Bắc Kinh đang theo dõi sát sao tình hình sau khi quân đội nước láng giềng Myanmar tiến hành cuộc binh biến vào rạng sáng 1/2, bắt hàng loạt lãnh đạo dân cử, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Giới quan sát nhận định tình hình Myanmar trước mắt sẽ rối loạn, nhưng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chờ đợi sự ổn định hơn trong dài hạn.
Trong khi nhiều nước phương Tây lên án mạnh mẽ quân đội Myanmar vì tiến hành đảo chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ nói Bắc Kinh "đã ghi nhận những diễn biến ở Myanmar" và "đang tìm hiểu thêm về tình hình".
"Trung Quốc và Myanmar là láng giềng hữu nghị. Chúng tôi hy vọng các bên sẽ giải quyết bất đồng một cách phù hợp theo khuôn khổ hiến pháp và luật pháp để duy trì ổn định chính trị và xã hội", ông nói.
Theo một nguồn tin quân sự Trung Quốc, vụ đảo chính của quân đội Myanmar đã khiến Bắc Kinh khó xử vì "cốt lõi vấn đề là xung đột giữa liên minh chính trị do bà Suu Kyi lãnh đạo và quyền lực của quân đội Myanmar". Người này lưu ý cả hai phe đều giữ quan hệ tốt với Trung Quốc.
"Hiện nay Trung Quốc chỉ có thể theo dõi tình hình mà không hành động", người này nói. Ông thêm rằng các dự án kinh tế của Trung Quốc tại Myanmar có thể bị ảnh hưởng vì cuộc đảo chính, nhưng cũng không nặng nề bằng tác động thời gian qua của đại dịch. "Nhiều dự án vốn đã chậm trễ hoặc bị trì hoãn bởi Covid-19 rồi", nguồn tin cho biết.
Trên phương diện kinh tế, Trung Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Myanmar, chỉ sau Singapore. Trong chuyến thăm Myanmar của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2020, hai bên đã ký 33 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận và các văn bản khác, trong đó có 13 văn bản liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng. Trung Quốc và Myanmar còn đang hợp tác xây dựng Đặc khu kinh tế Kyakpyu ở vùng duyên hải Vịnh Bengal.
Naypyitaw còn là điểm dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến công du châu Á vào cuối năm 2020, khi Bắc Kinh tìm cách cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực trước khi Mỹ có tổng thống mới.
An ninh có thể là mối quan tâm lớn hơn của Trung Quốc sau vụ đảo chính, bởi nước này có hơn 2.100 km biên giới với Myanmar. Khu vực phía bắc của nước láng giềng, đặc biệt là bang Rakhine, từ lâu được xem là vùng đất nhiều bất ổn với các vụ giao tranh giữa quân chính phủ Myanmar và các nhóm phiến quân.
Dù vậy, quân đội Trung Quốc cũng không quá lo sợ viễn cảnh nội bộ rối ren tại Myanmar leo thang thành xung đột vượt qua lãnh thổ nước này và ảnh hưởng tới công dân Trung Quốc. Theo nguồn tin giấu tên, những cuộc biểu tình quy mô nhỏ có thể diễn ra tại Myanmar trong vài ngày tới nhưng khó dẫn đến tình trạng đụng độ giữa quân đội và các nhóm phiến quân người thiểu số.
Zhu Yongbiao, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Lan Châu, đánh giá vụ đảo chính sẽ không tác động nhiều đến tình hình phía bắc Myanmar, trừ khi bất ổn kéo dài. Ông cho rằng sự việc chỉ là hệ quả của những vấn đề đã có từ lâu và cắm rễ sâu trong môi trường chính trị nước này, đồng thời phản ánh những bất cập trong chính quyền hiện tại của Myanmar.
"Nếu bất ổn kéo dài, tình hình ở các bang phía bắc có thể chịu tác động, nhưng khả năng điều đó xảy ra vào thời điểm này là không quá lớn", ông nói.
Zhu cũng đồng tình rằng lợi ích của Trung Quốc trong các dự án đang hợp tác tại Myanmar sẽ không chịu ảnh hưởng về dài hạn. Một số dự án đã trải qua một lần chuyển giao quyền lực, khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) dành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 và và Aung San Suu Kyi trở thành lãnh đạo chính phủ một năm sau, và vẫn hoạt động trôi chảy.
Bắc Kinh đã thể hiện họ có khả năng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả phe chính phủ dân cử lẫn quân đội Myanmar và họ có thể chọn không can thiệp, ít nhất là vào thời điểm này, Zhu nhận định.
Trung Nhân (Theo SCMP)