VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 13/2/2025

Con em lúc mới sinh uống sữa bột công thức thì bình thường. Sau 2 tháng uống lại chỉ một lần là ọc hết ra. Thế là em cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn. Đến 4 tháng bé chán sữa nên em cho bú lại thì gần 2 giờ sau bé ói, tiêu chảy rất nhiều và quấy khóc. Không biết có phải ...

Đỗ Thị Mộng Thu, 38 tuổi, 2549/5 Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8, TP.HCM

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn!
Hiện chắc hẳn bạn đang rất căng thẳng về tình trạng con bạn. Bác sĩ hiểu và chia sẻ với bạn về những âu lo này.
Vấn đề đầu tiên, trẻ uống sữa đã mở nắp để một tháng nếu sữa đó vẫn còn hạn sử dụng, không ẩm mốc, và đảm bảo vệ sinh khi pha chế thì đó có thể không phải là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa của trẻ. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý chỉ nên sử dụng sữa đã mở nắp trong vòng 30 ngày kể từ lúc khui nắp hộp ra sử dụng. Nên thường xuyên kiểm tra bột xem có dấu hiệu vón cục, hay đổi màu bất thường hay không, tránh trường hợp sữa bị hỏng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Về tình trạng hiện tại của bé, trước hết bạn nên cố gắng cho bé bú sữa mẹ thay vì dùng sữa công thức, vì trong sữa mẹ đủ dưỡng chất thiết yếu, cũng như cung cấp cho trẻ miễn dịch để chống lại bệnh tật; ngoài ra khi bé bú sữa bạn thì bé ít có vấn đề về tiêu hóa hơn. Khi nào tình hình dịch bệnh ổn định, bạn có thể cho bé đi khám bác sỹ để cung cấp nhiều thông tin hơn và bác sỹ có thể khám trực tiếp cho bé để có hướng chẩn đoán và can thiệp thích hợp.

Bé hiện tại nếu tròn 6 tháng tuổi, bạn tập cho trẻ ăn dặm từ từ, ngày một cữ, ăn dặm từ bột ngọt trước, sau đó đến bột mặn, lần đầu một hoặc hai thìa cà phê nhỏ, sau đó tăng dần từ từ về lượng. Bạn cố gắng kiên nhẫn tập cho bé làm quen với chế độ ăn "mới lạ" đặc hơn so với món sữa lỏng quen thuộc trước giờ của bé. Theo dõi để hiểu sở thích và thói quen ăn uống của trẻ.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng

Em sinh con được 5 tháng, em muốn chích vắc xin thì có ảnh hưởng gì không ạ?

Nguyễn Thị Thuỳ, 30 tuổi, 222 Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Chích vaccine trên phụ nữ sau sinh chỉ cần cân nhắc nếu bà mẹ cho con bú sữa mẹ bởi vì một số vaccine có thể qua sữa mẹ và ảnh hưởng có hại cho trẻ. Nếu bạn không cho con bú mẹ, thì việc chích vaccine thường là an toàn. Tuy nhiên để có thể tư vấn cụ thể, bạn cần cung cấp thêm thông tin về việc bạn nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức và loại vaccine bạn muốn chích.

Bạn có thể liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Con trai tôi năm nay 16 tuổi. Từ lúc sinh ra đến năm cháu học lớp 5, tối nào cháu cũng đái dầm nhưng bắt đầu năm lớp 6 thì hết. Nhưng khoảng 1 tuần nay tối nào cháu cũng đái. Xin bác sĩ tư vấn làm sao để khắc phục tình trạng này ạ. Xin cám ơn bác sĩ.

lethituyetthu, 43 tuổi, tphcm

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Tiểu không kiểm soát hay đái dầm là tình trạng không kiểm soát được bàng quang, và hậu quả là bé sẽ tiểu không tự chủ. Ở bé dưới 3 tuổi, bé chưa tự chủ được ý muốn của bản thân nên đái dầm là chuyện rất bình thường. Khi bé lớn hơn, thường từ 5-7 tuổi, khả năng kiểm soát bàng quang của trẻ sẽ tốt hơn; trẻ sẽ thức dậy khi muốn đi tiểu.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây đái dầm ban đêm như: táo bón, ngưng thở khi ngủ, đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh thận... hoặc đơn giản do trẻ bị căng thẳng về tâm lý như gặp khó khăn ở trường hay trong gia đình.

Con của bạn đái dầm cho đến khi cháu học lớp 5 là biểu hiện không bình thường trong thời gian đó, không biết cháu đã được chẩn đoán và điều trị gì? Tuy nhiên nếu cháu đã không còn đái dầm 6 năm nay thì nhiều khả năng cháu không mắc bệnh của các hệ cơ quan có thể gây biểu hiện đái dầm. Hiện nay cháu đã 16 tuổi, và bắt đầu đái dầm lại từ 1 tuần nay có thể nguyên nhân là do căng thẳng về tâm lý; tuy nhiên, ở lứa tuổi dậy thì, một số trẻ nam cũng có thể có biểu hiện như đái dầm khi ngủ do sự biến đổi nội tiết.

Để chẩn đoán nguyên nhân gây đái dầm của bé và được tư vấn cụ thể hơn về phương pháp điều trị, bạn có thể đưa bé đến khám tại bệnh viện đa khoa Tâm Anh số 2B Phổ Quang phường 2, Q.Tân Bình hoặc gọi số 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Âm đạo giãn rộng sau sinh thường có cách nào khắc phục không thưa bác sĩ?

Mai Thị Ngọc, 24 tuổi, Hà Nội

Mẹ tôi 70 tuổi, bị sa âm đạo, sa bàng quang, sa sinh dục độ 3. Toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo, viêm nhiễm và sinh hoạt rất bất tiện. BVĐK Tâm Anh có điều trị được không ạ?

Ly, 70 tuổi, Đông Nai

Em đang mang thai tháng thứ 4, thuộc nhóm có thể tiêm vaccine. Em được biết khi mang thai không được sử dụng thuốc hạ sốt, vậy nếu tiêm vaccine xong bị sốt cao thì em phải làm sao ạ?

Hoang Anh, 26 tuổi, 201 Nguyễn Xí, Bình Thạnh

Con tôi có bầu 15 tuần tuổi có tiêm được vaccine chống Covid-19 không? Nếu tiêm được thì tiêm loại nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

Tạ Văn Bình, 55 tuổi, Thái Thụy, Thái Bình

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Cảm ơn anh/ chị đã đặt câu hỏi. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19, có bổ sung về việc tiêm vaccine cho phụ nữ có thai > 13 tuần. Để đánh giá cho sản phụ có đủ điều kiện không, bạn cần đến khám sàng lọc tại cơ sở/ trung tâm tiêm chủng để đánh giá nguy cơ trước tiêm. Bác sĩ sẽ khám, đánh giá tình trạng sản phụ, tình trạng thai, các yếu tố tiền sử dị ứng, bệnh lý toàn thân, giải thích các lợi ích cũng như nguy cơ của việc tiêm vaccine Covid-19.

Em đang có ý định mang thai vậy có nên chích vaccine khi tới lượt không? Nếu chích rồi mang thai ngay thì có ảnh hưởng tới em bé không ạ?

Nguyễn Thị Tường Vi, 27 tuổi, Bình Phước, TP.HCM

Chào bác sĩ tư vấn, cho em hỏi vợ em bị buồn trứng đa nang thì vẫn có thai bình thường được không, hay phải đi khám ở bệnh viện? Em và vợ cưới nhau được mấy tháng rồi nhưng chưa có thai. Mong sự phản hồi từ bác sĩ tư vấn. Thanks.

Tran Khanh, 29 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM

Thưa bác sĩ, em năm nay 38 tuổi, đã có 1 bé trai 4 tuổi. Hiện tại em đang có kế hoạch sinh thêm bé thứ 2. Cách đây 1 tuần e có tiêm ngừa vaccine Modena. Bác sĩ cho em hỏi bao lâu sau tiêm vaccine thì e để có thai được? Và có cần chờ tiêm đủ 2 mũi mới mang thai ...

Bích Vân, 38 tuổi, TP.HCM

Xin chào bác sĩ, cháu tôi 30 tháng cao 85cm nặng 12,5 kg. Cháu rất lười ăn, ngủ tốt, mẹ cháu nuôi theo phương pháp easy, sinh hoạt theo chuẩn. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi làm sao cháu ăn được nhiều hơn ạ . Xin cám ơn bác sĩ.

Phạm hoàn, 62 tuổi, Hoàng quốc việt hà nộ

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Xin chào bạn.
Việc bạn nuôi con theo phương pháp EASY chứng tỏ bạn là một bà mẹ hiện đại, và đã bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu việc nuôi con, lợi ích của việc nuôi theo phương pháp này sẽ giúp bạn thiết lập được một thời gian biểu sinh hoạt nề nếp có nhịp điệu cho bé, và giúp bé:

Thứ 1: tập thói quen ăn uống tốt, ăn lúc đói, không ăn vừa ăn vừa chơi;

Thứ 2: giúp bé ngủ đúng thời điểm, dễ đi vào giấc ngủ, ngủ đủ ban ngày cũng như ban đêm; Thứ 3: giúp bé kết nối với mẹ, có khả năng chủ động thể hiện nhu cầu bản thân.

Việc bé của bạn ngủ tốt là dấu hiệu rất tốt, chúc mừng bạn. Bé của bạn lại rất lười ăn đó là vấn đề cẩn thảo luận rõ hơn. Trước tiên phải xem lại bạn đã thật EASY chưa, tức là bé có ăn lúc đói thật sự hay không, bé 30 tháng một ngày thường sẽ có 5 bữa gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ, khoảng cách từ bữa chính với bữa phụ ít nhất là 2h-3h.

Và đôi khi có tuần wonder week bé có thể biếng ăn sinh lý bạn nhé. Việc thứ 2 là cần định nghĩa rõ ràng bé có biếng ăn không, bé sẽ biếng ăn khi ít nhất có 2 dấu hiệu trong các dấu hiệu sau: trẻ ăn ít hơn ½ khẩu phần ăn theo tuổi, hoặc bữa ăn kéo dài quá 30 phút, trẻ từ chối khóc lóc, gào thét chạy trốn, nôn oẹ khi thấy đồ ăn, trẻ ngậm thức ăn không nuốt, không tăng cân trong vòng 3 tháng liên tục.

Bé của bạn 30 tháng cao 85 cm, năng 12,5 kg, như vậy là bé có chiều cao thấp hơn chuẩn, cân nặng vẫn trong giới hạn bình thường, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng thấp thì bé của bạn dễ nhanh chóng rơi vào vùng nhẹ cân.

Vậy bạn xem lại việc có bị áp lực quá về cân nặng chiều cao, biếng ăn của bé không, nếu có bạn nên đổi người khác cho bé cho ăn, những "bác" mát tay khi chăm trẻ con sẽ có thể giúp ích cho bạn. Bạn xem lại cách cho bé ăn có đa dạng các thành phần khẩu vị cho bé không nhé. Bạn xem con bạn đã vận động đủ chưa, nhiều khi vận động thiếu đứa trẻ sẽ không cảm giác đói đâu.

Và nếu bé không cải thiện nhanh chóng chiều cao, và việc lười ăn bạn buộc phải đến gặp bác sĩ để tìm các nguyên nhân thực thể về một số bệnh liên quan đến biếng ăn, và đánh giá việc việc thiếu vi chất của trẻ có hay không bạn nhé. Chúc bé của bạn hay ăn chóng lớn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng chúng tôi

Chu kỳ của em đều, khoảng 28 ngày. Kinh cuối em ngày 8/7. Ngày 23/7 chích ngừa vaccine AstraZeneca. Ngày 13/8 thử que 2 vạch sau khi trễ kinh khoảng 6 ngày. Như vậy có ảnh hưởng gì đến thai không ạ? Bé trước em sinh mổ cách đây 17 tháng.

Lê Nguyên, 36 tuổi, Bình Định

Hôm qua em phát hiện có bầu đc 5 tuần 2 ngày, do không biết có bầu nên em tiêm vaccine Covid-19 Moderna được 25 ngày rồi ạ. Vậy em bé có bị ảnh hưởng bởi vaccine không ạ?

Hoàng Thị Ngọc Diễm, 29 tuổi, Tổ 2, P. Phú Đô, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào bạn!
Cảm ơn anh/ chị đã đặt câu hỏi. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19, có bổ sung về việc tiêm vaccine cho phụ nữ có thai > 13 tuần. Để đánh giá cho sản phụ có đủ điều kiện không, bạn cần đến khám sàng lọc tại cơ sở/ trung tâm tiêm chủng để đánh giá nguy cơ trước tiêm. Bác sĩ sẽ khám, đánh giá tình trạng sản phụ, tình trạng thai, các yếu tố tiền sư dị ứng, bệnh lý toàn thân, giải thích các lợi ích cũng như nguy cơ của việc tiêm vaccine covid 19.

Trường hợp của bạn thì hiện tại chưa có một bằng chứng nào về việc vaccine Covid-19 gây ảnh hưởng đến những thai nhi dưới 12 tuần. Tuy vậy trường hợp của bạn cần được theo dõi thai kì sát và làm đầy đủ các xét nghiệm về sàng lọc dị tật thai.

Em vừa được tiêm vaccine Covid-19 lúc 13 tuần 6 ngày. Bác sĩ sau khi khám sàng lọc cho em thì chỉ định tiêm vaccine Moderna và có hẹn sẽ nhắn tin thông báo lịch tiêm mũi 2 (thời gian, địa điểm). Vậy các bác sĩ cho em hỏi mũi tiêm thứ 2 em sẽ được tiêm cùng loại như mũi 1 phải không ...

Bánh Bèo hữu dụng, 30 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM

Chào bác sĩ, em đang có thai được 18 tuần, lúc siêu âm ở tuần 14 bác sỹ có nói thai của em bị thoát vị rốn, trong khối thoát vị có gan, dạ dày, ruột và ít dịch. Bác sỹ khuyên em không nên giữ nhưng vợ chồng em quyết định sẽ giữ lại con. Cho em hỏi trường hợp thai nhi của ...

Nguyễn Hà, 32 tuổi, Hải An, Hải Phòng

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê

Chào bạn!
Thường thai nhi bị thoát vị rốn có nguy cơ về nhiễm sắc thể (NST) rất lớn nên việc đầu tiên để chẩn đoán thoát vị rốn bạn cần phải thực hiện: chọc ối để làm xét nghiệm nhiễm sắc đồ để xem có bị bất thường về NST hay không.

Thứ hai, khi một thoát vị rốn lại có cả gan, ruột, dạ dày đi ra ngoài thì đó là khối thoát vị rất lớn. Việc này kéo theo tổ chức phần bụng ra ngoài làm cột sống của em bé bị biến dạng, đây là một trong những hệ luỵ do thoát vị rốn có thể xảy ra.

Tiếp theo, khi khối thoát vị lớn như vậy mà có thể phẫu thuật thì cũng rất khó khăn, vì việc đẩy được cả gan, dạ dày, ruột từ bên ngoài vào trong đòi hỏi phải có thời gian rất dài mới có thể đẩy được cả khối đó vào bên trong. Vì mình không thể đẩy vào cùng một lúc, vì việc làm đột ngột này sẽ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch cửa gây nguy hiểm, em bé ra đời cũng không thể sống được.

Việc phẫu thuật rất phức tạp và thường phẫu thuật đó sẽ thực hiện tại các bệnh viện lớn như Khoa Nhi BV Việt Đức, BV Nhi Thuỵ Điển. Việc thăm khám, theo dõi để tiên lượng bạn có thể thực hiện tại BVĐK Tâm Anh, bác sĩ tư vấn xem bạn có nên tiếp tục giữ thai để theo dõi hoặc đình chỉ thai. Trong trường hợp giữ thai thì bạn cần làm những việc gì để chuẩn bị tốt nhất cho em bé khi ra đời.

Bé thứ 2 nhà em sinh mổ tháng 5/2021 hiện tại bé được 3 tháng, nặng 6kg dài 63cm, bú sữa công thức và hiện có uống thêm vitamin D & Canxi. Bé bú ngoan khoảng 6 đến 7 cữ/ngày, 100 đến 120 ml/cữ. Bé ngủ giấc đêm từ 6h tối hôm trc đến khoảng 6h sáng hôm sau, nhưng bé ngủ say chỉ ...

Hoang Ha, 34 tuổi, Bình Thạnh

BS.CKI Đỗ Thị Kiều Oanh

Chào bạn!
Rất chia sẻ với tình trạng con bạn đang gặp phải.
Đầu tiên với chiều dài và cân nặng và tình trạng dinh dưỡng của bé là phù hợp với lứa tuổi. Ở lứa tuổi của bé thì các bé sẽ vẫn có một giấc ngủ nông, sẽ có cơn tỉnh thức ngắn. Tuy vậy, bạn không nên bật đèn rồi chơi với bé vì nếu bé đã có thói quen thức giấc và chơi với mẹ thì bé sẽ vẫn duy trì thói quen này và khó hợp tác trong việc ngủ đủ giấc.

Bạn nên chú ý bật đèn ngủ khi bé ngủ, không nên bật đèn sáng như đèn tường, điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp với bé nhỏ, nên massage bụng và vỗ ợ hơi sau khi cho bé bú, mặc đồ thoáng mát nhưng phải đủ ấm, khi bé tỉnh giấc thì mẹ nên kiểm tra tình trạng đói, tã,... nếu sau khi mẹ thử nhiều biện pháp và vấn đề trên không cải thiện nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sỹ thăm khám, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác tình trạng của con bạn và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Chào bác sĩ
Bé nhà em được 2,5 tháng rồi. Khi sinh bé bị một bên tinh hoàn ẩn (khi thăm khám sơ sinh bác sĩ nói đang ẩn ở bẹn). Đến giờ bên đó vẫn chưa về trạng thái bình thường. Hiện tại bé ăn ngủ, tăng cân bình thường, khu vực tinh hoàn ẩn không sưng đỏ, không biểu hiện gì.
Bác ...

Bon Bon, 34 tuổi, HCM

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn! Xin cám ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của con bạn.
Thông thường, tinh hoàn nằm ở bìu. Khi tinh hoàn không nằm ở bìu mà nằm ở các vị trí khác như lỗ bẹn nông, lỗ bẹn sâu hoặc nằm trong ổ bụng thì gọi là tinh hoàn ẩn. Đây là một bệnh lý gặp khá phổ biến ở trẻ trai. Bệnh mắc với tỷ lệ 3% ở trẻ sinh ra đủ tháng, 30% ở trẻ sinh thiếu tháng. Bệnh có thể được phát hiện ngay sau sinh và đặt ra kế hoạch theo dõi, điều trị.

Ở lứa tuổi dưới 1 tuổi: Nếu tinh hoàn chưa xuống bìu nhưng sờ nắn thấy ở ống bẹn, thấp về phía túi bìu thì nên theo dõi thêm, một số trường hợp tinh hoàn sẽ xuống bìu khi trẻ đến 1 tuổi. Nếu sau 1 năm tuổi mà tinh hoàn vẫn chưa xuống bìu thì nên điều trị bằng thuốc và chuẩn bị phẫu thuật sớm. Còn nếu không nắn thấy tinh hoàn ở ống bẹn, siêu âm có thể thấy tinh hoàn trong ổ bụng thì nên mổ sớm vào những tháng cuối của năm tuổi đầu tiên.

Ở lứa tuổi trên 1 tuổi: hầu hết các bệnh nhân tới khám ở lứa tuổi trên 1 tuổi. Chỉ định mổ tốt nhất là từ 1 tới 2 tuổi. Tùy theo tường trường hợp mà các bác sĩ chỉ định điều trị. Ðiều trị bằng thuốc nội tiết trước, nếu không kết quả mới phẫu thuật hoặc phải phẫu thuật ngay để đưa tinh hoàn xuống bìu.

Do đó với tình trạng của con bạn hiện bé 2,5 tháng, chưa có biểu hiện bất thường nào, bé vẫn ăn ngủ và lên cân bình thường thì trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, bạn nên theo dõi tiếp ở nhà chưa cần đưa bé đi khám ngay. Khi nào tình hình dịch bệnh ổn định hơn, bạn nên đưa bé đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tư vấn và đưa ra hướng theo dõi và điều trị tiếp theo.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Tôi 37 tuổi, đang sinh sống tại TP.HCM, đã có 1 bé 4 tuổi, từng 2 lần lưu thai, sảy thai. Hiện tôi đang mang thai ở tuần 21, tôi bị viêm gan siêu vi B mãn tính. Tôi nhờ các bác sĩ tư vấn: tôi có nên tiêm vaccine ngừa Covid không ạ? Và khi sinh tôi nên tiêm gì hay dùng gì ...

Huyền Phạm, 37 tuổi, P26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm

Chào em, tiêm vaccine ngừa Covid-19 hiện nay được Bộ Y Tế cho phép áp dụng thai phụ mang thai từ 13 tuần, với thông tin ban đầu em cung cấp thì em đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhé, quyết định được tiêm sau cùng là tại thời điểm bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm em. Với thai phụ bị viêm gan siêu vi B thì tuần thứ 24 cần xét nghiệm máu tải lượng virus để quyết định có cần điều trị viêm gan siêu vi B trong thai kỳ hay không để ngừa lấy truyền cho bé. Sau sinh Bé sẽ được tiêm huyết thanh chứa kháng thể kháng virus viên gan siêu vi B và vaccin ngừa viêm gan siêu vi B luôn em nhé.

Chúc em sức khỏe!

Bé nhà em 5 tuổi, bị đi đái dắt hơn một tháng rồi. Nhiều khi bé mới đi được 1 phút lại đi tiếp, liên tục cả tiếng đồng hồ. Hỏi thì bé nói là không bị đau rát gì cả. Em cho bé đi siêu âm với xét nghiệm nước tiểu thì bác sĩ bảo bình thường và cho 5 ngày thuốc nhưng ...

Trần Yến Nhi, 5 tuổi, 45 Ngô Quyền, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn! Xin cám ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của con bạn.
Tiểu lắt nhắt được định nghĩa là trẻ đi tiểu rất nhiều lần, khoảng cách giữa các lần rất ngắn có khi cứ vài phút trẻ lại đòi đi tiểu một lần, nhưng mỗi lần chỉ một chút nước tiểu. Thông thường trẻ đi trên 7 lần/ ngày.

Các nguyên nhân của tiểu lắt nhắt:
1/ Nhiễm trùng tiểu:
Thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai. Ngoài triệu chứng tiểu lắt nhắt các bé thường hay than phiền nóng rát hay đau. Nhiều khi đau đến nỗi khóc thét khi đi tiểu hoặc nín tiểu, lấy tay bóp chỗ kín vì đau. Có thể kèm theo thay đổi tính chất nước tiểu: có máu (đỏ) hay mủ (đục).
Nguyên nhân nhiễm trùng tiểu thường là do vi khuẩn từ đường ruột xâm nhập ngược trở lại đường niệu. Ở trẻ trai thì có liên quan tới vệ sinh đầu dương vật kém, hay gặp ở các bé hẹp hay dài da bao quy đầu.
2/ Táo bón:
Là tình trạng khá phổ biến, khi có ứ đọng phân khối phân trong trực tràng có thể đè vào bàng quang khiến trẻ có cảm giác mót tiểu thường xuyên. Táo bón cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu ở trẻ nhỏ. Điều trị tháo phân và kiểm soát táo bón cho tốt làm hết hiện tượng này.
3/ Đi tiểu không hết do ám ảnh tâm lý:
Tình trạng này khá thường gặp ở trẻ em. Đây có thể coi là một rối loạn hành vi liên quan tới tâm lí nhiều hơn là bệnh tật y khoa.
Trẻ có thể có cảm nghĩ mình đã dành quá ít thời gian cho việc đi vệ sinh, và việc đó khiến mình bỏ lỡ điều gì đó rất quan trọng, do đó trẻ thường xuyên đi tiểu, nhưng mỗi lần đi lại không làm trống hết bàng quang và dần dần hình thành thói quen tiểu rất nhiều lần mỗi lần một ít. Lâu ngày các cơ thắt cổ bàng quang trở nên nhạy cảm quá mức và khó làm được chức năng giữ nước tiểu đầy đủ như bình thường.
Điều trị tình trạng này chủ yếu là hướng dẫn trẻ thực hành thói quen đi tiểu tốt, khuyến khích trẻ đi tiểu hết mỗi lần, và lên lịch đi tiểu mỗi 2-4 giờ.
4/ Tiểu lắt nhắt vô căn:
Sự co bóp bàng quang cũng phụ thuộc rất lớn vào tình trạng tâm lí: khi bị hồi hộp, stress. Trẻ rất dễ có cảm giác mót tiểu dù rằng trong bàng quang chưa đủ lượng nước. Việc này có thể kéo dài hình hành thói quen tiểu nhiều lần mà không hề có bệnh thực thể nào. Tình trạng này cũng có thể tự biến mất sau 3 tháng.

Giải tỏa stress, huấn luyện hành vi nín tiểu, đánh lạc hướng để bàng quang tích đủ lượng nước tiểu rồi mới đi tiểu là điều trị đầu tiên. Sau 3 tháng nếu nếu không cải thiện – 1 số thuốc có thể giúp ích cho việc điều hòa lại co bóp bàng quang.

Do tình hình dịch bệnh bạn không thể đưa con đến khám ngay được thì với những nguyên nhân vừa kể trên, bạn xem con mình ngoài việc tiểu lắt nhắt thì bé có kèm các dấu hiệu khác như bị táo bón, sốt, nước tiểu có máu, bé có đang gặp stress tâm lý... Và nếu việc tiểu lắt nhắt không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bé thì bạn có thể trì hoãn việc đưa bé đi khám, tìm hiểu những nguyên nhân có thể gây cho con bạn tiểu lắt nhắt, giải quyết nguyên nhân nếu được.
Khi tình hình dịch bệnh ổn định, bạn nên sớm đưa bé đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết tìm ra nguyên nhân tình trạng tiểu lắt nhắt của bé.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Con trai tôi 14 tuổi, dạo gần đây cháu cứ ăn vào là bị đau bụng đi ngoài. Tôi muốn hỏi bác sĩ cháu bị như vậy là dấu hiệu bệnh gì ạ? Cháu cần đi khám bệnh gì?

Trần Thị Huyền, 40 tuổi, 11 Võ Thị Sáu Ngô Quyền - Hải Phòng

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Xin chào bạn, bạn cần cho chúng tôi biết cháu nhà bạn bị đau bụng bao lâu rồi, phân bé đi như thế nào? Đi ngoài xong còn đau bụng không? Có nôn không? Đau bụng vùng nào? Nhà có ai bị dạ dày không? Cháu có lo lắng thi cử không? Chúng tôi cần biết tất cả triệu chứng trên để xem cháu đau bụng cấp hay mạn mới khu trú được nguyên nhân.

Đau bụng còn cần khám xem có gì đặc biệt không nữa. Nên tốt nhất bạn nên mang con đi khám vì có những nguyên nhân rất đơn giản như hội chứng ruột kích thích nhưng cũng có khi có các nguyên nhân cần điều trị như viêm dạ dày hoặc nguyên nhân cần can thiệp phẫu thuật như nang niệu rốn, lồng ruột mạn... Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, thân mến!