Quân đội Ukraine ngày 28/5 thông báo bắn hạ 58 trong số 59 máy bay không người lái (UAV) tự sát kiểu Shahed mà Nga sử dụng trong đợt tập kích quy mô lớn đêm 27/5. Đây được coi là đợt tấn công lớn kỷ lục bằng mẫu UAV do Iran sản xuất mà Nga thực hiện từ đầu chiến sự tới nay.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian hồi tháng 11/2022 thừa nhận nước này đã chuyển một "lượng nhỏ" UAV cho Nga, nhưng hoạt động này hoàn tất vài tháng trước khi chiến sự nổ ra. Tuy nhiên, Ukraine trong nhiều tháng sau đó liên tục thông báo bắn hạ hàng trăm UAV kiểu Shahed được sử dụng trong các cuộc tập kích cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này.
Hai quan chức cấp cao Iran cũng nói với Reuters rằng nước này đã cam kết chuyển giao thêm tên lửa và UAV cho Nga, khi Phó tổng thống Mohammad Mokhber thăm Moskva hồi tháng 10/2022.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định khi Nga và Iran ngày càng tăng cường hợp tác, tuyến đường qua biển Caspi được hai nước thường xuyên khai thác để chuyển UAV, đạn súng cối và các loại đạn khác mà Moskva mua từ Tehran để sử dụng trong chiến sự Nga - Ukraine.
Dữ liệu cho thấy ngày càng nhiều tàu hoạt động trong vùng biển này tắt thiết bị nhận dạng để che giấu hoạt động và cản trở việc theo dõi dòng chảy hàng hóa. Công ty Lloyd's List Intelligence, chuyên cung cấp thông tin cho cộng đồng hàng hải toàn cầu, nhận định lỗ hổng trong dữ liệu theo dõi tàu thuyền tại biển Caspi tăng đột biến vào tháng 9/2022.
Thông tin này xuất hiện sau thời điểm Mỹ và Ukraine cho rằng Nga đặt mua UAV Shahed từ Iran vào mùa hè năm ngoái. Lực lượng Nga sau đó tăng cường dùng UAV tự sát kiểu Shahed để tập kích hạ tầng trọng yếu của Ukraine.
Các chuyên gia nhận định đồng minh phương Tây của Ukraine có rất ít khả năng ngăn chặn hoạt động vận chuyển giữa Iran và Nga qua biển Caspi, vùng biển kín giáp với các quốc gia từng thuộc Liên Xô là Azerbaijan, Turkmenistan và Kazakhstan.
"Hoạt động xuất khẩu của Iran qua biển Caspi không đối mặt bất cứ rủi ro nào. Các quốc gia khác tiếp giáp biển Caspi không có khả năng hoặc động cơ can thiệp vào hoạt động này", Martin Kelly, chuyên gia tại công ty an ninh EOS Risk Group, trụ sở ở London, nhận định. "Đây là môi trường hoàn hảo giúp giao dịch diễn ra suôn sẻ".
![Tần suất giấu hải trình của tàu Nga và Iran trển biển Caspi. Đồ họa: CNN](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/05/29/55631871781372677495a-tau-tau-4529-1685350404.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wAOGWA8NhkItb4fpimNOEQ)
Tần suất giấu hải trình của tàu Nga và Iran trên biển Caspi. Đồ họa: CNN
Chuyên gia Kelly nhận định số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển Caspi tắt Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) từ tháng 8 đến tháng 9/2022 tăng lên. Khi tắt AIS, tàu thuyền có thể che giấu hành trình, địa điểm hoặc hoạt động chuyển hàng giữa chúng trên biển.
Theo Lloyd's List Intelligence, khoảng trống trong dữ liệu về hoạt động tàu thuyền trên biển Caspi tới năm nay vẫn cao. Hầu hết những trường hợp tắt hệ thống AIS là tàu hàng Nga và Iran gần cảng Amirabad và Anzali của Iran, cảng trên sông Volga và tại Astrakhan của Nga.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định một số tàu có thể đi từ cảng của Iran tới Nga, dù chúng không cập bờ, số khác giấu hành trình khi tiếp cận cảng Amirabad hoặc Astrakhan.
Họ cũng thừa nhận rất khó để biết chắc chắn hàng hóa trên những con tàu đó là gì, trừ khi có lời kể của nhân chứng hoặc ảnh vệ tinh, song vẫn nghi ngờ hoạt động của tàu hàng Nga và Iran trên biển Caspi "phù hợp với báo cáo của tình báo phương Tây về việc Iran xuất khẩu UAV sang Nga".
"Có mối tương quan giữa yêu cầu UAV do Iran chế tạo từ Nga, các chuyến cập cảng âm thầm tại biển Caspi và tình trạng gia tăng hoạt động tắt tín hiệu AIS", chuyên gia Kelly nhận định.
Trước khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, các nước quanh biển Caspi đều chú ý và bày tỏ quan tâm tới tuyến đường qua biển Caspi, đặc biệt là Iran.
Công ty tư vấn Bosphorus Observer, có trụ sở tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định Iran từng đầu tư vào nâng cấp cảng Astrakhan của Nga để tăng lựa chọn chuyển hàng tới châu Âu qua tuyến đường có thể né các lệnh trừng phạt.
"Một số hãng hàng không nhà nước Iran có thể chuyển UAV tới Nga", chuyên gia Kelly cho biết. "Tuy nhiên, khi so sánh khối lượng hàng hóa trong một chuyến đi, tàu biển mang được nhiều hàng hơn".
![Biển Caspi và khu vực lân cận. Ảnh: NASA](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/05/29/55631871781372677495a-Caspi-7353-1685350404.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dXovn6b_iaiMw31Fb4bpgA)
Ảnh vệ tinh biển Caspi và khu vực lân cận. Ảnh: NASA
Giới chuyên gia phương Tây dự đoán mức độ che giấu hoạt động của tàu hàng trên biển Caspi vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2023, đồng thời nhận định không bên nào can thiệp được vào ảnh hưởng của Nga tại vùng biển nội địa này.
Yoruk Isık, chuyên gia tại công ty tư vấn Bosphorus Observer, nhận định tàu Nga "như có thêm một lớp bảo vệ" tại biển Caspi, do các quốc gia trong khu vực "không muốn can thiệp vào hoạt động của chúng".
Các chuyên gia phương Tây cũng đánh giá hợp tác ngày càng tăng trên biển Caspi, nơi phương Tây ít có ảnh hưởng và khó can thiệp, củng cố sức mạnh cho cả Nga và Iran.
"Nga và Iran từng đối đầu trên biển Caspi, nhưng đây giờ là tuyến đường tiềm năng để Tehran né lệnh trừng phạt và cung cấp vũ khí cho Moskva", Aniseh Bassiri Tabrizi, chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)