"Tất cả dấu hiệu cho thấy điều đáng chú ý là xe tải phát nổ đi vào cây cầu từ phía Nga. Vì vậy, nên tìm câu trả lời ở Nga", Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm nay cho hay.
Podolyak trước đó trong ngày đăng Twitter rằng vụ đánh bom cầu Crimea "chỉ là bắt đầu" cùng bức ảnh đám cháy lớn trên toa tàu chở nhiên liệu ở một làn cầu Crimea, trong khi ở làn cầu còn lại, một nhịp cầu bị sập xuống biển.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Konstantinov cáo buộc Ukraine đứng sau sự việc. "Trong 23 năm hoạt động kinh tế, họ không xây được bất cứ thứ gì đáng chú ý ở Crimea, nhưng giờ họ có điều gì đó để tự hào rồi. Họ đã tìm cách phá hủy cây cầu mà Nga đã xây", quan chức này cho hay.

Nhân viên Uỷ ban Điều tra Quốc gia Nga làm việc tại hiện trường vụ nổ trên cầu Crimea ngày 8/10. Ảnh: AFP.
Cây cầu dài gần 20 km nối liền hai bờ eo biển Kerch, giữa vùng Krasnodar của Nga và bán đảo Crimea, thiệt hại nghiêm trọng sau vụ nổ lớn vào rạng sáng 8/10.
Giới chức Nga cho biết bom được cài trong xe tải chở hàng và được kích hoạt khi đang xe di chuyển trên cầu rạng sáng 8/10. Hai làn đường bị hư hại và 7 toa chở dầu trên đoàn tàu đang di chuyển đến Crimea đã bốc cháy. Ít nhất ba người thiệt mạng trong vụ nổ.
Nga tạm thời phong tỏa giao thông hai chiều qua cầu Crimea, gồm cả tuyến dành cho ôtô và tuyến đường sắt sau vụ nổ. Lãnh đạo Crimea Sergei Aksyonov sau đó thông báo xe hơi và xe buýt đã có thể lưu thông trở lại trên cầu, song phải trải qua "quy trình kiểm tra đầy đủ". Xe tải chưa được phép lưu thông trên cầu Crimea và tài xế xe tải được yêu cầu sử dụng phà để qua eo biển Kerch.
Vài giờ sau, Grand Service Express, công ty điều hành các dịch vụ giao thông vận tải giữa Crimea và Nga, cho biết hoạt động đường sắt cũng đã được khôi phục với hai chuyến tàu rời bán đảo lúc chiều tối để đến Moskva và Saint Petersburg.
Ủy ban Điều tra Nga đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ nổ. Tổng thống Vladimir Putin chỉ thị thành lập ủy ban chính phủ liên quan tình trạng khẩn cấp trên cầu Crimea, bao gồm người đứng đầu vùng Krasnodar, lãnh đạo bán đảo Crimea, đại diện Vệ binh Quốc gia, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Bộ Nội vụ.
Trong sắc lệnh được ban bố sau vụ nổ, ông Putin yêu cầu FSB tăng cường các biện pháp bảo vệ cầu Crimea, đồng thời đảm bảo nguồn cung điện và khí đốt tự nhiên cho bán đảo.
Cầu vượt qua eo biển Kerch được khởi công năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam nước láng giềng.

Vị trí vụ nổ ngày 8/10 trên cầu Crimea, nối liền hai bờ eo biển Kerch giữa bán đảo Crimea và lãnh thổ đất liền Nga. Đồ họa: Guardian.
Huyền Lê (Theo AFP, RT, Reuters)