"Những chiếc F-35 gần đây có lần chạm trán ở khoảng cách gần với tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tôi không gọi đó là đối đầu, chúng tôi cũng khá ấn tượng với khả năng chỉ huy và điều khiển của dòng J-20", tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF), cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/3.
Tướng Wilsbach không cho biết thời điểm và địa điểm cụ thể diễn ra sự kiện, cũng như tiêm kích tàng hình hai bên chạm mặt nhau bao nhiêu lần trong những năm qua.
"Chúng tôi chứng kiến khả năng bay tương đối chuyên nghiệp. Còn quá sớm để đánh giá họ sẽ sử dụng dòng J-20 như thế nào, liệu nó sẽ là chiến đấu cơ đa nhiệm như F-35 hay là tiêm kích chiếm ưu thế trên không có khả năng đối đất như F-22. Thực sự những gì chúng tôi được thấy mới chỉ là chiếm ưu thế trên không", ông nói thêm.
Quan chức Mỹ cũng đề cập tới máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không KJ-500, nhận định nó đóng vai trò quan trọng với khả năng tấn công tầm xa của Trung Quốc. "Nhiều loại tên lửa đối không tầm xa của họ được hỗ trợ bởi những chiếc KJ-500. Khả năng làm gián đoạn chuỗi tiến công đó là điều khiến tôi rất chú ý", tướng Wilsbach nhận định.
J-20 với biệt danh Uy Long là tiêm kích tàng hình do Trung Quốc phát triển, được cho là có khả năng tấn công chính xác và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Quân đội Trung Quốc biên chế J-20 từ năm 2017, song năng lực của tiêm kích này vẫn bị hạn chế bởi loạt vấn đề về động cơ.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc hồi tháng 1 cho biết tiến trình nâng cấp động cơ WS-10C trên tiêm kích tàng hình J-20 sẽ được triển khai trong năm nay, giúp máy bay đạt năng lực gần hơn với mẫu F-22 của Mỹ.
J-20 đang sử dụng động cơ WS-10, giải pháp tình thế trong lúc các kỹ sư Trung Quốc hoàn thiện động cơ WS-15 mạnh hơn, được cho là có thể giúp tiêm kích này phát huy hết tiềm năng và "tốt ngang F-22". Tuy nhiên, dự án phát triển WS-15 cũng bị chậm tiến độ, khiến nhà sản xuất phải dùng biến thể của động cơ nội địa WS-10, nhằm thay thế động cơ AL-31F của Nga.
Động cơ nội địa thường xuyên gặp trục trặc và bị ví như "quả tim lỗi" trên tiêm kích Trung Quốc, buộc ngành công nghiệp quốc phòng nước này đau đầu tìm cách khắc phục trong thời gian dài.
Trung Quốc chưa công bố số lượng cụ thể tiêm kích J-20 trong biên chế. Một bài viết trên tạp chí Công nghệ Khoa học Quân khí cho biết khoảng 90 chiếc J-20 đã xuất xưởng, đồng thời nhận định quân đội Trung Quốc sẽ cần khoảng 400-500 tiêm kích loại này.
Bắc Kinh gần đây triển khai J-20 tới các đơn vị không quân phụ trách khu vực eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông.
Vũ Anh (Theo Flight Global)