Quân đội Myanmar ngày 1/2 bắt cố vấn nhà nước Aung San Suu Ky và các lãnh đạo khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong các cuộc đột kích trước bình minh.
Thống tướng Min Aung Hlaing được trao "quyền luật pháp, tư pháp và hành pháp", đưa Myanmar trở lại chế độ quân sự sau 10 năm thử nghiệm dân chủ. Trong bình luận công khai đầu tiên sau cuộc binh biến, Hlaing khẳng định việc quân đội tiếp quản là "phù hợp với luật pháp" vì chính quyền không thể phản hồi những bất bình của họ về cáo buộc gian lận bầu cử.
"Sau nhiều lần yêu cầu, đây là cách không thể tránh khỏi đối với đất nước và đó là lý do chúng tôi phải chọn nó", ông nói trong cuộc họp nội các đầu tiên, theo bài phát biểu được đăng trên Facebook của quân đội Myanmar.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao cho biết họ đánh giá rằng "Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng cầm quyền Myanmar, và Win Myint, người đứng đầu chính phủ được bầu hợp lệ, đã bị phế truất trong một cuộc binh biến".
Tại thủ đô Naypyidaw, binh sĩ có vũ trang đang đóng quân bên ngoài khu nhà ở dành cho các nghị sĩ. Một nhà lập pháp đảng NLD mô tả nơi này giống như một "trung tâm giam giữ mở".
Một tuyên bố đăng trên trang Facebook của đảng NLD kêu gọi quân đội thả Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng những bị bắt khác. Họ cũng yêu cầu quân độ "công nhận kết quả đã được xác nhận của cuộc bầu cử năm 2020".
Một nghị sĩ thuộc đảng NLD của Aung San Suu Kyi cho biết bà đang bị quản thúc tại dinh thự ở Naypyidaw. Kyi Toe, nhân viên báo chí của NLD, cũng cho hay hàng xóm xung quanh đã nhìn thấy Suu Kyi đi lại bên trong dinh thự riêng vào sáng 2/2. Nhà phân tích Khin Zaw Win tại Yangon nhận định "toàn bộ thông tin đều cho thấy Suu Kyi đang không gặp nguy hiểm".
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng phối hợp gây sức ép, buộc quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực họ chiếm được và trả tự do cho các quan chức, nhà hoạt động bị bắt. Biden cũng cảnh báo tái áp đặt cấm vận Myanmar, biện pháp Mỹ đã dỡ bỏ 10 năm trước.
Vũ Hoàng (Theo AFP)