Các quan chức Mỹ ngày 3/10 nói với CNN rằng nước này đang được chính phủ Ukraine cung cấp danh sách các mục tiêu dự kiến nhằm thuyết phục Washington chuyển Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) cho Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS).
Trong số các mục tiêu Ukraine liệt kê có các tuyến hậu cần, trận địa phòng không và căn cứ của Nga ở xa hơn sau chiến tuyến, kho đạn ở miền đông và miền nam Ukraine lẫn bán đảo Crimea. Ukraine thường xuyên sử dụng HIMARS phóng rocket có tầm bắn 80 km vào những mục tiêu này.
Tên lửa ATACMS có khả năng bắn trúng mục tiêu cách 300 km, gấp gần 4 lần so với rocket mà Mỹ đã chuyển cho Ukraine. Mỹ trong nhiều tháng từ chối chuyển tên lửa ATACMS do lo ngại Ukraine tập kích sâu vào trong lãnh thổ Nga, có thể làm chiến sự leo thang và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng Ukraine "đang làm tốt" với pháo HIMARS dùng rocket hiện tại, đồng thời gần đây thông báo sẽ tài trợ thêm 18 tổ hợp.
Giới chức Ukraine khẳng định "sẵn sàng cởi mở" để xoa dịu lo ngại. "Về cơ bản, chúng tôi mô tả chính xác các mục tiêu cụ thể mà chúng tôi cần tập kích nhưng không thể bắn tới với vũ khí hiện có", một quan chức Ukraine cấp cho biết. "Các mục tiêu đó rõ ràng và không thay đổi".
Một nguồn tin tại Mỹ cho biết Ukraine kỳ vọng tên lửa ATACMS cho phép họ tập kích sâu hơn vào Crimea, nhằm vào những khu vực máy bay không người lái (UAV) của Nga cất cánh, điều mà Ukraine chưa làm được. Nga được cho là mua UAV của Iran để dùng tại Ukraine, song cả Moskva và Tehran bác thông tin này.
Dù hối thúc Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS, các quan chức Ukraine cũng bác lo ngại từ Washington rằng họ sẽ tập kích lãnh thổ Nga. Họ tuyên bố Ukraine không dùng HIMARS tấn công vào lãnh thổ Nga dù trong nhiều trường hợp có thể làm vậy.
"Chúng tôi đảm bảo rằng sẽ không dùng HIMARS làm điều đó", quan chức Ukraine cho biết. "Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ Mỹ phải vượt qua rào cản tâm lý và chấp thuận chuyển giao tên lửa ATACMS".
Một quan chức Mỹ khẳng định chính quyền Tổng thống Biden không loại trừ khả năng gửi ATACMS cho Ukraine, song đánh giá điều này "mang lại lợi ích thấp và rủi ro cao".
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Hệ thống HIMARS chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 80-90 km. Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 16 tổ hợp HIMARS cùng lượng rocket không được công bố chi tiết.
Mỹ đang là bên hỗ trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với nhiều khí tài hạng nặng hiện đại, trong đó có hệ thống pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 và máy bay không người lái chiến đấu. Hồi đầu tháng 9, Nhà Trắng đề nghị quốc hội phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào đầu năm 2023.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)