Ông được người nhà đưa vào khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, ngày 15/1 trong tình trạng ho, khó thở, chẩn đoán phổi tắc nghẹn mạn tính (COPD). Ông điều trị tại khoa Nội hô hấp - Cơ xương khớp - da liễu, sau khi tiêm thuốc xuất hiện các triệu chứng sốc phản vệ nặng như khó thở tím tái, tụt huyết áp, nhanh chóng ngừng tim, ngừng thở.
Các bác sĩ xử trí theo phác đồ cấp cứu phản vệ. Khi tim đập trở lại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở máy, toan chuyển hóa nặng, phụ thuộc thuốc trợ tim, vận mạch liều cao, lọc máu liên tục.
Sau hơn 4 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã tỉnh, cai máy thở, hết lọc máu.
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, bị ong đốt hoặc ăn một loại thức ăn lạ. Các hình thức đưa thuốc vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt... đều có thể gây sốc phản vệ. Tuy nhiên đường tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Các loại thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, là nguyên nhân chính gây sốc phản vệ.
Sốc phản vệ cần được xử trí nhanh, kịp thời, đúng cách vì bệnh nhân dễ tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.
Mọi người đều có khả năng phản vệ, nhất là người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên, mắc các bệnh lý viêm da, viêm mũi dị ứng. Khi có biểu hiện dị ứng sau khi tiếp xúc với các dị nguyên, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Long Nhật