"Một trong những nhiệm vụ của quân đội Nga là kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass và miền nam Ukraine, nhằm tạo hành lang trên bộ nối với Crimea", thiếu tướng Rustam Minnekaev, quyền tư lệnh Quân khu Trung tâm Nga, phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm 22/4.
Tướng Minnekaev giải thích thêm rằng nếu kiểm soát được toàn bộ miền nam Ukraine, lực lượng Nga sẽ mở được con đường dẫn tới vùng ly khai Transnistria ở Moldova, nơi ông này cho rằng "cộng đồng người nói tiếng Nga đang bị chèn ép".
Giới quan sát cho rằng phát biểu này cho thấy tham vọng của Nga trong giai đoạn hai chiến dịch quân sự ở Ukraine lớn hơn rất nhiều so với tuyên bố "giải phóng Donbass" từng được đưa ra hồi đầu tháng. Vùng Donbass gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk, nơi phe ly khai thân Nga đang kiểm soát phần lớn diện tích.
Hai tháng sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã từ bỏ chiến lược ban đầu là "đánh nhanh thắng nhanh" để kiểm soát các mục tiêu trọng yếu trên toàn lãnh thổ Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev, theo Pascal Ausseur, giám đốc viện nghiên cứu chiến lược FMES.
Nga dường như đã rút ra được một số bài học về mục tiêu và chiến thuật từ những khó khăn vấp phải trong vài tuần đầu tiên của chiến dịch. Lực lượng Nga hiện dàn quân trên một hành lang dài khoảng 200-250 km trên lãnh thổ Ukraine, từ biển Azov đến ngoại ô thành phố Kharkov, song vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn khu vực này.
Michel Goya, đại tá về hưu của quân đội Pháp, cho rằng mục tiêu kiểm soát vùng Donbass và miền nam Ukraine mà lực lượng Nga đặt ra sẽ đi kèm không ít thách thức. "Càng dàn quân tiến sâu vào Ukraine, lực lượng Nga càng dễ bị tổn thương hơn", ông viết trên Twitter.
Ausseur nhận định kế hoạch hiện tại của lực lượng Nga là thiết lập một trục tiến công từ vùng Kherson trên bờ sông Dnipro, đến thành phố cùng tên ở phía bắc và sau đó đến Izyum ở phía đông, nhằm khóa chặt các đơn vị quân đội Ukraine ở Donbass.
Chiến lược 'Mariupol hóa'
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 19/4 tuyên bố lực lượng Nga sẽ "tiến công một cách thận trọng" trong giai đoạn hai của chiến dịch. Giới quan sát cho rằng Nga thay đổi chiến lược sau khi nhận ra cách đánh chớp nhoáng không đạt hiệu quả ở giai đoạn đầu cuộc xung đột.
"Họ nhận ra rằng chiến lược đánh nhanh thắng nhanh không thành công", Ausseur nói. "Vì vậy, họ đã quay trở lại với cách đánh truyền thống: Nếu không thể đè bẹp ý chí của đối phương, bạn sẽ nghiền nát chúng".
"Họ sẽ Mariupol hóa cả chiến dịch", Ausseur cho biết thêm, đề cập đến thành phố cảng phía nam Ukraine, nơi đã bị vây chặt và hứng chịu hàng loạt đợt tấn công không ngừng từ các lực lượng Nga suốt hai tháng qua. Theo giới chuyên gia, thành phố này thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian.
"Có vẻ như quân đội Nga muốn theo đuổi chiến thuật 'tiêu thổ', tìm cách bẻ gãy ý chí của quân đội Ukraine bằng lực lượng áp đảo và hỏa lực pháo binh không ngừng, nhằm buộc dân thường phải sơ tán, tách họ ra khỏi lực lượng phòng thủ", Colin Clarke, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan, tổ chức tư vấn có trụ sở ở New York, Mỹ, nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng quân đội Nga cũng tìm cách tạo thế gọng kìm bằng các đợt tiến quân ở phía đông sông Dnipro, nhằm bao vây phần lớn lực lượng Ukraine theo chiến thuật "Mariupol hóa".
Clarke cho biết để tránh bị dồn vào gọng kìm bao vây, lực lượng phòng thủ Ukraine đã phân tán trên nhiều mặt trận, nhằm kéo giãn tuyến tiếp tế và liên lạc của Nga. "Chiến lược đó đến nay đã thành công", ông nói.
Để hỗ trợ Ukraine trong giai đoạn giao tranh khốc liệt này, phương Tây đã tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 800 triệu USD nhằm giúp Ukraine trụ vững ở chiến trường Donbass.
Tuy nhiên, để kịp thời hỗ trợ Ukraine, họ cũng phải chạy đua với thời gian. Theo Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các khí tài như xe tăng, xe bọc thép "sẽ phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng" mới đến được Ukraine.
"Ngay cả khi phương tiện đã xuất kho ở châu Âu, chúng vẫn cần trải qua một số quy trình bảo dưỡng trước khi sẵn sàng lên đường tới Ukraine", ông cho hay.
Các thành viên NATO đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không S-300, nhưng Ausseur lưu ý để triển khai các hệ thống này cũng cần thời gian.
Pháp cho biết họ đang chuyển vũ khí chống tăng Milan và pháo tự hành Caesar cho Ukraine. Song giới chuyên gia quân sự nhận định Kiev vẫn rất thiếu các vũ khí hạng nặng như lựu pháo 155 mm và những loại đạn cần thiết.
Ukraine sẽ cần lập một "vòm thép" để tự vệ trước các cuộc tấn công trên không của lực lượng không quân Nga vốn có sức mạnh áp đảo, Ausseur cảnh báo.
"Họ cần một lá chắn kiên cố để gây bất lợi cho các lực lượng Nga", ông nói, thêm rằng nếu Ukraine không xây dựng được lưới phòng không đủ năng lực, chiến đấu cơ Nga hoàn toàn có thể làm chủ bầu trời và tiến hành các cuộc không kích suốt nhiều năm.
Hiện tại, rất ít nhà quan sát dự đoán xung đột sẽ sớm kết thúc.
"Kịch bản phổ biến hiện nay là sẽ có những vụ oanh tạc cường độ cao kéo dài nhiều tuần", Ausseur cho hay.
Alexander Khramchikhin thuộc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự, trụ sở tại Moskva, cho rằng giao tranh thậm chí có thể kéo dài nhiều năm. "Đến nay, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu nào ở miền đông Ukraine và rất khó biết họ sẽ đạt được những mục tiêu đó thế nào trong tương lai", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP)