Hôm 7/5, một nhân viên y tế tại An Giang đã tử vong do sốc phản vệ sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca.
Trên thế giới, Anh là quốc gia có nhiều người tiêm vaccine AstraZeneca nhất, với 22,6 triệu người được tiêm liều đầu tiên và 5,9 triệu người tiêm đầy đủ, tính đến ngày 28/4.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thuốc và các Sản phẩm Y tế Anh (MHRA), 590 người sốc phản vệ sau tiêm vaccine AstraZeneca, tỷ lệ khoảng 26 trên mỗi 1 triệu người. 283 ca sốc phản vệ sau tiêm vaccine Pfizer-BioNTech, tỷ lệ 5 trên một triệu người; hai ca dị ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine Moderna, tỷ lệ 2 trên một triệu người. MHRA cho biết hiện tượng sốc phản vệ xuất hiện sau khi tiêm các vaccine Covid-19 nhìn chung rất hiếm, nhấn mạnh lợi ích cao hơn rủi ro.
Theo CDC Mỹ, các triệu chứng sốc phản vệ xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Hệ miễn dịch sản xuất nhiều kháng thể đặc hiệu để chống lại những chất lạ đối với cơ thể. Trong hầu hết trường hợp, cơ thể không phản ứng với quá trình sinh kháng thể này. Tuy nhiên, một số người có hệ miễn dịch phản ứng thái quá, dẫn đến các hiện tượng dị ứng, sốc phản vệ. Các tác nhân chủ yếu gây ra hiện tượng này bao gồm thuốc, đậu phộng (lạc), hải sản, sữa, nọc côn trùng...
CDC khuyến cáo người đi tiêm phòng nên đợi để theo dõi phản ứng phụ sau khi tiêm. Đối với những người có tiền sử sốc phản vệ hoặc dị ứng với vaccine cũng như các loại thuốc tiêm, thời gian theo dõi tối thiểu là 30 phút. Trong khi đó, người bình thường chỉ cần chờ 15 phút. Thời gian quan sát có thể lâu hơn, dựa trên tình trạng sức khỏe của từng cá nhân. Ví dụ, nếu một người bị ngứa và sưng ở vị trí tiêm, thời gian theo dõi có thể được kéo dài.
Chẩn đoán sốc phản vệ chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng bao gồm:
- Hô hấp: cổ họng nghẹn, khó thở, thở khò khè, khàn giọng, khó nuốt, chảy nước dãi, nghẹt mũi, hắt hơi
- Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng
- Tim mạch: chóng mặt, ngất xỉu, nhịp tim nhanh bất thường, hạ huyết áp bất thường, mạch yếu, da tái nhợt hoặc đỏ bừng
- Da: nổi mề đay toàn thân, mẩn đỏ lan rộng gây ngứa, viêm kết mạc hoặc sưng mắt, môi, lưỡi, miệng, mặt hay tứ chi
- Thần kinh: kích động, co giật, thay đổi trạng thái tâm lý đột ngột, lo sợ
- Khác: tiết nhiều dịch từ mắt, mũi hoặc miệng, đi tiểu không tự chủ
Các triệu chứng của sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng 15-30 phút hoặc vài giờ sau khi tiêm phòng. Các dấu hiệu ban đầu có thể giống với phản ứng dị ứng nhẹ. Dự đoán sốc phản vệ dựa trên các triệu chứng nhẹ này không phải việc dễ dàng. Không phải bệnh nhân nào cũng có những biểu hiện kể trên. Do đó, nếu nghi ngờ người tiêm phòng bị sốc phản vệ, cần nhanh chóng kiểm tra đường thở, nhịp thở, tuần hoàn và ý thức của bệnh nhân, đặt người đó ở tư thế nằm ngửa, kê cao chân (trừ khi bệnh nhân bị nôn hoặc tắc nghẽn đường hô hấp trên) và gọi ngay cấp cứu.
Ngoài ra, thuốc andrenaline cần được sử dụng ngay lập tức, có thể tiêm các mũi cách nhau 5-15 phút nếu triệu chứng không cải thiện hoặc tái phát trong khi chờ cấp cứu. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn để người được tiêm có thể theo dõi tại nhà. Vì sốc phản vệ có thể tái phát sau khi các triệu chứng chấm dứt, người bệnh cần được theo dõi thêm tại cơ sở y tế ít nhất bốn giờ. Nếu có biểu hiện sốc phản vệ sau khi tiêm liều đầu tiên, người dân sẽ được khuyên không nên thực hiện liều còn lại.
Mai Dung (Theo CDC Mỹ, Gov.Uk)