"Tôi đang stress hơn nửa năm qua vì tiếng ồn nhà hàng xóm. Đỉnh điểm là ngay lúc này, khi phòng tôi và phòng bên cạnh đang tuyên chiến với nhau. Tôi ở trọ hơn một năm nay, chịu cảnh tiếng ăn cơm từ phòng bên nghe rõ mồn một. Cả năm nay, tôi cố sống trong im lặng, nhiều lần cãi nhau với bạn gái qua điện thoại nhưng tôi cũng chỉ dám nhắn tin. Ngay cả khi bị bệnh ho hay hắt hơi, tôi cũng bịt chặt miệng cho giảm bớt tiếng ồn.
Tôi đi làm cả ngày, đi sớm về khuya, có khi công tác xa nhà cả tuần mới về nên ít khi ở phòng. Ấy vậy mà mỗi khi ở nhà vào ban đêm, tôi đều không ngủ được vì ánh đèn và tiếng đi lại trước cửa phòng. Khi dịch bệnh bùng phát, tôi ở nhà nhiều hơn nên mới biết được ý thức rất tệ của hàng xóm. Con cái họ chạy nhảy nô đùa ầm ĩ ngoài hành lang, đèn cảm ứng đặt ngay cửa sổ phòng tôi nên chớp sáng liên tục, có khi hơn ba giờ sáng vẫn còn có tiếng đi lại.
Hai phòng chỉ cách nhau một bức tường mỏng, vậy mà họ kéo lê cái ghế gỗ rồi húc vào tường một ngày mấy lần, hình như chỗ ăn cơm của họ ngay sát bức tường, đúng chỗ tôi nằm ngủ. Tôi có phản ứng lại thì họ càng làm mạnh hơn, có khi còn cho con nhỏ chơi đùa với bức tường rồi đập rầm rầm. Giờ tôi phải sống một cuộc sống không còn nhường nhịn ai nữa".
Đó là nỗi bức xúc của độc giả Khanhnhuong105 xung quanh câu chuyện hàng xóm gây ồn. Chịu đựng tiếng ồn quá cỡ, bị tước mất quyền nghỉ ngơi và không bị làm phiền ngay tại chính ngôi nhà của mình; chịu đựng sự tra tấn của karaoke tự phát, tiếng ồn trước sự thờ ơ của người có trách nhiệm đang là tình trạng ở nhiều nơi, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Đồng cảnh ngộ, bạn đọc Trúc thậm chí còn nghĩ ra cách "ăn miếng trả miếng" với hàng xóm ồn ào: "Tôi ở nhà mặt đất, phía trước là một ông hàng xóm chuyên lôi bạn về ăn nhậu, karaoke; phía sau lại có một xưởng làm hàng gia công, thợ mở nhạc sến từ sáng đến tối. Thông thường, nếu họ mở nhạc với âm lượng vừa phải, tôi sẽ đóng cửa. Nhưng hôm nào họ mở quá to hoặc quá lâu, tôi sẽ phản ứng. Vì tôi cũng không thể đóng cửa im ỉm cả ngày, cũng cần cho không khí vào nhà.
Tôi mua hai dàn loa, một bộ loa nhỏ và một dàn hai loa kẹo kéo cỡ lớn. Cư hễ tôi thấy bực bội vù tiếng ồn là tôi mang loa nhỏ ra mở nhạc Rock chĩa qua phía họ. 10 phút sau họ vẫn chưa tắt nhạc, tôi lôi tiếp dàn loa lớn lên lầu và dội thẳng nhạc vũ trường xuống nhà họ. Tôi mở hết công suất, bỏ loa đó, vô nhà đóng cửa. Chỉ hai lần như vậy là họ biết điều hơn hẳn. Giờ đậy, chỉ cần tôi mở dàn loa nhỏ là họ biết ý tắt nhạc ngay.
Nói chung nhu cầu trong cuộc sống thì mỗi người mỗi kiểu, hàng xóm phải nương nhau mà sống. Tôi cũng không gây khó dễ với hàng xóm, không phải lúc nào cũng mang loa ra dập họ. Bình thường, nếu họ không ồn quá, tôi cũng kệ, đóng cửa ở trong nhà.
Tôi không thích ồn là chuyện của cá nhân, còn họ thích nghe nhạc cũng là nhu cầu của họ. Không thể nào bắt họ quanh năm yên tĩnh cho mình thoải mái được. Miễn là hai bên cùng phải tiết chế, họ chỉ cần vặn nhạc nhỏ lại, thì tôi cũng du di, coi như không nghe thấy gì".
Bất lực trước những người hàng xóm kém văn minh, độc giả Lucynguyen3187 chọn cách rời đi: "Tôi ở một căn hộ rất đẹp, có sân vườn, ba mặt hướng sông, mỗi tầng chỉ có ba hộ. Vậy mà tầng trên có khách Tây thuê ở, đi chơi đến một, hai giờ sáng mới về, rồi lại dọn nhà (đẩy ghế sofa, cây lau nhà...), có lúc lại chửi bới nhau, khóc lóc ầm ĩ. Buổi sáng, lúc tôi thứ dậy thì họ mới ngủ say. Mấy lần đầu tôi sang nói chuyện, họ còn "thảo mai", nhưng những lần sau đó, họ chửi ngược lại tôi. Tôi có nói chuyện với ban quản lý nhưng chẳng có tác dụng gì vì chủ nhà chỉ cho thuê và họ không quan tâm. Cuối cùng tôi phải chuyển đi, vì mình không ngủ được cả nửa năm".
>> Kinh hoàng vì tiếng ồn hàng xóm
Chính phủ đã có quy định xử phạt hành chính về hành vi tạo tiếng ồn ngoài chuẩn cho phép và trong khung giờ từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Trong đó, người vi phạm có thể bị phạt đến 160 triệu đồng. Nhưng, đến nay vẫn chưa có ai thống kê bao nhiêu người đã bị phạt do tra tấn lỗ tai và tinh thần người khác bằng tiếng ồn? Bao nhiêu trường hợp đã được cán bộ phường nhắc nhở, đo tiếng ồn để xử phạt?
Lấy dẫn chứng từ văn hóa ứng xử văn minh của một thành phố hiện đại trên thế giới, bạn đọc Nguoixala chia sẻ: "Lúc trẻ, nhà tôi ở Sài Gòn, nghe tiếng xe cộ, karaoke, loa kẹo kéo, nhạc đám ma, đám cưới, tiếng nhậu nhẹt, chửi nhau... mãi thành quen tai. Bao năm nay, tôi định cư ở xứ người, thành phố của họ không một tiếng còi xe, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng chó sủa, tiếng máy cắt cỏ của hàng xóm. Ngày chủ nhật, người dân ở đây ý thức tuyệt đối không được làm gì gây ồn, kiêng kỵ sửa nhà hoặc cắt cỏ, ảnh hưởng đến hàng xóm dù nhà này cách nhà kia tới 20 mét.
Nếu ai muốn nuôi vịt hoặc gà trống sẽ phải có sự đồng ý của hàng xóm vì tiếng gà gáy, vịt kêu, họ ngủ không được sẽ báo cảnh sát. Những ai ở chung cư cũng hiểu rằng trẻ con chạy ầm ĩ ở tầng trên sẽ là sự khó chịu cho người ở tầng dưới, nên tuyệt đối giữ yên tĩnh. Một thành phố yên ắng như vậy nên đôi khi tiếng còi xe cấp cứu chạy trên đường cũng là âm thanh ồn ào hiếm có".
Nói về câu chuyện văn minh không tiếng ồn, độc giả Valak cho rằng: "Thực sự câu chuyện hàng xóm mâu thuẫn vì tiếng ồn không phải mới, nhưng chưa bao giờ được giải quyết một cách triệt để. Tôi ở chung cư và cũng đang rơi vào chuyện rắc rối này. Phía lầu trên, có một đôi vợ chồng trẻ và một đứa con nhỏ đang sinh sống. Đứa bé chỉ khoảng ba tuổi, vốn hiệu động nên thường xuyên bày trò nghịch ngợm.
Sống ngay dưới nhà họ nên gia đình tôi liên tục bị tiếng ồn từ trên vọng xuống, lúc thì tiếng kéo bàn ghế rít từng hồi, lúc lại tiếng cốc chén rơi loảng xoảng, chưa kể những tiếng nhảy giậm chân xuống sàn thình thịch... Chuyện cứ tiếp diễn ngày này qua ngày khác, chúng tôi ngày một khó chịu hơn với những tiếng ồn như vậy. Tôi nhiều lần lên tận phòng họ bấm chuông để nói chuyện. Mấy lần đầu, họ cười trừ, lấy lý do con nhỏ hiếu động, hứa sẽ nhắc nhở. Thế nhưng, những chuyện đó vẫn tiếp diễn, không hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Gần đây, tôi tiếp tục ý kiến, phàn nàn với họ, nhưng có vẻ do bị nói nhiều nên gia đình đó thái độ ra mặt. Họ trả lời tôi cộc lốc như thể tôi mới là người làm phiền đến cuộc sống của họ. Có lần, họ còn sửng cồ lên với tôi, nói tôi 'làm khó dễ họ', 'chấp nhặt trẻ con', 'ở chung cư phải biết chấp nhận, không thì xuống mặt đất mà sống'... Bị xúc phạm, tôi cũng không giữ được bình tĩnh, to tiếng qua lại với họ. Sau đó, người xung quanh phải đến can ngăn, nếu không có lẽ còn xảy ra xô xát.
Bản thân tôi trước đây cũng là một người khá kiềm chế, ít khi mâu thuẫn với ai, nhưng quả thực ở vào tình cảnh này mới thấy chịu không nổi. Tôi rất hiểu cho những bức xúc của nhiều người khi bị hàng xóm gây ồn. Cam chịu thì sức người có hạn, còn làm lớn chuyện cũng chẳng hay ho gì. Luật pháp ở ta vẫn còn rất khó can thiệp vào chuyện tế nhị này, nên gần như người ta vẫn xử sự theo kiểu bản năng.
Đến giờ này, tôi vẫn đang phải hằng ngày hứng chịu những bức xúc về tâm lý vì tiếng ồn quanh mình mà không biết phải làm gì. Nhắc nhở mãi rồi cũng đến vậy, không lẽ tôi lại gây ồn ngược lại họ để trả đũa? Rồi chuyện này sẽ đi đến đâu? Người Việt dường như vẫn rất thiếu ý thức trong việc giữ yên tĩnh cho cộng đồng. Nhiều người vẫn chỉ biết đến bản thân mình, thoải mái làm gì mình thích bất chấp việc nó có ảnh hưởng đến người khác hay không?
Tôi không trách đứa bé nghịch ngợm gây ồn, mà chỉ trách cha mẹ chúng không biết dạy con tôn trọng người khác, giống như chính tư tưởng của họ bây giờ vậy. Câu chuyện sống văn minh có lẽ còn xa lắm mới đạt được".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.