VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Chủ nhật, 5/1/2025

Em năm nay 43 tuổi, khoảng một năm lại đây, nhất là sau khi mổ hút dịch đĩa đệm L5 (tháng 8/2020), cơ thể em biến đổi theo chiều hướng xấu đi. Huyết áp của em thay đổi liên tục, nhiều khi hồi hộp, tim đập nhanh, thỉnh thoảng lại khó ngủ, có triệu chứng hạ đường huyết lúc đói.

Gần đây huyết áp ...

Phạm Phúc Nam, 43 tuổi, Mỹ Khánh, Phong Điền, Cần Thơ

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào anh Phúc Nam,

Trường hợp bệnh của anh khá phức tạp, có nhiều triệu chứng nhưng các cận lâm sàng anh đã làm đều cho kết quả bình thường.

Các triệu chứng anh mô tả có thể gặp trong rối loạn thần kinh chức năng, rối loạn lo âu hoặc một số bệnh lý nội tiết như cường giáp, u tuyến thượng thận hoặc u tụy nội tiết (Insulinoma). Anh nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch và nội tiết khám và cần làm thêm xét nghiệm máu (đường máu, chức năng thận, chức năng gan, mỡ máu, chức năng tuyến giáp) và một số cận lâm sàng chuyên sâu về tim mạch như Holter ECG và gắn máy theo dõi huyết áp 24 giờ (ABPM) để tìm rối loạn nhịp và cơn tăng huyết áp, và chụp CT bụng (nếu BS thấy cần thiết).

Chúc anh khỏe mạnh. Thân mến.

Tôi bị thông liên nhĩ nhỏ 13 mm, không có biểu hiện, chỉ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Tôi đã phẫu thuật bít dù thành công tại bệnh viện. Tôi đã sử dụng hết 30 ngày thuốc. Xin hỏi bác sĩ, sau phẫu thuật ba tháng, tôi có kiêng vận động hoặc ăn uống gì không? Tôi cần phải lưu ý gì ...

heoagua, 38 tuổi, Việt Trì - Phú Thọ

Chào bạn,

Thông liên nhĩ là 1 dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ tương đối phổ biến trong nhóm bệnh tim bẩm sinh. Với người lớn thì tỷ lệ thông liên nhĩ có thể gặp tới 30% ở trong nhóm bệnh tim bẩm sinh. Triệu chứng của bệnh rất âm thầm, có nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ như trường hợp của bạn. Bạn rất may mắn vì nhờ có đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, và đã được đặt bít dù thông liên nhĩ. Đây là 1 kỹ thuật rất chuyên sâu, hữu ích trong điều trị bít thông liên nhĩ.

Hiện tại bạn đã bít thông liên nhĩ sau 3 tháng và không còn dùng Aspirin nữa, tuy nhiên sau thời gian 3 tháng thì bạn vẫn phải có 1 số biện pháp ví dụ như giữ gìn cơ thể tránh nhiễm khuẩn, không nên xăm trổ, xâu bông tai, trong trường hợp bạn đi nhổ răng thì phải có dự phòng kháng sinh để phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó sau 3 tháng thì bạn cũng có thể trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường thậm chí bạn có thể tập thể dục thể thao theo mức độ gắng sức của mình và tăng dần.

Nói chung những trường hợp thông liên nhĩ được can thiệp, đặc biết được can thiệp sớm như bạn, thông liên nhĩ lỗ nhỏ 13mm thì sự ảnh hưởng của thông liên nhĩ lên buồng tim của bạn chưa nặng nề, bạn có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên sau 3 tháng bạn nên tái khám và theo dõi hàng năm để tiếp tục theo dõi tình trạng tim mạch của bạn, có những xử lý kịp thời và phù hợp nếu có vấn đề.

Mẹ tôi năm nay 68 tuổi, đã can thiệp mạch vành bằng cách đặt hai stent cách đây sáu tháng (tháng 9/2020). Tại thời điểm đặt stent, bác sỹ (ở tỉnh) có kết luận sau khi chụp CT là hẹp 90% RCAII, hẹp 90% LAD I, tắc hoàn toàn LAD II, hẹp 90% LCX III. Sau đó đã can thiệp stent LAD I, II. Hiện ...

Mai Trang, 32 tuổi, quận 2, TP HCM

ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu

Chào bạn,

Vấn đề của mẹ bạn là bị nhồi máu cơ tim đã được đặt stent để thông mạch vành và hiện tại đang uống thuốc đều. Việc tái khám định kỳ giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng bệnh và giai đoạn bệnh của mẹ bạn. Tùy theo mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá để có những chỉ định xét nghiệm phù hợp nhất. Thông thường là những xét nghiệm về đường máu, chức năng gan, chức năng thận, bộ mỡ máu... Về thói quen ăn uống và sinh hoạt, bác sĩ khuyên nên tập thể dục để duy trì cân nặng lý tưởng, chế độ ăn hạn chế dầu mỡ. Thân mến!

Tôi năm nay 47 tuổi, thường hay bị hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp khi gặp chuyện căng thẳng. Huyết áp tại nhà kiểm tra thường xuyên thì 120/78 mmHg nhưng khi vào bệnh viện có khi lên 180/100 mmHg, nhịp tim đập rất nhanh trên 100, hồi hộp muốn xỉu, sợ nhất khi đo huyết áp. Tôi đã khám nhiều bệnh viện ...

Văn Kiệt Nguyễn, 47 tuổi, Tân Phú, TP HCM

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào anh,

Trường hợp của anh được gọi là tăng huyết áp phòng khám hay tăng huyết áp áo choàng trắng. Anh có thể theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà, nếu huyết áp chỉ ở mức 120/80 mmHg thì rất tốt, anh không có gì phải lo lắng. Lần sau nếu cần đến bệnh viện anh đừng quá căng thẳng, lo lắng. Anh đến phòng khám sớm, có thời gian ngồi nghỉ thư giãn trước khi đo huyết áp 10 - 15 phút, không hút thuốc lá, không uống cafe trước khi đi khám bệnh. Hằng ngày ở nhà anh nên tập thể dục đều đặn, ăn bớt mặn, tập kiếm soát cảm xúc thì tình trạng trên sẽ giảm dần.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Tôi thường hay có triệu chứng hồi hợp, lo âu, nhịp tim tăng nhanh, huyết áp khi đo thấp nhất là 110/70 mmHg, cao nhất là 150/100 mmHg và có bị men gan cao. Hiện tôi đang dùng thuốc theo bác sĩ kê đơn. Cho hỏi tôi uống thuốc thường xuyên như vậy có ảnh hưởng về sau không thưa bác sĩ?

Thái Quốc Hùng, 35 tuổi, quận 11, TP HCM

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào anh Hùng,

Anh mới 35 tuổi đã bị tăng huyết áp, được coi là tăng huyết áp người trẻ. Anh nên khám tìm nguyên nhân tăng huyêt áp, nếu tìm được nguyên nhân có thể đièu trị khỏi bệnh như cường giáp, hẹp eo động mạch chủ, u tuyến thượng thận, bệnh Cushing,..

Hai loại thuốc trên không ảnh hưởng đến men gan, anh uống được. Tuy nhiên anh nên khám tìm thêm nguyên nhân tăng men gan để được điều trị thích hợp. Các thuốc trên uống lâu dài tương đối an toàn, nhưng điều quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân tăng huyết áp (nếu có) để điều trị đúng căn nguyên. Thân mến.

Tôi năm nay hơn 41 tuổi, tôi thường xuyên làm việc máy tính, ít vận động. Mẹ tôi trước đây từng mổ thay van tim và bắc cầu. Ba tôi bệnh ung thư gan với khối u ác tính.

Khoảng 1 năm gần đây, tôi hay bị hồi hộp, thỉnh thoảng tim thắt lại khi tôi làm việc bị stress và thức khuya hoặc khó ...

Nguyễn Thị Cẩm Nhung, 41 tuổi, Bình Dương

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào chị Nhung,

Trường hợp của chị có thể đến các bệnh viện đa khoa (có cả chuyên khoa Tim mạch và chuyên khoa Cơ xương khớp) để khám và điều trị. Tại bệnh viện Tâm Anh chúng tôi có các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực này, hy vọng sẽ giúp chị điều trị nhanh chóng có kết quả.

Về lâu dài, để phòng ngừa bệnh lý tim mạch bên cạnh việc dùng thuốc chị cần điều chỉnh lối sống như tăng cường vận động thể lực, giảm cân (nếu dư cân hoặc béo phì), giảm ăn mỡ, chất béo, giảm thịt mỡ, giảm stress trong công việc, sắp xếp chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Thân mến.

Vào năm 1993 em có ngoại tâm thu nhĩ rơi tới năm 2002 em thường xuyên đánh trống ngực, tim đập nhanh dồn dập rồi chậm lại, có khi em muốn ngất. Em đi khám bác sĩ, siêu âm tim, xét nghiệm máu, theo dõi nhịp 24h, kết quả em bị nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn rung cương nhĩ, nhịp nhanh nhĩ và ...

Hồng Phượng, 44 tuổi, Long An

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào chị Phượng,

Tình trạng rối loạn nhịp của chị có liên quan đến bệnh lần trước, bệnh tái phát do chị không điều trị liên tục. Chị nên đến bệnh viện khám lại để được điều trị thích hợp vì bây giờ bệnh đang tiến triển. Bệnh hở van động mạch chủ và van 3 lá của chị ở mức độ nhẹ đến vừa. Tuy nhiên, nếu chị điều trị bệnh tim không tốt hở van có thể tăng nặng lên theo thời gian. Do đó, tốt nhất chị nên đi khám và theo dõi với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch. Thân mến.

Tôi 35 tuổi, thỉnh thoảng có lúc ngay vị trí tim của tôi bị nhói đau, giống như mạch máu bị co thắt lại, khoảng một chút lại hết. Có một lần cơn đau kéo dài khoảng nửa tiếng, tôi nằm xuống nghỉ, sau đó thì hết, lâu lâu lại bị đau nữa.

Tôi đi khám bệnh viện và kiểm tra sơ đồ tim ...

Phan Tiến Dũng, 35 tuổi, Tiền Giang

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn!

Ở vùng ngực chúng ta có rất nhiều cơ quan như: tim, phổi, thực quản - dạ dày, mạch máu, trung thất, thần kinh, cơ... Do đó triệu chứng đau nhói ở ngực có thể là triệu chứng của bệnh tim nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng nhưng cũng có thể không phải. Vì bệnh nhân có thể đau cơ, đau dây thần kinh liên sườn, đau do phổi, do thuyên tắc mạch máu phổi, dạ dày thực quản.... Tuy nhiên, triệu chứng đau nhói ngực lại là triệu chứng phổ biến của bệnh tim mạch nên mình cần phải tầm soát. Nên để biết được đau do tim hay không thì đo điện tâm đồ không chưa đủ, mình cần làm thêm siêu âm tim, X-quang tim phổi, test gắng sức và có thể phải chụp MSCT MV để củng cố chẩn đoán phát hiện đầy đủ và điều trị sớm các bệnh tim mạch đặc biệt là thiếu máu cơ tim do xơ vữa động mạch mạch vành gây ra, bên cạnh đó mình cũng không nên bỏ qua những cơ quan khác. Vì vậy bạn đừng phớt lờ đau nhói nhói tức vùng ngực dù chỉ thoáng qua.

Nếu muốn đi khám sức khỏe định kỳ, bạn có thể đến các cơ sở y tế đa khoa có trung tâm tim mạch và một trong những bệnh viện có thể giải quyết những vấn đề của bạn là bệnh viện đa khoa Tâm Anh, 2B Phổ quang, phường 2, quận Tân Bình TP. HCM. Tại đây có trung tâm tim mạch với cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn tầm soát các bệnh lý tim mạch và các bệnh khác.Thân mến!

Mấy năm trước em bị nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn rung cương nhĩ, nhịp nhanh nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ. Sau bốn năm, do em chưa uống thuốc nào nên hay mệt liên tục. Lên một lầu em dễ cảm thấy mệt và hai lầu thì sẽ mệt hơn. Tối ngủ có đêm giống như ngừng thở, em giật mình tỉnh và tim ...

Hồng Phượng, 44 tuổi, Long An

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào em,

Chẩn đoán về rối loạn nhịp của em gồm nhiều bệnh phối hợp chung với nhau và có một số chẩn đoán bị trùng lặp. Nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể đã bao gồm những chẩn đoán như cơn rung/cuồng nhĩ, nhịp nhanh nhĩ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nếu em có những loại loạn nhịp nhanh khác mà bác sĩ điều trị chưa thể xác định thêm được thì có thể ghi chung là nhịp nhanh kịch phát trên thất.

Bệnh van tim của em nếu đúng là chỉ hở van động mạch chủ 1/4 và van 3 lá 2/4 thì chưa có gì nghiêm trọng, chỉ cần theo dõi định kỳ theo chuyên khoa tim mạch là đủ. Các triệu chứng em nêu như tim đập mạnh, nhanh đột ngột làm em giật mình thức giấc, giảm khả năng gắng sức, khó thở, đau ngực có thể do bệnh loạn nhịp tim của em đã diễn tiển xấu đi sau 4 năm và ảnh hưởng phần nào chức năng tim (nhất là khi vào cơn nhịp nhanh).

Để việc điều trị đạt hiệu quả, em nên tái khám bác sĩ chuyên về loạn nhịp tim để được đánh giá lại tình trạng bệnh, mức độ nặng của loạn nhịp tim và chức năng tim. Việc em tự điều chỉnh thuốc (chẳng hạn như uống và sau đó ngưng thuốc lợi tiểu khi bị phù chân) có thể gây hại thêm chi tình trạng bệnh. Em nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám khi có những thay đổi bất thường.

Nếu còn lo lắng nhiều về tình trạng này, em có thể đến bệnh viện Tâm Anh. Tại đây chúng tôi với đội ngũ chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất sẽ cho em một kết quả chính xác nhất để em có thể yên tâm. Xin cảm ơn!

Cháu bị chuẩn đoán là tăng huyết áp và rối loạn thần kinh thực vật các đây năm năm, cứ mỗi lần lên cơn là nhịp tim nhanh và huyết áp tăng, cao nhất 170/90 còn những cơn khác 150/90. Những lúc thời tiết thay đổi là cháu bị cơn nhịp nhanh, đánh trống ngực và tăng huyết áp.
Hằng ngày, cháu rất khó ngủ, ...

Trọng Đoàn, 32 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam

BS.CKII Võ Ngọc Cẩm

Chào bạn,

Huyết áp tăng cao đột ngột có thể xảy ra khi bệnh nhân lo lắng, căng thẳng, mất ngủ. Cũng có khi xảy ra sau khi uống thuốc giảm đau khớp, ăn mặn. Một số bệnh lý cũng gây tăng huyết áp đột ngột, ví dụ bệnh lý u tuyến thượng thận (thường u tủy thượng thận).

Bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch, Bác sĩ sẽ kiểm tra lại huyết áp, đo điện tim đồ, siêu âm tim, siêu âm bụng, khám mắt (soi đáy mắt), xét nghiệm máu xem tăng huyết áp có biến chứng lên cơ quan tim não thận hay chưa, tìm nguyên nhân cơn tăng huyết áp. Đo holter 24h xem có rối loạn nhịp hay không...

Nếu tăng huyết áp thật sự không có nguyên nhân, bạn nên kết hợp chế độ sinh hoạt hợp lý: không ăn mặn, không ăn mỡ, tập thể dục, không hút thuốc lá, tránh stress... để cải thiện tình trạng bệnh. Thân mến!

Thỉnh thoảng em khi căng thẳng sẽ cảm thấy mệt tim, cảm giác hít thở hơi khó khăn. Em đã đi khám tâm lý và được chẩn đoán là rối loạn lo âu. Triệu chứng cơ năng có phải là dấu hiệu của bệnh tâm lý hay là một biểu hiện của một bệnh về tim mạch khác? Cách phân biệt giữa triệu chứng cơ ...

Lê Hồng Quang, 22 tuổi, quận 5, TP HCM

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào em!

Để chẩn đoán em bị rối loạn lo âu, điều đầu tiên bác sĩ cần phải làm là loại trừ em không có bệnh thực thể nào cả. Vì triệu chứng mệt tim của rối loạn lo âu và bệnh tim mạch khá giống nhau. Vì vậy em cần đến bệnh viện để được bác sĩ tim mạch thăm khám xem em có bệnh tim thực thể không. Nếu không có thì khả năng em bị rối loạn lo âu. Thân mến!

Cháu mổ cắt trọn tuyến giáp cách đây bốn năm. Theo cháu được biết, tuyến giáp có liên quan mật thiết tới tim. Cho hỏi, giờ cháu không còn tuyến giáp, hiện đang dùng thuốc thay thế chức năng tuyến giáp vậy có ảnh hưởng tới tim thế nào? Trong tương lai có nguy cơ xảy ra bệnh lý tim mạch hay không. Xin cảm ...

Nguyễn Thị Thùy Vân, 40 tuổi, Quảng Ngãi

BS.CKII Võ Ngọc Cẩm

Chào bạn,

Bạn nói đúng. Hormone tuyến giáp có ảnh hưởng trực tiếp lên chức năng tim, mạch máu và mức cholesterol. Nếu thiếu hóc môn tuyến giáp có thể làm chậm nhịp tim, co thắt mạch máu và tăng huyết áp, ứ dịch gây phù và tăng cholesterol. Một số trường hợp nặng nhược giáp (thiếu hormone tuyến giáp) có thể gây suy tim. Các triệu chứng trên có thể phục hồi khi điểu trị thay thế hormone tuyến giáp kịp thời và phù hợp.

Hiện tại bạn đang dùng thuốc điều trị suy giáp, do vậy bạn không nên do lắng. Theo dõi chức năng tuyến giáp và uống thuốc đều theo chỉ dẫn của bác sĩ, mọi biến chứng sẽ không xảy ra. Chúc bạn khỏe. Thân mến!

Em thường xuyên uống trà hoa cúc trắng nguyên bông sấy khô vào buổi sáng và tối. Trên mạng có bảo trà hoa cúc rất tốt cho tim mạch, có đúng như vậy không thưa bác sĩ? Uống theo liều lượng như thế nào thì trà hoa cúc phát huy hiệu quả? Em xin được bác sĩ tư vấn.

Trịnh Tài Khải, 37 tuổi, Vĩnh Thuận, Kiên Giang

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn!

Hoa cúc trắng được trồng ở Việt Nam từ rất lâu, được biết đến như một dược liệu quý hiếm và nguyên liệu pha trà. Cây cúc trắng có thân nhỏ, mảnh, cao khoảng 1m với lông trắng phủ toàn thân. Hoa cúc trắng mọc ở phía ngọn và đầu cành với đường kính từ 2,5 – 5cm màu trắng tinh rất đẹp.

Hoa cúc trắng được thu hoạch quanh năm. Người ta ngắt búp hoa khi chưa nở rồi phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp. Thông thường, từ 5 ký hoa tươi sẽ cho ra 1kg hoa cúc khô. Thành phần Bisabolol có trong tinh dầu hoa cúc có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Chúng có tác dụng chống vi khuẩn, chống viêm và chống kích ứng da.

Bên cạnh đó, hoạt chất Bisabol này còn giúp phụ nữ sở hữu làn da rạng ngời hơn. Chúng còn được xem là một thành phần dưỡng da, giúp kích thích quá trình phục hồi da và giảm kích ứng cho da nhạy cảm. Ngoài ra, theo các chuyên gia nghiên cứu trong hoa cúc có hợp chất Apigenin. Đây là một trong những hợp chất có tác dụng làm ngăn ngừa các tế bào ung thư phát triển và lan rộng.

Hoa cúc trắng có thể điều trị tăng huyết áp, đau đầu, ho, hoa mắt chóng mặt, nhức mỏi, tăng cường miễn dịch, kiểm soát đường huyết, tốt cho tim mạch, thanh lọc cơ thể, điều hòa thần kinh trị mất ngủ... Khi dùng chúng ta chú ý: không nên uống thuốc chung với trà hoa cúc, không uống lúc bụng đói, phụ nữ mang thai hết sức thận trọng khi uống, tốt nhất nên hỏi bác sĩ trước khi dùng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh các quan niệm này là đúng. Thân mến!

Em năm nay 33 tuổi, được chuẩn đoán bệnh lý tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim do thiếu máu cục bộ và đang điều trị bệnh. Bệnh này có trị được hết không bác sĩ? Bác sĩ thăm khám cho em đã nói rằng, cao huyết áp uống thuốc suốt đời, uống thuốc suốt đời như vậy có ảnh hưởng tới gan và thận ...

Lê Minh Toàn, 33 tuổi, An Giang

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào em!

Em năm nay 33 tuổi chẩn đoán: THA và bệnh lý cơ tim thiếu máu cục bộ. Nếu em thật sự bị 2 căn bệnh này thì em cần phải điều trị thuốc suốt đời dưới sự giám sát chặt chẻ của bác sĩ vì 2 căn bệnh này không bao giờ hết mà chỉ ổn định với thuốc. Nếu em ngưng thuốc thì sẽ có rất nhiều biến chứng xảy ra như: đột quị, suy tim, suy thận, mờ mắt... thậm chí tử vong.

Với tầm quan trọng và lợi ích của việc điều trị bệnh như vậy, em cần dùng thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và bệnh lý cơ tim thiếu máu cục bộ hàng ngày và suốt đời để tránh những biến chứng nguy hiểm không mong muốn xảy ra, bên cạnh đó mình cần tái khám bác sĩ để bác sĩ có thể theo dõi những tác dụng phụ của thuốc. Nếu có vấn đề, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc kịp thời để tăng hiệu quả chữa bệnh tối ưu nhất bằng cách ngưng thuốc ngay và đổi qua dùng một loại thuốc khác phù hợp cho từng người bệnh hơn. Bản thân ngưởi bệnh trong quá trình điều trị nếu có vấn đề không ổn phải báo ngay cho bác sĩ của mình. Vấn đề đặt ra là em bị bệnh THA và bệnh lý cơ tim thiếu máu cục bộ hơi sớm so với tuổi. Và bị bệnh sớm vậy thường có nguyên nhân nên em cần phải gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân nào có thể gây ra THA và bệnh thiếu máu cơ tim.

Nếu muốn đi khám, em có thể đến các cơ sở y tế đa khoa có trung tâm tim mạch và một trong những bệnh viện có thể giải quyết thỏa mãn những vấn đề của bạn là bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Bệnh viện đa khoa Tâm Anh địa chỉ: 2B Phổ quang, phường 2, quận Tân Bình TP HCM có trung tâm tim mạch với cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ giúp em tầm soát các bệnh của tim mạch và các bệnh khác.Thân mến!

Khi nằm ngủ, cánh tay phải của tôi hay bị tê, dù là để tay gập hay để tay cao, nhưng tôi đo huyết áp vẫn bình thường. Nhịp tim đo lúc nghỉ hay ngồi làm việc khá thấp, có lúc chỉ hơn 42 nhịp/phút (đo bằng đồng hồ sức khỏe). Không biết tình trạng như vậy tim có bị sao không? Mong bác sĩ ...

Hoàng Quốc Phú, 38 tuổi, 287 Phan Văn Hớn

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào anh Phú,

Cánh tay của anh bị tê khi ngủ có thể do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đơn giản nhất là ngủ không đúng tư thế (nằm nghiêng nhiều quá về một bên hoặc để tay bị cấn trong lúc ngủ), một số trường hợp tư thế ngồi làm việc sai hoặc vận động tay phải qua mức cũng có thể gây ra tình trạng tê tay tạm thời. Nguyên nhân thứ hai thuộc nhóm bệnh lý về cơ xương khớp – thần kinh, anh nên đi khám chuyên khoa nếu tình trạng tê tay vẫn tiếp diễn kéo dài. Nhóm nguyên nhân thứ 3 là các bệnh lý mạch máu ngoại biên, anh có thể đi khám chuyên khoa tim mạch để tầm soát khi đã tìm khám các chuyên khoa khác nhưng chưa ghi nhận gì bất thường liên quan việc tê tay.

Nhịp tim bình thường của người trưởng thành lúc nghỉ khoảng 60 – 100 lần/phút. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, nhịp tim có thể chậm hơn dưới 60 lần/ phút nhưng vẫn là nhịp bình thường. Điều này thường gặp ở những vận động viên hoặc người thường xuyên tập thể dục. Để biết được nhịp của anh có bình thường hay không, anh có thể khám tổng quát tim mạch, làm những xét nghiệm tối thiểu như đo điện tâm đồ và theo dõi nhật ký điện tim 24 giờ để biết rõ tình trạng nhịp tim và phát hiện các bất thường (nếu có). Thân mến!

Tôi đang uống thuốc điều trị huyết áp và trào ngược dạ dày được 3,5 tháng, hiện huyết áp đo được trong ngày là 114/76 mmHg đến 117/75 mmHg. Xin hỏi bác sĩ tôi có nên ngưng uống thuốc hay phải uống thuốc suốt đời? Xin nhờ các bác sĩ giải đáp.

Lại Quang Tùng, 47 tuổi, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP HCM

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn,

Đầu tiên, chúng ta nên hiểu tăng huyết áp là bệnh không bao giờ hết, bệnh chỉ ổn định với thuốc điều trị. Chỉ một tỉ lệ nhỏ bệnh ổn định mà không cần dùng thuốc nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Nếu mình không điều trị tăng huyết áp, lâu dần sẽ có nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, mờ mắt, suy thận...chưa kể có những trường hợp HA tăng cao đột ngột có thể đưa đến đột quỵ ngay. Mục tiêu của việc chữa trị tăng huyết áp chính là phòng tránh, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Hơn nữa, duy trì việc dùng thuốc là để chống tái phát và hạn chế tối đa những chuyển biến xấu của bệnh.

Với tầm quan trọng và lợi ích của việc điều trị tăng huyết áp như vậy, bạn cần dùng thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp hàng ngày và suốt đời để tránh những biến chứng nguy hiểm không mong muốn xảy ra. Bên cạnh đó, cần tái khám để bác sĩ có thể theo dõi những tác dụng phụ của thuốc. Nếu có vấn đề, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc kịp thời để tăng hiệu quả chữa bệnh tối ưu nhất bằng cách ngưng thuốc ngay và đổi qua dùng một loại thuốc khác phù hợp cho từng người bệnh. Bản thân ngưởi bệnh trong quá trình điều trị nếu có vấn đề không ổn phải báo ngay cho bác sĩ của mình.

Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân sau khi điều trị tăng huyết áp một thời gian, cảm thấy sức khỏe tương đối ổn định thì ngưng thuốc. Việc dùng thuốc như vậy thực sự rất nguy hiểm bởi lẽ, nó không chỉ không giúp bệnh nhân phòng tránh các biến chứng do tăng huyết áp mà còn gây ra những bất lợi lớn trong việc chữa bệnh. Người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch uống thuốc bởi thuốc huyết áp giúp giữ cho huyết áp của bệnh nhân luôn trong trạng thái ổn định. Không nên vì thấy huyết áp đã bình thường, hoặc vì lười mà vô tình hay cố tình bỏ thuốc.

Cho đến hiện nay, tại các bệnh viện, trường hợp bệnh nhân nhập viện khẩn cấp do các biến chứng như đột quỵ, suy tim bởi huyết áp tăng đột biến là khá nhiều. Chính vì thế, như đã nêu trên - dùng thuốc huyết áp là việc phải làm cả đời nếu đã mắc bệnh.

Hiện bạn đang dùng thuốc: Cozaar 50mg, Nebicar 2.5mg và huyết áp ổn định nên bạn tiếp tục dùng nhé và nhớ không được ngưng. Nếu có bất thường nên liên hệ với bác sĩ của mình để bác sĩ điều chỉnh nhé. Rabeto 40mg là thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản và bạn được điều trị 3.5 tháng nếu vần đề đã ổn định bạn có thể ngưng, nếu chưa ổn định bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của mình để có lời khuyên tốt nhất bạn nhé. Medi levosulpiride 50mg là thuốc điều trị lo âu, nếu bạn thấy vui vẻ với cuộc sống bạn có thể ngưng.

Tôi có tiền sử bệnh tăng huyết áp, có bố mẹ và anh chị đều bị huyết áp cao. Tôi 55 tuổi bị đột quỵ nhẹ năm 2019, tứ chi không ảnh hưởng nhiều. Kết quả chụp CT Scan:
- Vài ổ nhũn não cũ ở cầu sau.
- Vài ổ nhũn não cũ ở nhân đậu hai bên và đổi thị trái.
Từ đó ...

Trương Phan, 55 tuổi, Quận 4, TP HCM

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bác!

Nhồi máu não là loại đột quỵ xảy ra do thiếu sự cung cấp máu lên não, khác với xuất huyết não bắt nguồn từ tình trạng chảy máu não. Nhồi máu não chiếm từ 70-80% các trường hợp đột quỵ nhưng có thể chữa khỏi trong khi bệnh nhân bị xuất huyết não dễ tử vong hoặc tàn phế.

Đột quỵ nhồi máu não là quá trình mà động mạch não bị hẹp hoặc tắc khiến lưu lượng tuần hoàn tại vùng não do động mạch đó phân bố giảm trầm trọng gây hoại tử, chức năng vùng não đó bị rối loạn và biểu hiện các triệu chứng về thần kinh tương ứng với vùng não bị tổn thương.

Nguyên nhân bệnh Nhồi máu não:
- Do huyết khối ở động mạch não (thrombosis): là quá trình xuất phát từ tổn thương thành mạch tại chỗ, sau đó tổn thương lớn dần lên rồi gây hẹp hoặc tắc động mạch não.
- Do tắc mạch (embolism): cục tắc bắt nguồn từ hệ thống tim mạch (từ tim hay mảng xơ vữa) hoặc ngoài tim như bóng khí, tổ chức dập nát phần mềm của cơ thể), theo hệ thống tuần hoàn lên não, đến nơi động mạch hẹp hơn kích thước của nó sẽ nằm lại và gây tắc mạch.

Các số liệu cụ thể về nguyên nhân gây nên nhồi máu não bao gồm:
- Xơ vữa huyết khối của mạch máu lớn chiếm 50% gồm 45% mạch máu lớn ngoài sọ và 5% mạch máu lớn trong sọ.
- Huyết khối từ tim như bệnh van tim, rung nhĩ… chiếm 20%.
- Tắc các mạch máu nhỏ trong não chiếm 25%.
- Bệnh động mạch không xơ vữa và bệnh về máu đều chiếm dưới 5%.

Kết quả CT scan của bác là bị nhũn não (nhồi máu não) từ năm 2019 là nhồi máu cũ và HA của bác vẫn chưa ổn định mục tiêu, nên thuốc của bác uống có thể chưa đủ liều, có thể mình tăng thêm liều thuốc hoặc phối hợp thêm thuốc khác.Hướng điều trị: Các nguyên tắc điều trị nhồi máu não gồm có:
- Điều trị tiêu huyết khối: là điều trị đặc hiệu của nhồi máu não nhưng để áp dụng được thì bệnh nhân cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn xét nghiệm và thời gian, trong đó thời gian kể từ khi khởi phát phải không quá 3 giờ.
- Sử dụng aspirin và các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu khác: được sử dụng ở tất cả các trường hợp đột quỵ nhồi máu não ngoại trừ bệnh nhân bị dị ứng hoặc không dung nạp aspirin hoặc đang cân nhắc dùng thuốc tiêu huyết khối. Heparin và các thuốc chống đông khác chỉ được chỉ định điều trị trong trường hợp nhồi máu não có rung nhĩ, bệnh van tim hoặc ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Điều trị thuốc hạ huyết áp: tăng huyết áp là nguy cơ chính của đột quỵ não nên điều trị hạ huyết áp là cần thiết đối với cả bệnh nhân tăng huyết áp chưa đột quỵ và bệnh nhân đã có nhồi máu não.
- Điều trị đái tháo đường trong đột quỵ não: bệnh nhân nhồi máu não có bệnh kèm đái tháo đường được khuyến cáo điều trị để mức đường huyết về bình thường và HbA1c dưới 7%.

Đối tượng nguy cơ bệnh nhồi máu não:
- Người có nguy cơ cao bị nhồi máu não cấp thường là những người mắc những bệnh làm gia tăng khả năng hình thành huyết khối bất thường hoặc bệnh làm tổn thương lớp lót trong của động mạch não như: bệnh tim, bệnh mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường và chứng rối loạn đông máu.
- Người hút thuốc lá, nghiện rượu bia.
- Người có tiền sử bị béo phì, ít vận động, cholesterol cao, stress cũng dễ dẫn tới nhồi máu não kể cả với người trẻ.

Cách phòng ngừa bệnh nhồi máu não:
- Tránh các yếu tố nguy cơ bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh và tích cực như: không hút thuốc lá, các chất kích thích, hạn chế rượu bia, duy trì một chế độ ăn lành mạnh nhiều rau, hoa quả cùng với tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ béo phì, hạn chế ăn mặn và mỡ động vật.
- Cần điều trị triệt để hoặc kiểm soát tốt các bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ, bệnh lý tim mạch thông qua các biện pháp như đo huyết áp hằng ngày, kiểm soát đường và mỡ trong máu.

Bệnh nhân và người nhà cần lưu ý những dấu hiệu cần để nhận biết tai biến mạch máu não đó là FAST (nhanh) là các chữ cái viết tắt của:
- Face (mặt): bệnh nhân cười hoặc nhe răng, một bên không cử động.
- Arm (tay): cánh tay một bên yếu hơn bên kia khi đồng thời giơ cả hai tay lên.
- Speech (lời nói): nói đớ líu lưỡi, dùng từ không thích hợp hoặc câm lặng.
- Time (thời gian): nếu nghi ngờ có một trong các triệu chứng trên thì cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay và ghi nhớ thời gian khởi phát triệu chứng.

Vấn đề của bác, tốt nhất bác nên đến khám chuyên khoa tim mạch và nội thần kinh để được tư vần, thăm khám và điều trị cụ thể bác nhé. Thân mến!

Tôi là nam, 42 tuổi, siêu âm có xơ vữa khoảng 30% phía mạch cảnh lên não, thỉnh thoảng có chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống. Kết quả xét nghiệm cholesterol toàn phần 7, LDL 4.1. Tôi đang uống thuốc hàng ngày. Xin hỏi bác sĩ có cách nào giảm xơ vữa không? Uống thuốc như thế có ảnh hưởng đến gan không? Cám ...

Tuan Nguyen Quoc, 42 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn!

Bạn vị xơ vữa động mạch cảnh gây hẹp 30%. Tình trạng này chưa có chỉ định can thiệp và khó có thể là nguyên nhân gây chóng mặt của bạn. Bạn chóng mặt khi thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống rất có thể bạn bị có thể bạn bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Bạn uống thiếu nước, ăn kém, mất ngủ, hoặc uống nhiều bia rượu cũng có thể gây ra vấn đề chóng mặt, tuy nhiên vẫn không loại trừ nhiều nguyên nhân khác gây ra đặc biệt ở não. Nên bạn có thể chụp CT não hoặc MRI não và làm thêm các cận lâm sàng khác để tìm nguyên nhân chóng mặt. Bệnh nhân có LDL-C cao, mà LDL-C cao không tốt cho xơ vữa động mạch cảnh. Để ổn định mãng xơ vữa, bạn nên:

- Kiểm soát tăng huyết áp, theo dõi huyết áp thường xuyên

- Kiểm soát rối loạn mỡ máu, đặc biệt LDL-C. Bạn dùng thuốc statin để hạ mỡ máu và ổn định mãng xơ vữa

- Kiểm soát đường huyết của bệnh đái tháo đường. Sử dụng thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Liên hệ với bác sĩ khi có huyết áp, đường huyết, mỡ máu không ổn định

- Giảm cân có khoa học, phòng bệnh béo phì, giữ cân đạt chuẩn

- Có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc.

- Ăn nhạt, hạn chế đường, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, ăn nhiều rau xanh, cá...

- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá...

- Tránh căng thẳng, stress và áp lực trong công việc.

- Tập luyện thể dục thể thao theo khả năng gắng sức của mình thường xuyên để tăng cường sức khỏe.

Do đó, bạn nên dùng statin suốt đời để ổn định mãng xơ vữa, và xem xét dùng thêm aspirin. Trong quá trình dùng thuốc, bạn nên tái khám để bác sĩ có thể theo dõi chức năng gan định kỳ để phát hiện kịp thời và tìm cách khắc phục nếu có tác dụng phụ. Thân mến!

Hiện nay, bà em được bác sĩ chẩn đoán suy tim và suy thận, chỉ số creatinine 160. Trước đây, bà bị huyết áp dẫn đến suy thận. Sau khi đi khám, bác sĩ chỉ cho thuốc điều trị tăng huyết áp. Gia đình em dự định cho bà em uống thêm sản phẩm bổ trợ để cải thiện chức năng thận. Bà em vừa ...

Huỳnh Nam, 30 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai

ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Chào bạn,

Vì bạn không cung cấp về tuổi của bà bạn nên không thể tính chính xác độ lọc cầu thận, tuy nhiên bà bạn với creatinin máu: 160 mcmol/L, thì có thể là bệnh thận mạn giai đoạn 4 (bệnh thận mạn được chia thành 5 giai đoạn). Những sản phẫm hỗ trợ để cải thiện chức năng thận hay còn gọi là thực phẩm chức năng, thường không có nghiên cứu rõ ràng, do đó không thể đánh giá hiệu quả và tác dụng phụ của những sản phẩm này. Hơn nữa, những sản phẩm này có thể tương tác với thuốc điều trị huyết áp và suy tim. Tốt nhất bạn nên cho bà bạn uống theo toa thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Thân mến.

Khoảng một năm nay, tôi hay bị chóng mặt, buồn nôn. Khi đó, mạch đập thấy bình thường, không bị đau đầu. Hiện tượng hay xảy ra lúc chuyển tư thế từ ngồi sang nằm hoặc chuyển tư thế lật qua lật lại trong khi nằm. Các xét nghiệm điện tim, huyết áp của tôi đều đều bình thường. Tôi đang gặp vấn đề gì ...

Nguyễn Hữu Mỹ Hòa, 45 tuổi, Tân Bình, TP HCM

ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Chào chị,

Triệu chứng chóng mặt của chị có thể do nhiều nguyên nhân như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh do mắt như cận thị, hạ huyết áp tư thế, thiểu năng tuần hoàn não, u não,... Tốt nhất chị nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám toàn diện. Từ đó có chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp cho chị. Trân trọng!