trên làn đường bộ bị sập và 5 người thiệt mạng. Vụ nổ được cho là do một quả bom gài trong thùng xe tải gây ra khi di chuyển trên cầu.
Các quan chức Ukraine từng nhiều lần phủ nhận thực hiện vụ nổ cầu Crimea năm ngoái, thậm chí cho rằng Nga liên quan vụ nổ. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo bắt 8 người "tham gia quá trình chuẩn bị" vụ tấn công này.
Cầu Crimea, còn gọi là cầu Kerch, có chiều dài 19 km, bắc qua eo biển Kerch và nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar của Nga. Công trình được khởi công vào tháng 2/2016, hai năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, gồm cầu đường bộ khánh thành tháng 4/2018 và cầu đường sắt hoạt động tháng 12/2019.
Vụ tấn công gần nhất nhằm vào cầu Crimea xảy ra ngày 17/7 khiến một nhịp trên làn đường bộ bị sập, hai người thiệt mạng và một người bị thương. Nga cáo buộc đây là "hành vi khủng bố" của Ukraine và cảnh báo "đáp trả thích đáng".
Cùng ngày, quan chức Ukraine cho biết cầu Crimea bị tập kích bằng xuồng tự sát. Truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin tại SBU cho biết vụ tập kích là chiến dịch đặc biệt của cơ quan này và hải quân Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)