Một quan chức Mỹ ngày 2/2 cho biết đại tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cố gắng liên lạc theo yêu cầu của Nhà Trắng song không thể kết nối với các chỉ huy quân đội Myanmar sau khi lực lượng này bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Bộ Quốc phòng Myanmar, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin này. Quân đội Myanmar được nhận định có quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và ít có tương tác với với lực lượng Mỹ.
Sau nỗ lực thất bại của tướng Milley, chính quyền Tổng thống Joe Biden không thể liên lạc trực tiếp được với các lãnh đạo cuộc binh biến ở Myanmar, cũng như các lãnh đạo chính phủ dân sự đang bị quản thúc.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó xác định quân đội Myanmar đã tiến hành cuộc "đảo chính quân sự" lật đổ chính phủ được bầu hợp lệ. Washington kêu gọi lãnh đạo quân đội Myanmar trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint
Theo luật của Mỹ, nước này sẽ bị cấm hỗ trợ chính phủ Myanmar sau cuộc đảo chính, nhưng các tác động phần lớn mang tính biểu tượng vì hầu như tất cả hỗ trợ của Mỹ ở Myanmar đều đến các kênh phi chính phủ.
Binh sĩ Myanmar sáng 1/2 bắt Cố vấn Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và hàng trăm quan chức cao cấp tại thủ đô Naypyidaw, thông báo kích hoạt tình trạng khẩn cấp trong một năm sau khi các vấn đề "gian lận bầu cử" không được giải quyết và cản trở con đường dẫn đến dân chủ. Quân đội Myanmar cam kết tổ chức bầu cử sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp.
Thống tướng Min Aung Hlaing, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, trở thành quyền Tổng thống. Quân đội Myanmar cách chức hàng loạt bộ trưởng và thứ trưởng, chỉ định nhân sự thay thế. Quân đội Myanmar quản thúc tại gia Cố vấn Suu Kyi và yêu cầu 400 nghị sĩ ở lại nhà công vụ tại thủ đô Naypyidaw.
Một số nguồn tin cho biết các chỉ huy quân đội và quan chức chính phủ Myanmar đàm phán ngày 31/1 song không đạt được kết quả, do chính phủ khước từ yêu cầu của quân đội về việc hoãn phiên họp đầu tiên của quốc hội tới khi giải quyết xong cáo buộc gian lận bầu cử. Đây được xem là nguyên nhân khiến quân đội Myanmar đột kích bắt các quan chức chính phủ.
Liên Hợp Quốc và nhiều nước phương Tây đã phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tránh làm leo thang căng thẳng tại Myanmar.
Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi sau đó ra tuyên bố cho biết bà kêu gọi người dân không chấp nhận "đảo chính" và xuống đường phản đối, đồng thời cáo buộc quân đội đưa đất nước trở về thời kỳ "cai trị quân sự".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)